Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Ngành xi-măng: Hành trình một thế kỷ ‘nóng - lạnh’
Hải Yến - 03/09/2013 12:52
 
Trước cả ngành đường sắt và chỉ sau ngành bưu điện, ngành công nghiệp xi măng Việt Nam - bắt đầu bằng sản phẩm xi măng portland của Nhà máy xi măng Hải Phòng - đã qua cuộc hành trình hàng thế kỷ.

Dấu ấn nhà máy đầu tiên

Xi măng được xem là ngành công nghiệp có lịch sử hình thành khá sớm của nước ta, với dự án đầu tiên là Nhà máy Xi măng Hải Phòng, được xây dựng vào năm 1889.

Sản phẩm xi măng mang thương hiệu con Rồng của Nhà máy Xi măng Hải Phòng đã từng một thời nổi tiếng không chỉ ở Việt Nam, mà còn có mặt ở cả vùng Viễn Đông, Vladivostok (LB Nga), Trung Quốc.

Ngành công nghiệp xi măng Việt Nam- bắt đầu bằng sản phẩm xi măng portland - đã qua cuộc hành trình hàng thế kỷ

Từ hơn một thế kỷ qua, Xi măng Hải Phòng đã trở thành biểu tượng của thành phố cảng. Không hề nói quá khi cho rằng, trong một khoảng thời gian nhất định, quốc hiệu Việt Nam được thể hiện qua sản phẩm công nghiệp xuất khẩu chính là Cement Portland Haiphong.

Ông Mai Đức Đề, Chủ tịch Công đoàn Tổng công ty Công nghiệp xi măng Việt Nam cho biết, ngành xi măng đã có những bước tiến dài sau hơn một thế kỷ hình thành và phát triển.

Từ một nhà máy đầu tiên duy nhất, chỉ làm một loại xi măng dân dụng, sau gần 1 thế kỷ bất động, hệ thống các nhà máy xi măng của Việt Nam đã sản xuất được đủ các chủng loại xi măng portland PCB 30, PCB40, PCB 50, các loại xi măng portland hỗn hợp, xi măng đặc chủng chịu mặn, xi măng cường độ cao…, đáp ứng nhu cầu xây dựng của đất nước.

Đột phá về lượng và chất

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư điện tử - baodautu.vn, ông Lê Văn Tới, Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) cho rằng, ngành công nghiệp xi măng Việt Nam đã chứng tỏ một cách xuất sắc vai trò làm chủ nguồn cung, đáp ứng tốt mục tiêu là “bánh mì” cho ngành xây dựng và nhu cầu của xã hội, phát huy giá trị nguồn tài nguyên, góp phần phát triển kinh tế, xã hội đất nước.

Từ năm 1991 đến nay là giai đoạn phát triển nhanh nhất của ngành xi măng. Sau hơn 20 năm, tổng công suất thiết kế đã tăng trên 20 lần và Việt Nam trở thành nước đứng đầu ASEAN về sản lượng xi măng. Năm 2012, tổng công suất thiết kế của các nhà máy đã đạt 68,5 triệu tấn.

Bước tiến dài của ngành xi măng không thể không nói đến câu chuyện thực hiện đầu tư phát triển theo Quy hoạch. Năm 2005, Thủ tướng Chính phủ đã Quyết định số 108/2005/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch Phát triển công nghiệp xi măng Việt Nam đến năm 2010 định hướng đến 2020 và năm 2011 là Quyết định 1488/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch Phát triển công nghiệp xi măng Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020, định hướng đến năm 2030.

Với nền tảng này, ngành xi măng Việt Nam ngày càng được hoàn thiện theo hướng tiệm cận với thực tiễn đời sống xây dựng, cũng như tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế. Vượt qua những khó khăn với các dư chấn về các đợt “nóng - lạnh” bất thường từng xảy ra trong quá khứ, ngành xi măng đang dần dần đi đúng “quỹ đạo” vạch sẵn.

Đặc biệt, mô hình doanh nghiệp xi măng tiếp tục phát triển trong đa dạng theo hướng giảm dần tỷ trọng của các doanh nghiệp nhà nước và thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp tư nhân và đầu tư nước ngoài, liên doanh…, khiến tính cạnh tranh giữa các doanh nghiệp xi măng ngày một tăng theo hướng có lợi cho nền kinh tế và cho tiêu dùng xã hội, tạo ra tài sản cố định lớn hàng trăm ngàn tỷ đồng cho đất nước, tạo công ăn việc làm cho trên 60.000 người lao động trực tiếp và gián tiếp, nộp ngân sách hàng năm hàng nghìn tỷ đồng.

Thách thức của xi măng

Ngoài những thành tích đã đạt được, thì ngành xi măng vẫn không tránh khỏi những khó khăn và hệ lụy từ việc đầu tư ồ ạt trong giai đoạn 2005 - 2010, với khoảng 30 dự án xi măng được xây dựng, với tổng công suất khoảng 35 triệu tấn.

Cùng với yếu tố khách quan là suy giảm kinh tế, giai đoạn 2011 đến nay, ngành xi măng đã chứng kiến một loạt tên tuổi “đổ bệnh” như Xi măng Hạ Long, Xi măng Đồng Bành, Xi măng Quang Sơn...

Theo ông Tới, những dự án này đều được tổ chức triển khai chưa tốt, thiếu cân đối giữa vốn tự có và vốn vay, tổ chức sản xuất không tốt, vốn chủ sở hữu quá thấp, thiếu sự đồng lòng quyết tâm vượt khó của những người quản lý, vận hành…

Nhận thấy sự bất cập trong phát triển của ngành xi măng, thời gian qua, Chính phủ và Bộ Xây dựng đã có nhiều giải pháp mạnh để chấn chỉnh hoạt động của ngành.

Theo đó, Chính phủ đã tạm dừng đầu tư 9 dự án xi măng lò quay công suất 2.500 tấn clinke/ngày dự kiến đầu tư trong giai đoạn 2016 - 2030, không cho phép đầu tư đối với chủ đầu tư mà vốn tự có chưa đảm bảo tối thiểu 20% giá trị dự án…

Doanh nghiệp xi măng chưa qua bĩ cực
Trừ một số thương hiệu xi măng có uy tín, như Vicem, Nghi Sơn, Chinfon… làm ăn có lãi, tiêu thụ mạnh, phần lớn các doanh nghiệp trong ngành chưa thoát...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư