Chủ Nhật, Ngày 30 tháng 03 năm 2025,
Người già trong mê cung bẫy tài chính - Bài 3: Bẫy “boomer” nhắm vào người cao tuổi
Ngô Nguyên - 27/03/2025 09:03
 
Không chỉ dùng các chiêu thức tình cảm, các nhóm lừa đảo còn dùng công nghệ cao để lừa đảo tài chính người cao tuổi.
Công an TP.HCM đưa ra con số giật mình: 50% nạn nhân bị lừa đảo tài chính thời gian qua là ngươi già. Người dính bẫy có đủ thành phần, như trí thức, doanh nhân, viên chức nghỉ hưu… và thường ở chốn thị thành. Người già “cô đơn trên sofa”, lại “lẫm chẫm” mạng xã hội bằng điện thoại thông minh, nên rất dễ sa bẫy. Người già có tài sản, dễ tin lời người dưng hơn con cái, nên càng sập bẫy sâu.

Bài 3: Bẫy “boomer” nhắm vào người cao tuổi   

Bẫy “boomer" là bẫy mà tội phạm công nghệ cao khai thác tối đa ưu việt của trí tuệ nhân tạo (AI) để tạo ra các nội dung giả mạo từ thông tin, hình ảnh, video đến cả giọng nói đặc trưng vùng miền y như “chính chủ” nhằm lừa đảo tài chính người cao tuổi.

Nhắm vào người già thương con làm ăn nơi phương xa

Trong lời cảnh tỉnh bạn bè có cha mẹ ở Việt Nam, anh N.V. Danh (một lao động ở nước ngoài) đã uất nghẹn rằng, sau thời gian dài tìm hiểu, anh mới vỡ lẽ vì sao bố mẹ già mình bị lừa cả tỷ đồng.

Nhóm lừa đảo đã theo dõi facebook của anh suốt thời gian dài rồi hack và dùng AI dựng video gồm cả giọng nói đặc trưng vùng miền của anh, cả hình ảnh giao dịch nhận hoặc chuyển tiền của ngân hàng

Các tin nhắn giả mạo anh N.V. Danh để lừa người cha  ở Việt Nam
Các tin nhắn giả mạo anh N.V. Danh để lừa người cha ở Việt Nam.

Sau đó, chúng giả anh N.V. Danh chat bằng Messenger với người cha (ông N.V.L ở Việt Nam), khoe rằng, ở nước ngoài vừa làm thêm dịch vụ nhận đổi từ tiền USD sang tiền Việt cho Việt kiều gửi về Việt Nam. “Đây là đơn hàng đầu tiên của con. Con mới nhận của khách 5.000 USD, tính ra hơn 121 triệu đồng. Con gửi tiền này về cho ba, ba chuyển cho người nhà của khách con 110 triệu đồng. Còn lại hơn 11 triệu đồng tiền phí, con biếu ba. Ba nhắn lại số tài khoản của ba nhé”.

Người cha nhắn lại: “Con xem nếu an toàn thì làm thôi”, rồi cung cấp số tài khoản.

Mẹ tôi bị thao túng trong bẫy “tỉnh thức”

Đó là tiếng kêu cứu tới phóng viên Báo Đầu tư của ông N.M.H. (ngụ tại TP.HCM) về trường hợp mẹ ông là bà N. ở Hà Nội. Do rảnh rang, bà N. lên mạng rồi tham gia một chương trình dành cho bậc cha mẹ của “cô giáo” P.T.L. với những bài giảng online hoặc đi thực tế với nội dung “chữa lành cảm xúc, trở về chính mình” hoặc “vượt giới hạn bản thân”… để giúp người già “tỉnh thức”.

“Mẹ tôi giờ như bị ‘cô giáo’ chi phối từ tư tưởng, nhận thức, thời gian, tiền bạc. Học kiểu gì mà bà đóng rất nhiều tiền cho cô. Con cái khuyên can thì bà không nghe, thậm chí dọa ‘chết cho bay xem’. Giờ này, con cháu phải lập group bí mật trên zalo lấy tên ‘Biệt động thành’ để trao đổi thông tin hàng ngày về tình hình của bà, cũng như tìm giải pháp cứu”, ông N.M.H. nói.

Chỉ ít phút, “người con” gửi hình ảnh của ngân hàng thông báo chuyển thành công 121 triệu đồng tới tài khoản ông N.V.L., kèm lời nhắn: “Con chuyển cho ba rồi, nhưng chuyển nhanh bị lỗi, nên phải chuyển thường, chắc ngày mai ba nhận được! Nên giờ ba chuyển trước cho nhà khách 110 triệu đồng theo tài khoản… nhé…”. Ông L. cẩn thận nhắn lại: “Nói họ đến nhà mình lấy, chứ nay là thứ Bảy, mai Chủ nhật, ngân hàng nghỉ hết”.

“Người con” gấp gáp: “Nhà của khách con đang cần tiền gấp để lo công việc. Ba cứ chuyển nhanh cho họ rồi chụp màn hình gửi con để con chuyển cho khách yên tâm”.

Ông N.V.L. hối hả làm theo, để giúp “công việc” làm ăn của con được thuận lợi.

Vài tiếng sau (tức chưa sang ngày mới để tài khoản ông N.V.L. hiện tiền con chuyển), “người con” lại khẩn thiết: “Con vừa nhận thêm được một khách cần chuyển 12.000 USD sang tiền Việt cho người nhà ở Vũng Tàu, phí họ trả 38 triệu đồng. Con chuyển khoản về cho ba ngay 288 triệu đồng, nhưng cũng chuyển thường. Ba chuyển gấp cho nhà của khách 250 triệu đồng, còn 38 triệu đồng tiền phí ba giữ lại để nhà mình dùng nghe!”.

“Người con” lại chụp màn hình giao dịch chuyển 288 triệu đồng về tài khoản ông N.V.L. Người cha cũng nhanh chóng chuyển tiền… cho người nhà khách theo số tài khoản mà con cung cấp.

Lại cũng hơn 1 tiếng sau, với kịch bản y chang, “người con” chụp màn hình chuyển khoản cho ông L. Lần này, ông  bảo vợ chuyển tiền cho người nhà khách của con ở Đà Nẵng với số tiền hơn 300 triệu đồng để “lấy phí” hơn 88 triệu đồng.

Tới lần thứ tư, trước việc “người con” báo có khách và yêu cầu cha chuyển hơn nửa tỷ đồng, ông N.V.L. than trời: “Tiền trong tài khoản của bố mẹ hết sạch rồi. Chỉ còn trong sổ tiết kiệm, phải tới thứ Hai mới ra ngân hàng rút được. Con hẹn khách sang thứ Hai nhé”.

“Người con” vội gọi video card hiện rõ khuôn mặt và giọng nói quen thuộc khẩn thiết rằng, nếu vậy thì lỡ hết việc của nhà khách hàng ở Việt Nam. “Con nhận tiền USD của khách rồi, mà lại không đổi tiền Việt chuyển tiền ngay, họ cho là lừa đảo, báo police thì chết con”.

Quá tin tưởng, hai vợ chồng ông L. lại “cắm đầu” gọi điện huy động họ hàng chuyển gấp số tiền theo yêu cầu của “con”.

“Bọn chúng đã đánh trúng vào tâm lý và lòng thương con, lo cho con ở xa của ba mẹ mình. Giờ bao nhiêu tiền bạc gia đình tích cóp đã mất sạch rồi. Bọn chúng hết sức tinh vi. Nó lừa đảo vào khoảng thời gian cuối tuần, khi tất cả ngân hàng đều ngưng làm việc, để có thời gian tẩu tán số tiền đó nhằm tránh bị phát hiện. Chuyện mà tưởng chừng như chỉ có ở trên mạng thì nay đã xảy ra chính với gia đình mình, mặc dù gia đình mình rất kỹ tính!”, anh N.V. Danh nói.

Theo các chuyên gia an ninh mạng, bẫy này nhắm vào những người trên 60 tuổi để lừa đảo tài chính. Với bẫy này, tội phạm công nghệ cao đã tận dụng triệt AI để tạo ra nội dung giả mạo từ thông tin, hình ảnh, video, thậm chí chuẩn cả giọng nói đặc trưng vùng miền.

Nhắm vào người cao tuổi ít kinh nghiệm, dễ hoảng loạn

Bẫy lừa người cao tuổi dù mới được cơ quan chức năng cảnh báo (đầu năm 2025), nhưng thực tế, đã diễn ra từ vài năm trước. Điển hình là câu chuyện hồi năm 2024, khi dư luận rúng động bởi TP.HCM có một cụ ông 71 tuổi bị lừa 14 tỷ đồng sau cuộc gọi video với "công an".

Cụ thể, ông P.V. Tâm (71 tuổi) bỗng nhận được cuộc gọi video card với hình ảnh hiện lên là một người đàn ông mặc sắc phục công an nói đang điều tra một đường dây tội phạm ma túy. Kẻ bị bắt khai ông Tâm có liên quan. Vị “công an” kia còn cho ông Tâm xem cả lệnh khởi tố bắt tạm giam ông.

Khi ông Tâm không kịp hiểu chuyện gì và hoảng sợ, thì vị “công an” nói sẽ chuyển máy đến lãnh đạo Bộ Công an để làm việc trực tiếp.

Lát sau, có một cuộc gọi video card khác của người cũng mặc sắc phục công an, đeo lon nghiêm chỉnh, trầm giọng xưng là “Cục trưởng Bộ Công an”, yêu cầu ông Tâm phải chuyển tiền vào tài khoản của “cơ quan điều tra” để chứng minh bản thân không tiếp tay cho bọn buôn ma túy. Tiền này sau đó sẽ được trả lại và ông không được tiết lộ chuyện cho con cháu, nếu không sẽ bị bắt giam ngay và con cái mắc tội “che giấu tội phạm” và cũng sẽ bị bắt giam.

Hoảng loạn, ông Tâm ngay lập tức ra ngân hàng chuyển 6 tỷ đồng theo số tài khoản do nhóm lừa đảo cung cấp.

Sau đó, vị “Cục trưởng công an” lại gọi video hướng dẫn ông mua sim mới, tải app "Cổng thông tin điện tử Bộ Công an" khai tên, căn cước công dân, tài khoản ngân hàng, tên đăng nhập, mật khẩu..., rồi chuyển thêm 8 tỷ đồng.

Sau khi 14 tỷ đồng chuyển đi, đợi mãi không nhận được tiền trả lại, ông đã đi trình báo… công an thật!

“Khủng bố” con để lừa cha mẹ

Lừa đảo hiện nay còn thách thức tới mức khống chế con cái để lừa đảo cha mẹ.

Điển hình, mới đây, hàng loạt phụ huynh có con học ở nhiều trường tại TP.HCM hoang mang phản ánh tới báo chí và nhà trường trước việc bị lừa đảo giả mạo thầy cô giáo gọi điện, đọc rõ tên con cái họ đang học trường nào rồi đề nghị tải app bổ sung thông tin mới hoàn thành thủ tục tốt nghiệp.

Nhiều ông bố, bà mẹ tuy có tuổi, nhưng cảnh giác và tỉnh táo phát hiện là lừa đảo, thì lập tức bị bọn chúng đe dọa là “biết rõ thông tin con cái học ở đâu, lớp nào, bao nhiêu tuổi…", khiến họ lo mất ăn mất ngủ.

Trước đó, đầu năm 2025, dư luận chấn động trước việc L.V.M., sinh viên năm nhất của Trường đại học RMIT (TP.HCM) bị lừa đảo khống chế để lừa cha mẹ.

Theo bà B. (mẹ của L.V.M.), con mình gọi điện về nhà báo là có tên trong danh sách 20 sinh viên được chọn trong chương trình trao đổi sinh viên. Vì vậy, cần bà B. chuyển 250 triệu đồng vào tài khoản chứng minh tài chính của trường, sau đó nhà trường sẽ chuyển lại.

Nghe đúng giọng con, thậm chí rõ từng tiếng lắp, người mẹ chuyển luôn mà không suy nghĩ.

Sau đó, L.V.M. lại gọi báo mẹ chuyển thêm 500 triệu đồng, rồi lại thêm 250 triệu đồng. Người mẹ hơi nghi ngờ, bèn bảo L.V.M. lên trường kiểm tra lại. Khoảng 30 phút sau, L.V.M. gọi điện cho mẹ nói đang ở Phòng Tài vụ và đưa điện thoại cho người xưng là thầy K. của Phòng Tài vụ nói chuyện.

Nghe “thầy” nói xong, người mẹ càng thêm tin tưởng chuyển tiền cho con.

Buổi tối, khi con về nhà, người mẹ hỏi chuyện, thì đứa con mới bật lời khiến bà té ngửa: “Con van xin ba mẹ đừng hỏi chuyện này nữa, 72 giờ sau sẽ nói hết sự thật cho ba mẹ biết”.

Đoán là con mình bị lừa, nên hôm sau, khi L.V.M. tiếp tục gọi điện chuyển tiền với kịch bản cũ, người mẹ không làm theo, mà lên thẳng nhà trường hỏi và mới biết là không có chuyện trao đổi, nhận tiền nào.

Đến lúc này, cậu con mới ứa nước mắt thú nhận là nhận được email kèm theo lệnh bắt có mộc đỏ của Bộ Công an với lý do L.V.M. liên quan đến đường dây lừa đảo. Sau đó, một người xưng công an liên tục gọi điện cho L.V.M. nói chính xác số căn cước công dân, địa chỉ email, học khoa, trường nào… và đe dọa sẽ bị dẫn độ ra Hà Nội thi hành án.

Vì quá hoảng sợ, theo yêu cầu của “cán bộ công an” kia, L.V.M. đã đến một nhà nghỉ làm theo đúng kịch bản của bọn lừa đảo là trực tiếp gọi điện cho mẹ hoặc cha để… lừa.

(Còn tiếp)

Người già trong mê cung bẫy tài chính - Bài 2: Sau “bố yêu, mẹ yêu” là bạc tỷ đắp chiếu
Đủ chiêu thức đánh vào tâm lý của những người lớn tuổi có tiền để bán hàng, gây nhiều hệ lụy cho các gia đình.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư