Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 14 tháng 10 năm 2024,
Hàng loạt đại gia xi măng có lợi nhuận âm
Thế Hải - 20/08/2013 08:34
 
Thêm một loạt doanh nghiệp xi măng công bố mức lợi nhuận âm khiến danh sách doanh nghiệp kinh doanh có lãi của ngành này bị thu hẹp đáng kể.

Công ty cổ phần Xi măng Vicem Hoàng Mai (HOM), thương hiệu xi măng có tiếng thuộc Tổng công ty Công nghiệp xi măng Việt Nam (Vicem) đã thua lỗ 23,8 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2013, trong khi cùng kỳ năm trước có lợi nhuận gần 43 tỷ đồng.

Như vậy, trong bối cảnh tiêu thụ xi măng của cả nước năm 2013 tăng không đáng kể so với năm 2012, mục tiêu lợi nhuận cả năm 2013 ở mức 90 tỷ đồng được cho là xa vời đối với HOM.

Ông Trần Minh Sơn, Kế toán trưởng HOM giải thích, nguyên nhân thua lỗ là giá vật tư đầu vào trong quý II/2013 tăng cao, đặc biệt là giá điện tăng 11,4%, trong khi tiêu thụ xi măng giảm 11,9%, doanh thu của Công ty chỉ đạt xấp xỉ cùng kỳ năm 2012.

HOM không phải là cái tên duy nhất trong ngành xi măng có lợi nhuận âm.

Dù đã đưa ra nhiều giải pháp tiết giảm chi phí đầu vào, sắp xếp lại hệ thống tiêu thụ, tìm thêm đầu ra…, nhưng một loạt tên tuổi trong ngành này vẫn… lỗ như thường.

Kết thúc nửa đầu năm 2013, Công ty cổ phần Xi măng Sông Đà Yaly (SDY) công bố mức lợi nhuận âm gần 7,6 tỷ đồng. Điều đáng lo ngại là, đây là quý thứ ba liên tiếp, SDY có kết quả kinh doanh lỗ. Quý III/2013, SDY đặt kế hoạch 38,4 tỷ đồng doanh thu và có lợi nhuận ở mức 300 triệu đồng. Tuy nhiên, mục tiêu này không dễ trở thành hiện thực.

Công ty cổ phần Xi măng Vicem Bút Sơn (BTS) cho biết, 6 tháng đầu năm 2013, lợi nhuận trước thuế của Công ty bị âm 32,2 tỷ đồng, một con số tương đối lớn so với chỉ 3,1 tỷ đồng lãi của cùng kỳ 2012. Theo ông Nguyễn Ngọc Tuấn, người công bố thông tin của BTS, thì từ đầu năm đến nay, giá điện tăng 126 đồng/Kwh, giá dầu ADO tăng 1.028 đồng/lít, giá thạch cao tăng 7.870 đồng/tấn…, đã đẩy chi phí các nguyên liệu chính của BTS tăng gần 20,9 tỷ đồng. Trong khi đó, cả doanh thu bán clinker và xi măng của Công ty đều giảm.

Ngoài việc phải tăng chi phí sản xuất, các doanh nghiệp xi măng cho biết, họ còn phải tăng tỷ lệ chiết khấu bán hàng, để gia tăng tiêu thụ sản phẩm trong bối cảnh thị trường có nhiều nhà cung cấp. 6 tháng đầu năm 2013, số tiền chiết khấu đối với 2 mặt hàng clinker và xi măng của BTS đã tăng thêm 19,6 tỷ đồng.

Trong hoàn cảnh tương tự, Công ty cổ phần Xi măng Thái Bình (TBX) cũng lỗ 300 triệu đồng, Công ty cổ phần Xi măng Tiên Sơn Hà Tây (TSM) lỗ 1,3 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2013.

Điểm sáng đáng kể nhất trong hoạt động của các doanh nghiệp xi măng 6 tháng đầu năm thuộc về Công ty cổ phần Xi măng Vicem Bỉm Sơn (BCC), với mức doanh thu đạt 1.907 tỷ đồng, lợi nhuận 36,7 tỷ đồng.

Theo ông Bùi Hồng Minh, Tổng giám đốc BCC, lợi nhuận của Công ty tăng do chiến lược đa dạng hóa sản phẩm. Từ chỗ chỉ có 2 - 3 sản phẩm truyền thống, thường xuyên bị cạnh tranh quyết liệt, Công ty đã nghiên cứu và đang sản xuất 10 chủng loại xi măng, cung cấp cho hầu hết các phân khúc thị trường. Bên cạnh việc giành lại đáng kể thị phần nội địa, BCC còn xuất khẩu sang các thị trường châu Âu, châu Á.

Ngoài BCC, một số doanh nghiệp khác cũng công bố có lãi trong nửa đầu năm qua, nhưng mức lãi khá mỏng. Đó là Xi măng Hà Tiên 1 (lãi 1,6 tỷ đồng) và Công ty cổ phần Xi măng Vicem Hải Vân (lãi 188 triệu đồng).

Để đạt được mục tiêu doanh thu 212,5 tỷ đồng trong quý III/2013 - khoảng thời gian có nhiều ngày mưa bão, không thuận cho việc tiêu thụ, Công ty cổ phần Xi măng Vicem Hải Vân đang phải đẩy mạnh tiêu thụ, đa dạng hóa sản phẩm, gia tăng hoạt động quảng bá đến các công trình, dự án lớn…

Tuy nhiên, trong khi nhu cầu xi măng năm 2013 dự báo chỉ ở mức 56-57 triệu tấn (tiêu thụ nội địa khoảng 48,5-49 triệu tấn, xuất khẩu 7,5-8,0 triệu tấn), tăng không đáng kể so với năm 2012, có thể nhận định rằng, chỉ tiêu về doanh thu, lợi nhuận, tăng trưởng... sẽ tiếp tục tạo sức ép lớn lên các doanh nghiệp ngành xi măng trong những tháng còn lại của năm 2013.

Vật liệu xây dựng: khổ vì sản xuất giỏi!
Với số liệu chứng minh năng lực sản xuất vật liệu xây dựng từ năm 2016 đến 2018 sẽ vượt nhu cầu sử dụng trong nước 20 - 30%, Hội Vật liệu...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư