Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Ngoại giao nhân dân, nền tảng cho quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ
Mạnh Bôn - 29/01/2020 10:01
 
Năm 2020, Việt Nam - Hoa Kỳ kỷ niệm 25 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao (11/7/1995). Đánh giá về mối quan hệ giữa hai nước, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, nguyên Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Hoa Kỳ, ông Phạm Quang Vinh cho rằng, mối thâm giao giữa hai nước tiếp tục được củng cố theo đúng Tuyên bố về tầm nhìn chung là “gác lại quá khứ, vượt qua khác biệt, phát huy tương đồng, hướng tới tương lai”.
Nguyên Đại sứ Phạm Quang Vinh.
Nguyên Đại sứ Phạm Quang Vinh.

Có nhiều đánh giá, nhận định về mối quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ như “vượt qua sự kỳ vọng”, “đạt được những bước tiến rất dài”, “ít ai có thể hình dung được”… Và bản thân ông cũng nhận định, đây là “quan hệ mẫu mực” trong mối bang giao ở thời kỳ hiện đại. Theo ông, sâu xa từ đâu để hai quốc gia từng là “cựu thù” có thể tạo lập được mối quan hệ như vậy?

Mối quan hệ giữa hai nước có được trong suốt 25 năm qua và cả trong tương lai được xây dựng trên nền tảng “ngoại giao nhân dân” mà hiếm có mối bang giao nào trên thế giới có được. Nó xuất phát từ thái độ ứng xử của hai bên, đặc biệt là phía Việt Nam sau cuộc chiến Mỹ tiến hành ở Việt Nam.

Cuộc chiến tranh kéo dài hơn 20 năm mà Mỹ tiến hành ở Việt Nam khiến 58.000 binh sĩ Mỹ đã tử chiến, hàng trăm ngàn người bị thương ở các cấp độ khác nhau. Còn với Việt Nam, số thương vong trong cuộc chiến này, kể cả binh sĩ và thường dân còn lớn hơn nhiều.

Theo thời gian, cuộc chiến dần lùi xa vào dĩ vãng, nhưng vết thương chiến tranh không dễ gì vơi đi nỗi đau, thậm chí, sau năm 1975, trong xã hội Mỹ, một thuật ngữ mới xuất hiện và nhanh chóng phổ biến gọi là “Hội chứng Việt Nam (Vietnam Syndrome), mô tả những chấn động trong tâm lý của người Mỹ. Đó là khủng hoảng lòng tin, tâm trạng chán chường, mặc cảm của người dân, đặc biệt là của binh lính Mỹ, của những gia đình có người thân đã từng tham chiến ở Việt Nam.

Để giảm bớt “Hội chứng Việt Nam”, từ trước khi hai nước bình thường hóa quan hệ, rất nhiều thương binh, cựu binh, những người từng tham chiến ở vai trò này hay vai trò khác và gia đình họ đã trở lại nơi họ đã từng gây ra tội lỗi, thậm chí là cả tội ác.

Và họ thật bất ngờ khi thấy những người từng ở phía bên kia chiến tuyến đã gác lại đau thương, quá khứ, đón họ không phải là sự thù hằn, không phải “ánh mắt hình viên đạn”, không phải là nhắc lại quá khứ đau thương, mà là những cái bắt tay rất chặt, là cái ôm nồng ấm và cả những nụ cười.

Thái độ chân thành này của người Việt Nam đã tạo lòng tin cho những người bị “Hội chứng Việt Nam” và ngày càng có nhiều cựu binh, gia đình những người đã tử chiến ở Việt Nam tìm đến mảnh đất nơi họ từng có mặt trong nhiều năm trước đó. Và chính họ cùng những người Việt từng đau thương, hy sinh, mất mát vì cuộc chiến đã đặt nền móng cho ngoại giao nhân dân Việt Nam - Hoa Kỳ. Đây chính là nền tảng để quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ phát triển mạnh mẽ, liên tục, không ngừng.

Như vậy, có thể khẳng định, mối “quan hệ mẫu mực” giữa Việt Nam và Hoa Kỳ được đặt trên nền tảng ngoại giao nhân dân, thưa ông?

Đúng vậy! Nếu người dân hai nước đã “vượt qua nỗi đau của chiến tranh” để gắn kết lại với nhau, thì không có bất cứ lý do gì chính quyền hai nước không vun đắp để mối quan hệ này ngày càng phát triển. Định hình của mối quan hệ này trong quá khứ, hiện tại và tương lai được gói gọn: “Gác lại quá khứ, vượt qua khác biệt, phát huy tương đồng, hướng tới tương lai”.

Điều này được nhấn mạnh trong Tuyên bố về tầm nhìn chung đã được hai bên cam kết nhân chuyến thăm Hoa Kỳ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào tháng 7/2015 - đúng dịp hai nước kỷ niệm 20 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao.

Vì vậy, tôi cho rằng, cứ mỗi 4 năm, Hoa Kỳ lại bầu cử Tổng thống, nên dù đại diện cho đảng nào - Cộng hòa hay Dân chủ làm chủ Nhà trắng đi chăng nữa, thì “gác lại quá khứ, vượt qua khác biệt, phát huy tương đồng, hướng tới tương lai” vẫn là nguyên tắc trong mối quan hệ giữa hai nước, vì nền tảng ngoại giao nhân dân giữa hai bên đã được thiết lập và ngày càng vững chắc, ngày càng có nhiều người Hoa Kỳ đến Việt Nam du lịch (năm 2019, có hơn 746.000 lượt du khách Hoa Kỳ đến Việt Nam. Đây là một trong những nhân tố quan trọng để Việt Nam tiếp tục giữ vững danh hiệu “Điểm đến hàng đầu châu Á”).

Ngoại giao nhân dân đúng là vô cùng quan trọng, nhưng ông có nghĩ, trong thế giới đa cực ngày nay, việc “chọn bạn mà chơi” không dễ như thời kỳ chiến tranh lạnh trước đây?

Thời kỳ chiến tranh lạnh, trong mối quan hệ bang giao hoặc là theo bên này, hoặc là theo bên kia và cuối cùng, nhiều nước đã nhận ra rằng, theo bên nào cũng bị mắc kẹt, nên đã ra đời Phong trào không liên kết của các quốc gia tự xem mình không thuộc hoặc chống lại bất kỳ khối cường quốc lớn nào.

Trên phương diện ngoại giao, đúng là quan hệ giữa các nước trong thế giới đa cực bây giờ phức tạp hơn, có nhiều mối quan hệ đan xen giằng xé nhau, đặc biệt là quan hệ kinh tế. Thời chiến tranh lạnh, thế giới chỉ phân làm 2 cực, với câu đúc kết rất hay của người Việt là “đồng hồ Liên Xô tốt hơn đồng hồ Thuỵ Sỹ”.

Bây giờ, chúng ta phải xác định được mối quan hệ “cân bằng động” trong quan hệ với các nước lớn, nói rộng ra là quan hệ với các nền kinh tế lớn, thì mọi việc sẽ được giải quyết. Cân bằng động trong quan hệ ngoại giao, kinh tế tức là đa dạng hóa, đa phương hóa, lấy lợi ích quốc gia làm mục tiêu, đồng thời cũng bảo đảm lợi ích cho đối tác. Cân bằng động tức là chúng ta nhất quán đường lối độc lập, tự chủ trong quan hệ với các nước trên thế giới nói chung, với các cường quốc nói riêng.

Độc lập, tự chủ tức là chúng ta quan hệ với ai, thiết lập mối quan hệ song phương, đa phương thế nào không cần phải quan tâm đến “thái độ”, phản ứng của các cường quốc ra sao. Và chúng ta cũng không phải suy đoán xem cường quốc này đang nghĩ gì, sẽ có hành động gì khi chúng ta mở rộng mối quan hệ với cường quốc khác, nhưng chúng ta phải bảo đảm nguyên tắc là không làm ảnh hưởng đến lợi ích của bất cứ quốc gia nào.

Vậy theo ông, Việt Nam đã thiết lập được mối quan hệ “cân bằng động” chưa?

Tôi cho rằng, hoạt động đối ngoại của chúng ta rất uyển chuyển, linh hoạt, đạt được yêu cầu chủ động hội nhập quốc tế, giữ vững môi trường hòa bình và tạo điều kiện thuận lợi để phát triển đất nước, nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế.

Điều này được minh chứng rất rõ trong mấy năm gần đây, khi mà giữa các cường quốc, các nền kinh tế lớn như Hoa Kỳ với Trung Quốc, Hàn Quốc với Nhật Bản, Hoa Kỳ với EU có các động thái trả đũa nhau trong hoạt động ngoại thương, thì Việt Nam vẫn giữ được mối quan hệ rất tốt với các đối tác này. Trái ngọt là tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa năm 2019 vượt mốc 500 tỷ USD, tăng hơn 8%, trong khi tốc độ tăng trưởng thương mại thế giới bị suy giảm. Đặc biệt, các cường quốc kinh tế cũng là những đối tác kinh tế lớn nhất của Việt Nam.

Theo ông, vì sao Việt Nam vẫn giữ được thế cân bằng, quan hệ được với tất cả các cường quốc kinh tế?

Tôi cho rằng, chính là chúng ta đã thực hiện đúng nguyên tắc hợp tác “song trùng”, tức là trong mối quan hệ hợp tác, làm ăn với nhau, cả hai bên cùng có lợi và Việt Nam không vì mối quan hệ này mà làm ảnh hưởng đến lợi ích của đối tác khác.

Minh chứng rõ ràng nhất là khi thương chiến Mỹ - Trung nổ ra, Mỹ nghi ngờ một số mặt hàng có xuất xứ từ Trung Quốc “quá cảnh” ở Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ để lẩn trốn thuế, các cơ quan chức năng của Việt Nam, đặc biệt là hải quan đã chủ động rà soát, điều tra, xác minh đối với những doanh nghiệp và mặt hàng có nghi ngờ gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp để xuất khẩu vào Hoa Kỳ, cũng như các nước tham gia hiệp định thương mại tự do với Việt Nam.

Chúng ta chưa có nhiều kinh nghiệm trong vấn đề này, nên các cơ quan hữu quan đã chủ động mời các chuyên gia đến từ Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU, Hội đồng Kinh doanh ASEAN - Hoa Kỳ…, trong đó có cả Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ tại Việt Nam (USAID) đến để chia sẻ kinh nghiệm trong việc xác định, điều tra chuyển tải bất hợp pháp và lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại.

Điều đó đã thể hiện mạnh mẽ cam kết đấu tranh quyết liệt và có hiệu quả của Việt Nam đến cộng đồng doanh nghiệp và các đối tác thương mại về hành động của Việt Nam trong vấn đề này. Không những thế, Việt Nam còn chủ động phối hợp với Hoa Kỳ trong trao đổi thông tin, ngăn chặn các sản phẩm mà Hoa Kỳ có nghi ngờ về xuất xứ hàng hóa để thực hiện điều tra chung, nhằm không gây tổn hại đến hoạt động sản xuất của doanh nghiệp Hoa Kỳ.

Chúng ta chơi với bạn chân thành, thực tâm, nên bạn đối xử với ta cũng thực tâm, chân thành. Chính điều đó đã giữ được thế cân bằng trong bối cảnh quan hệ kinh tế, thương mại trên thế giới đầy bất ổn.

[Infographics] Các dấu mốc đáng nhớ trong quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ
Quan hệ song phương Việt Nam - Hoa Kỳ đã phát triển mạnh mẽ từ bình thường hóa đến đối tác toàn diện sau hơn 20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư