Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 01 tháng 07 năm 2024,
Nghệ An phát triển liên kết chuỗi giá trị và tiêu thụ sản phẩm OCOP
Thái Hòa - 28/06/2024 06:53
 
Ngày 27/6, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức Hội thảo “Phát triển liên kết chuỗi giá trị và tiêu thụ sản phẩm OCOP tỉnh Nghệ An năm 2024”. Hội thảo do Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh chủ trì.

Theo ông Trần Thanh Nam – Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), để phát triển liên kết chuỗi giá trị và tiêu thụ sản phẩm OCOP, các huyện, thành, thị của tỉnh cần quy hoạch vùng nguyên liệu để các sản phẩm đều truy xuất được vùng nguyên liệu; có những chính sách hỗ trợ xây dựng các sản phẩm tiểu thụ công nghiệp. Tăng cường tính liên kết để nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam phát biểu tại Hội thảo
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam phát biểu tại Hội thảo

Bên cạnh việc nâng cao năng lực cho các chủ thể của Chương trình, cần tăng cường liên kết trong quảng bá, giới thiệu, tạo điều kiện thuận lợi về đầu ra tiêu thụ cho các sản phẩm OCOP; cần kích thích, thay đổi thói quen của người tiêu dùng. Mỗi địa phương cần nắm bắt cơ hội và tổ chức lại sản xuất, gắn sản xuất với thị trường, tạo thêm sản phẩm OCOP có giá trị cao về kinh tế, xã hội, văn hóa, đưa các sản phẩm OCOP vào làm quà tặng...

Đến nay, toàn tỉnh đã có 36 dự án/kế hoạch liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm được phê duyệt hỗ trợ trên địa bàn 11 huyện, thị xã, với tổng kinh phí hỗ trợ từ năm 2019 đến 2025 là gần 65 tỷ đồng. Tổng số hộ dân tham gia trong các dự án/kế hoạch liên kết là gần 14.000 hộ, tổng quy mô thực hiện liên kết là gần 3.900 ha. Một số đơn vị đã áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, công nghệ cao, cơ giới hóa đồng bộ vào sản xuất và thực hiện rất tốt khâu sơ chế, chế biến sản phẩm sau thu hoạch...

Chương trình OCOP đã góp phần tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 2.300 lao động và 1.800 - 2.000 lao động thời vụ, với thu nhập bình quân 3,5 - 4 triệu đồng/người/tháng; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn, nhất là phát huy vai trò lao động nữ và lao động đồng bào dân tộc thiểu số. Các sản phẩm OCOP sau khi được công nhận đã gia tăng giá trị, góp phần giúp các chủ thể tăng quy mô sản xuất và doanh thu. Sản phẩm OCOP đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm; có mẫu mã, bao bì đa dạng và thân thiện với môi trường, phù hợp với yêu cầu của thị trường.

Tại Hội thảo, đại diện các Sở, ngành, đơn vị đã tham luận về những giải pháp, mô hình thực tiễn đã được triển khai thành công trong lĩnh vực phát triển liên kết chuỗi giá trị và tiêu thụ sản phẩm OCOP. Đồng thời, làm rõ hơn các thách thức và cơ hội hiện tại và gợi mở những hướng đi mới phát triển bền vững cho ngành Nông nghiệp tỉnh...

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Đệ cho biết, ý kiến phát biểu tại Hội thảo khẳng định Chương trình OCOP đã làm thay đổi căn bản nhận thức cho người dân, chủ thể về tổ chức sản xuất nông nghiệp, chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp và xác định vai trò quan trọng của liên kết sản xuất. Đề xuất chú trọng nâng tầm sản phẩm OCOP Nghệ An trở thành thương hiệu uy tín, phát triển liên kết chuỗi giá trị từ vùng trồng nguyên liệu, nhà sản xuất đến đơn vị tiêu thụ sản phẩm dựa trên thế mạnh, lợi thế của địa phương.

Đặc biệt, cần quan tâm các mô hình du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn, du lịch sinh thái được phát triển theo định hướng Chương trình OCOP để phát huy hiệu quả kinh tế - xã hội, gắn kết giữa phát triển nông nghiệp với dịch vụ, du lịch.

Quang cảnh Hội thảo
Quang cảnh Hội thảo

Cùng với đó, rà soát, hoàn thiện, bổ sung các cơ chế chính sách, ưu tiên cân đối, bố trí nguồn lực để thực hiện các chính sách được ban hành; khuyến khích các hộ nông dân tự nguyện hợp tác và cùng có lợi, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác thực hiện tích hợp, tập trung ruộng đất để sản xuất, góp phần hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn. Bên cạnh đó, hội thảo cũng đã chỉ ra được những hạn chế, khó khăn trong việc phát triển liên kết chuỗi giá trị và tiêu thụ sản phẩm OCOP. Từ đó đã đề ra một số giải pháp cơ bản để phát triển liên kết chuỗi giá trị và tiêu thụ sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh.

Ông Đệ cũng đề nghị các Sở: NN&PTNT, Du lịch, Công Thương, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du Lịch tỉnh và các đơn vị liên quan căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, tổ chức nghiên cứu để tiếp tục tham mưu, đề xuất với lãnh đạo UBND tỉnh, các Bộ, ngành Trung ương về các chủ trương, giải pháp phù hợp để tập trung tăng cường hoạt động phát triển liên kết chuỗi giá trị và tiêu thụ sản phẩm OCOP tỉnh nhà.

Nghệ An công bố đơn vị quan tâm thực hiện dự án Khu nhà ở tại Cửa Lò
Theo thông tin từ Sở Kế hoạch và Đầu tư Nghệ An, dự án Khu nhà ở tại phường Nghi Thu ( thị xã Cửa Lò) có duy nhất một nhà đầu tư đăng ký thực...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư