Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Nghệ thuật lãnh đạo: Mười sai lầm tệ hại của các lãnh đạo mới
Ngọc Lan Chi - 27/05/2018 19:55
 
Mỗi sai lầm đều dạy chúng ta về điều gì đó. Dưới đây là 10 sai lầm lớn nhất mà các lãnh đạo mới dễ vấp phải, do Lolly Daskal, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Lead From Within - công ty tư vấn toàn cầu chuyên về lãnh đạo và phát triển doanh nghiệp tổng kết.

1. Đừng cố áp đặt một cách điều hành chung cho tất cả mọi người

Đừng cho rằng, tất cả mọi người đều cần một loại giao tiếp hoặc một động lực thúc đẩy như nhau. Những người lãnh đạo tốt nhất luôn nỗ lực hiểu rõ cấp dưới để có cách điều hành linh hoạt, có cách giao tiếp tốt nhất với mỗi cá nhân trong tập thể. Lãnh đạo là đầu tư thời gian và năng lượng để hiểu biết những người mà bạn điều hành và dành cho họ những cái họ cần nhất.

2. Giao tiếp, truyền thông kém

Ngay cả những lãnh đạo nhiều kinh nghiệm vẫn phải dành thời gian giao tiếp, tiếp xúc với mọi người. Việc truyền thông các thông tin tốt thì dễ, nhưng để trao đổi một cách hiệu quả về những khó khăn hay vấn đề nổi cộm nào đó lại thường là thách thức đối với người lãnh đạo.

Trong cuốn sách The Leadership Gap, tác giả bài viết này (Lolly Daskal) đã nhấn mạnh rằng, những người lãnh đạo tuyệt vời là những nhà truyền thông tuyệt vời và là người nói sự thật. Họ là những người trung thực và minh bạch với tập thể của mình, ngay cả với những tin xấu. Bất kể điều gì diễn ra, hãy chia sẻ một cách cởi mở với mọi người để tìm giải pháp. Giao tiếp trung thực sẽ xây dựng niềm tin và loại bỏ những đồn đoán có hại.

3. Giỏi chuyên môn chưa chắc lãnh đạo tốt

Nhiều người được cất nhắc lên vị trí lãnh đạo vì họ là ngôi sao trong lĩnh vực hoạt động của mình. Tuy nhiên, có chuyên môn tốt không hẳn có nghĩa là họ sẽ quản lý và lãnh đạo tốt. Vấn đề là họ phải có ý thức học hỏi kỹ năng cho vị trí mới, đặc biệt trong giai đoạn đầu chuyển đổi.

4. Cố thay đổi ngay mọi thứ

Thay đổi ngay mọi thứ là một trong những sai lầm lớn nhất của những lãnh đạo mới. Khi mới nắm quyền, điều quan trọng là phải có thời gian để hiểu văn hóa và động lực doanh nghiệp, sau đó mới có thể đưa ra những thay đổi phù hợp. Hãy lắng nghe, học hỏi và đừng thay đổi những thứ đang vận hành tốt.

5. Lạm dụng quyền lực

Lãnh đạo hiệu quả là những người luôn hòa đồng với cấp dưới và phát triển mối quan hệ đồng nghiệp, tôn trọng lẫn nhau. Lãnh đạo hòa đồng, quan tâm mọi người, cấp dưới sẽ tận tụy hơn, làm việc vui vẻ hơn và hiệu quả hơn.

6. Thiếu phản hồi về khó khăn

Các lãnh đạo mới thường tránh phản hồi, đặc biệt là liên quan đến những khó khăn. Nhưng nếu lãnh đạo theo cách chỉ làm vui cho mọi người thì theo thời gian, bạn sẽ mất dần niềm tin, không được tín nhiệm và không được nể trọng. Nếu có vấn đề nào đó mà không nêu ra để bàn bạc thì những người tốt nhất sẽ dần thất vọng, thậm chí bỏ đi. Do vậy, tốt nhất là phải sẵn sàng đối mặt những cái mà bạn cần giải quyết.

7. Sống tách biệt ở văn phòng

Là người lãnh đạo, bạn sẽ có rất nhiều việc để làm, song không vì thế mà suốt ngày chỉ ngồi tách biệt trong văn phòng. Đây là một sai lầm lớn. Những lãnh đạo mới càng cần phải hiện diện và tiếp xúc nhiều với mọi người. Sự hiện diện của bạn sẽ như thông điệp cho mọi người thấy, bạn luôn gần gũi, gắn bó và phục vụ họ.

8. Không biết cách giao quyền một cách hiệu quả

Nếu không biết giao việc cho người khác, bạn sẽ không thể là một lãnh đạo hiệu quả. Đừng cố làm mọi thứ. Việc cố làm mọi thứ cho thấy, bạn thiếu lòng tin vào khả năng làm việc của người khác, nên không phát huy hiệu quả của tập thể. Hãy tìm hiểu thế mạnh của cấp dưới để giao việc sao cho mọi người phát huy tốt nhất khả năng của mình. Hãy tin họ và dành quyền tự do cho họ thực hiện công việc được giao.

9. Không biết làm gì để tạo động lực cho người khác

Người lãnh đạo phải có trách nhiệm hỗ trợ, tạo động lực thúc đẩy người khác làm những việc mà thậm chí họ nghĩ là không thể làm được. Những người lãnh đạo tuyệt vời là những người biết cách mở đường, tạo động lực để mọi người dám làm và cố gắng làm những việc to tát hơn.

10. Quên đánh giá, ghi nhận thành tích của mọi người

Lãnh đạo mới thường bỏ qua việc ghi nhận đóng góp của người khác. Khi bạn chỉ tập trung vào kết quả, bạn sẽ quên đi những nỗ lực làm việc, tài năng của những người làm việc để tạo ra kết quả đó. Nếu như vậy, mọi người thấy nỗ lực của mình không được ghi nhận, nên có thể sẽ làm việc thiếu hiệu quả hơn, bởi họ nghĩ, có cố gắng thì cũng vậy.

Do vậy, lãnh đạo phải luôn quan tâm đến mọi người, ghi nhận nỗ lực của họ, thậm chí có những kích thích vật chất để tạo thêm động lực cho cấp dưới luôn cố gắng làm tốt công việc của mình.

3 CEO ảnh hưởng lớn nhất đến sự thành danh của tỷ phú Jeff Bezos
Với tài sản 135 tỷ USD, Jeff Bezos hiện là người giàu nhất hành tinh. Thành công này, theo Jeff Bezos, có sự ảnh hưởng không nhỏ từ 3 CEO mà ông coi là...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư