Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 04 tháng 05 năm 2024,
Người khai thác khoáng sản có thể phải nộp tiền cấp quyền khai thác
Nguyễn Lê - 22/04/2024 16:20
 
Quy định tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản, thu hồi khoáng sản phải nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản tại Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản còn ý kiến khác nhau.
.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh trình dự án luật.

Chiều 22/4, Dự án Luật Địa chất và Khoáng sản được đặt lên bàn nghị sự của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong phiên họp thứ 32.

Trình bày tờ trình dự án luật, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh cho biết, quá trình thực thi Luật Khoáng sản năm 2010 còn một số hạn chế. Như, việc thu tiền cấp quyền khai thác theo trữ lượng khoáng sản còn gặp nhiều bất cập. Cụ thể là tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo trữ lượng khoáng sản được phê duyệt chưa đảm bảo tính chính xác.

Thu tiền cấp quyền khai thác trước khi tiến hành khai thác không tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ bản mỏ. Trường hợp khai thác không đủ trữ lượng được cấp phép hiện chưa có quy định việc hoàn trả tiền cấp quyền.

Một trong những điểm mới của Dự thào được Bộ trưởng đề cập là tiền cấp quyền khai thác khoáng sản được xác định trên cơ sở trữ lượng khoáng sản được quy định trong giấy phép khai thác khoáng sản hoặc khối lượng khoáng sản được phép khai thác, thu hồi; tiền cấp quyền khai thác khoáng sản được thu theo năm và quyết toán theo sản lượng khai thác thực tế.

Thẩm tra sơ bộ, về vấn đề này, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường có 2 loại ý kiến khác nhau.

Loại ý kiến thứ nhất cho rằng, quy định tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo trữ lượng khoáng sản và được thu theo năm, quyết toán theo sản lượng khai thác thực tế như quan điểm của Chính phủ tại Dự thảo Luật là phù hợp.

Bởi tiền cấp quyền khai thác khoáng sản được nộp theo năm sẽ giúp doanh nghiệp không mất khoản chi phí lớn tại thời điểm bắt đầu triển khai dự án khai thác. Việc quyết toán tiền cấp quyền theo sản lượng khai thác thực tế sẽ giải quyết vấn đề chênh lệch giữa trữ lượng thăm dò với sản lượng thực tế. Nếu tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản chỉ căn cứ trên cơ sở sản lượng khai thác thực tế thì có thể trùng lặp với thuế tài nguyên.

Loại ý kiến thứ hai đề nghị quy định tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo sản lượng khai thác thực tế với lý do việc tính tiền cấp quyền khai thác theo trữ lượng khoáng sản được cấp phép khai thác không bảo đảm độ chính xác, do mức độ tin cậy của các cấp trữ lượng có thể sai số từ 20% đến 50% dẫn đến việc tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản có thể chịu rủi ro lớn khi sản lượng khai thác thực tế thấp hơn nhiều so với trữ lượng được cấp phép.

Việc thu tiền cấp quyền tính theo trữ lượng trước khi khai thác như quy định hiện hành là chưa hợp lý vì có trường hợp doanh nghiệp đã được cấp giấy phép khai thác nhưng không thể tiến hành khai thác do không giải phóng được mặt bằng khai trường, hoặc không thể khai thác khi không đạt hiệu quả kinh tế do thị trường thay đổi... 

Lý do nữa là mọi khoản thu chỉ nên phát sinh khi doanh nghiệp khai thác bắt đầu tiêu thụ sản phẩm khoáng sản. Khảo sát tại một số doanh nghiệp cho thấy, trong giai đoạn xây dựng cơ bản mỏ doanh nghiệp rất cần kinh phí để đầu tư nhưng lại phải nộp tiền cấp quyền khai thác khi chưa phát sinh doanh thu từ hoạt động khai thác là chưa hợp lý.

Đa số Thường trực Ủy ban thẩm tra nhất trí với loại ý kiến thứ nhất và đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, bổ sung quy định về căn cứ tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đối với loại tài nguyên mới hoặc khoáng sản đa kim chưa có quy định về giá tính thuế tài nguyên, quy định rõ việc quyết toán theo năm hay cuối chu kỳ khai thác mỏ.

Cũng còn quan điểm khác nhau tại cơ quan thẩm tra là quy định “Tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản, thu hồi khoáng sản phải nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản”.

Loại ý kiến thứ nhất tán thành quan điểm của Chính phủ về việc cần quy định về tiền cấp quyền khai thác khoáng sản như quy định của dự thảo Luật bởi khoáng sản là tài nguyên thiên nhiên không tái tạo, là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu, vì vậy, nhà đầu tư phải trả một khoản tiền để được thực hiện quyền khai thác loại tài nguyên đặc biệt này.

 Cơ sở pháp lý của việc thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên, thu thuế tài nguyên được quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 121 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; tiền cấp quyền khai thác khoáng sản là khoản thu thuộc ngân sách nhà nước do cơ quan quản lý thuế thu theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Luật Quản lý thuế. Hiện nay, Luật Tài nguyên nước mới được Quốc hội ban hành năm 2023 cũng có quy định về hai khoản thu này đối với tài nguyên nước.

Lý do tiếp theo là, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đã được quy định tại Điều 77 Luật Khoáng sản hiện hành, theo báo cáo tổng kết của Bộ Tài nguyên và môi trường, trong 13 năm thực hiện Luật Khoáng sản, ngân sách nhà nước đã thu được số tiền cấp quyền khai thác khoáng sản lớn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội nhiều địa phương.

Theo số liệu do Tổng cục Thuế cung cấp, số tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đã thu được từ năm 2014 đến ngày 31/12/2023 là 55.887 tỷ đồng (trong đó, quyết định do Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt là 27.887 tỷ đồng; quyết định do UBND cấp tỉnh phê duyệt là 28.000 tỷ đồng).

Loại ý kiến thứ hai đề nghị bỏ quy định về tiền cấp quyền khai thác khoáng sản bởi lý do doanh nghiệp phải nộp tiền cấp quyền trong khi vẫn phải nộp thuế tài nguyên đang được xem là gánh nặng tài chính cho doanh nghiệp khoáng sản, làm giảm tính cạnh tranh của ngành công nghiệp khai khoáng tại Việt Nam.

Ngoài ra, tất cả nghĩa vụ tài chính đối với doanh nghiệp khai thác khoáng sản nên được thể hiện trong khoản thuế phải nộp, theo đó có thể xem xét tăng mức thuế tài nguyên khoáng sản để bù đắp nguồn thu ngân sách nhà nước do không thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản.

Đa số Thường trực Ủy ban thẩm tra tán thành với loại ý kiến thứ nhất, đồng thời, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kinh nghiệm quốc tế đối với nội dung tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và tổng kết tình hình thực hiện tiền cấp quyền khai thác các loại tài nguyên (nước, khoáng sản) trong thời gian qua.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư