Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 28 tháng 04 năm 2024,
Nghẹt thở làm sự kiện VIF 2014
Đức Luận - 27/09/2014 14:19
 
Ngày 25/3, chúng tôi bắt đầu sự kiện đầu tiên của năm 2014 bằng hội thảo về cơ hội đầu tư vào các sản phẩm mới trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Đối tác cùng với chúng tôi tổ chức sự kiện này là Công ty Chứng khoán Dầu khí (PSI). Mỗi năm, chúng tôi tổ chức khoảng 5 sự kiện như thế, hầu hết là tự làm.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Việt Nam là điểm đến của dòng vốn nước ngoài
Marc Faber và những dự báo “huyền thoại”
Giai đoạn cuối của bong bóng tài sản đã tới?

Thực tế, cũng rất khó để thuê ngoài, vì các công ty tổ chức sự kiện khó có thể nắm chắc nội dung về chủ đề như chúng tôi.

  Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2014 (VIF 2014) do Cơ quan Báo Đầu tư tổ chức  
  Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2014 (VIF 2014) do Cơ quan Báo Đầu tư tổ chức ngày 19/6/2014  

Đi kèm mỗi sự kiện là một chuyên đề. Ngày hội thảo trên diễn ra cũng là ngày Báo Đầu tư Chứng khoán ra số chuyên đề về cơ hội đầu tư vào cổ phiếu dầu khí. Một loạt cổ phiếu dầu khí được đề cập, như GAS, DPM, PVD, PXS, PVS, PGS…

Đây cũng chính là những cổ phiếu tạo ra con sóng lớn và dài nhất trên thị trường chứng khoán từ đầu năm đến nay. Nhưng đó chưa phải là chuyện chúng tôi muốn kể.

Trước hội thảo dầu khí 2 tuần, chúng tôi nhận được đề nghị từ Công ty Chứng khoán HVS Việt Nam về việc phối hợp mời chuyên gia tư vấn đầu tư huyền thoại thế giới Marc Faber sang Việt Nam nói chuyện. Sau nhiều lần bàn thảo, hai bên đã quyết định làm. Tuy nhiên, mọi chuyện chỉ bắt đầu tiến hành sau khi hoàn tất hội thảo về dầu khí.

HVS Việt Nam là đầu mối làm việc với Marc Faber. Nhận lời qua Việt Nam, nhưng ông chốt luôn ngày là 19/6 và chỉ gói gọn trong 1 ngày. Tính ra, chúng tôi chỉ có chưa đầy 3 tháng để lo tất cả mọi thứ, từ việc lên kế hoạch, truyền thông, tìm thêm diễn giả, mời khách, thuê khách sạn… Khối lượng công việc rất nhiều, đến nỗi anh em nói đùa với nhau rằng, “Mr. Doom (tên cúng cơm của Marc Faber) đến Việt Nam, bọn mình thành Mr. Điên”.

Marc Faber cũng chốt luôn chủ đề mà ông sẽ trình bày, đó là “Liệu chúng ta đã bước vào giai đoạn cuối của bong bóng tài sản và tín dụng toàn cầu khổng lồ?”. Chúng tôi bắt đầu lo, vì chủ đề quá vĩ mô. Phải qua rất nhiều lần tranh luận với HVS Việt Nam, hai bên mới đi đến thống nhất đặt tên cho sự kiện này là “Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2014 (VIF 2014) - sự trỗi dậy của các thị trường mới nổi và cơ hội nào cho Việt Nam?”. Chủ đề mà Marc Faber sẽ nói là nội dung chính của sự kiện.

Chúng tôi bắt đầu tìm hiểu về diễn giả và vấn đề ông ta sẽ trình bày. Một “người anh” là bậc thầy trong làng báo nói, Marc Faber đang mất uy tín ở Mỹ, mời nhân vật này sang Việt Nam nói chuyện sẽ là con dao 2 lưỡi. Nghe thật sốc. Trong đầu chúng tôi bắt đầu lảng vảng suy nghĩ nên làm tiếp hay dừng. Lúc này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã thông qua Tờ trình tổ chức VIF 2014.

Bình tĩnh tìm hiểu thêm, đúng là có nhiều người chê Marc Faber, nhưng số người mê ông cũng không ít. CNBC nói rất nhiều “điểm xấu” của ông, nhưng sau đó lại đưa ra những lập luận để bảo vệ và ca ngợi ông. Những nhân vật nổi tiếng như thế thường khó tránh khỏi chuyện khen, chê của thiên hạ. Đối với chúng tôi, vấn đề quan trọng là ông đã có nhiều dự báo về các cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu chính xác đến mức huyền thoại và ông rất lạc quan về Việt Nam. Chúng tôi động viên nhau tiếp tục làm.

Marc Faber cho biết chủ đề sẽ nói, nhưng chẳng hỏi thêm được gì. Viết email hỏi ông đủ chuyện, nhưng ông trả lời vỏn vẹn vài từ. Phóng viên muốn phỏng vấn ông cũng phải đợi gần đến khi VIF 2014 diễn ra. Nói chuyện điện thoại xong, hỏi ông có muốn xem lại bài phỏng vấn trước khi đăng không, ông nói không cần! Ông cho biết ngày qua Việt Nam, nhưng lại chẳng cam kết gì. Phải nói, chưa bao giờ Báo Đầu tư rơi vào bị động như trường hợp này.

Buổi họp báo diễn ra vào ngày 8/5. Đây là lúc Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam. Thị trường chứng khoán bữa đó rớt thê thảm do các nhà đầu tư lo ngại căng thẳng tiếp tục leo thang. Ông Nguyễn Sơn, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường (Ủy ban Chứng khoán Nhà nước) là khách mời và cùng chủ trì buổi họp báo hôm đó. Các câu hỏi tập trung vào sự kiện Biển Đông hơn là sự kiện VIF 2014 và dành cho ông Sơn hơn là cho Ban tổ chức VIF 2014. Ông Sơn thậm chí đã phải nhắc các nhà báo rằng, ông không phải là “nhân vật chính”.

Hôm sau, các báo đăng ý kiến của ông Sơn về những vấn đề liên quan đến sự kiện Biển Đông và cuộc họp báo trên trở thành thông tin “nền” cho những ý kiến của ông Sơn.

“Bóng mây” Biển Đông sau đó còn tiếp tục bao phủ lên thị trường và VIF 2014. Các kế hoạch của chúng tôi đã phải thay đổi rất nhiều. Vừa căng thẳng, vừa nản.

Nhưng trong cái rủi có cái may. Chủ đề của VIF 2014 rất “kén” đối tượng tham dự, chủ yếu là lãnh đạo các doanh nghiệp trên sàn, doanh nghiệp có làm ăn với đối tác nước ngoài, các quỹ đầu tư, lãnh đạo các công ty chứng khoán, bảo hiểm, ngân hàng… và các nhà đầu tư quốc tế, nhưng cuối cùng số lượng tham dự vẫn lên đến hơn 400 người.

Kinh nghiệm thì nhiều, nhưng thú thật, đây là lần đầu tiên, chúng tôi tổ chức một sự kiện có tầm vóc quốc tế mà lại có quá nhiều thị phi và những chuyện “xúi quẩy”. Nhưng vui là sau VIF 2014, Ban Biên tập Báo Đầu tư đã nhận được một số đề nghị từ các đối tác về việc phối hợp tổ chức sự kiện tương tự sau này.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư