Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 16 tháng 04 năm 2024,
Nguy cơ giải thể hàng loạt quỹ hỗ trợ HTX
Hà Tâm - 20/05/2018 12:48
 
Hiện chỉ có khoảng 1% hợp tác xã (HTX) có thể tiếp cận vốn ngân hàng. Chính vì vậy, rất nhiều HTX đang trông chờ sự hỗ trợ vốn từ hệ thống quỹ hỗ trợ phát triển HTX. Tuy nhiên, với những quy định mới của Bộ Tài chính, rất nhiều quỹ có thể phải đóng cửa.

HTX đói vốn

Doanh thu 5 tỷ đồng/năm với khoản lợi nhuận 600 triệu đồng, HTX Mì gạo Hùng Lô (khu 9, xã Hùng Lô, TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ) được đánh giá là khá hiệu quả. Thế nhưng, ông Cao Đăng Doanh, Giám đốc HTX cho hay, đến nay, HTX vẫn chưa được ngân hàng cho vay vốn, với lý do không có tài sản thế chấp.

Người dân và các HTX nhận được sự hỗ trợ tích cực từ quỹ hỗ trợ phát triển HTX tại địa phương. Ảnh: Đ.T
Người dân và các HTX nhận được sự hỗ trợ tích cực từ quỹ hỗ trợ phát triển HTX tại địa phương. Ảnh: Đ.T

Câu chuyện của HTX Mì gạo Hùng Lô cũng là câu chuyện chung của hàng chục ngàn HTX trên cả nước. 

Theo báo cáo của Liên minh HTX Việt Nam, hiện cả nước có gần 20.000 HTX, liên hiệp HTX, nhưng chỉ khoảng 1% HTX tiếp cận được vốn ngân hàng.

Ông Nguyễn Văn Đoàn, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho hay, có nhiều lý do dẫn tới tình trạng này. 

Thứ nhất, các ngân hàng thương mại chưa thực sự quan tâm đúng mức đến sự phát triển của HTX. 

Thứ hai, phần lớn HTX chưa đủ điều kiện tiếp cận vốn vay, đặc biệt là về tài sản đảm bảo. 

Thứ ba, các HTX chưa xây dựng được phương án kinh doanh khả thi… 

Do vốn tự có thấp, kênh tín dụng ngân hàng gần như khép chặt, thời gian gần đây, nhiều HTX đã phải tìm đến “cứu tinh” là quỹ hỗ trợ phát triển HTX. Xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của thành viên, gần 20 năm qua, quỹ hỗ trợ phát triển HTX đã được thành lập ở nhiều tỉnh.

Tính đến cuối năm 2017, cả nước có Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX trực thuộc Liên minh HTX Việt Nam và 43 quỹ trực thuộc Liên minh HTX tỉnh/thành phố. Hệ thống quỹ hỗ trợ phát triển HTX đang trợ giúp tích cực cho các HTX tăng quy mô và hiệu quả sản xuất, kinh doanh. 

Tuy nhiên, theo những quy định mới trong Dự thảo Nghị định về việc thành lập, tổ chức hoạt động của quỹ hỗ trợ phát triển HTX, hàng loạt quỹ đứng trước nguy cơ giải thể. 

Nhiều quỹ sẽ phải giải thể

Theo Dự thảo Nghị định được Bộ Tài chính đưa ra, các quỹ hỗ trợ phát triển HTX phải có vốn điều lệ tối thiểu 100 tỷ đồng (đa phần các quỹ hiện nay có vốn điều lệ dưới 10 tỷ đồng); chuyển về UBND tỉnh quản lý, thay vì Liên minh HTX quản lý; hoạt động theo mô hình công ty 100% vốn do Nhà nước quản lý…

Theo các quỹ hỗ trợ HTX và các địa phương, quy định như trên là không hợp lý và sẽ khiến các HTX khó tiếp cận vốn hơn.

Ông Hà Sĩ Đồng, Phó chủ tịch UBND tỉnh, kiêm Trưởng ban Chỉ đạo đổi mới, phát triển kinh tế tập thể tỉnh Quảng Trị cho rằng, nếu quy định vốn điều lệ của quỹ tối thiểu 100 tỷ đồng, thì chắc chắn nhiều quỹ hỗ trợ phát triển HTX sẽ phải giải thể. Bên cạnh đó, việc quy định Chủ tịch phải do Chủ tịch UBND cấp tỉnh bổ nhiệm, không phải là cán bộ lãnh đạo Liên minh HTX, cũng không phù hợp thực tế.

“Nếu quỹ hoạt động độc lập như một tổ chức tín dụng, các HTX sẽ rất khó vay vốn tại quỹ, tương tự như khó vay vốn tại ngân hàng thương mại”, ông Đồng lo ngại.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Thành Nam, Chủ tịch Liên minh HTX, kiêm Giám đốc Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX tỉnh Phú Thọ cũng khẳng định, khó khăn lớn nhất của các HTX hiện nay khi vay vốn là không có tài sản thế chấp, dù làm ăn khá hiệu quả. Thời gian qua, các quỹ hỗ trợ HTX cho vay rất linh hoạt, vừa cho vay thế chấp, vừa cho vay tín chấp, vì Liên minh HTX am hiểu hoạt động của các HTX. Còn nếu chỉ dựa vào tài sản thế chấp, chắc chắn, không nhiều HTX vay được vốn. 

Trước khó khăn đó, hàng loạt địa phương và các quỹ hỗ trợ phát triển HTX cho rằng, không nên quy định cứng nhắc các quỹ phải có vốn điều lệ 100 tỷ đồng, mà có thể lấy mốc 10 tỷ đồng, 20 tỷ đồng, kèm theo lộ trình tăng vốn. Thực tế, với nhiều tỉnh nghèo, nhu cầu vốn hoạt động của quỹ cũng chỉ khoảng 20 tỷ đồng. 

Bên cạnh đó, quy định quỹ hỗ trợ HTX hoạt động theo mô hình công ty TNHH một thành viên do Nhà nước nắm 100% vốn điều lệ cũng không hợp lý, vì sẽ hạn chế việc huy động vốn từ các nguồn khác. 

Thực tế hoạt động của Quỹ Trợ vốn xã viên HTX TP.HCM (CCM) cho thấy, quỹ này thành lập bằng vốn góp của các thành viên, không trông chờ vào ngân sách và hoạt động rất hiệu quả. Từ nguồn vốn điều lệ 10 tỷ đồng, đến đầu tháng 4/2018, Quỹ có tổng vốn hoạt động là 804 tỷ đồng. Trong đó, vốn huy động từ tiền tiết kiệm của thành viên là 303 tỷ đồng, vốn không chi qua các năm hoạt động là 416 tỷ đồng. Từ khi thành lập đến nay, Quỹ đã cho hơn 610.000 lượt thành viên vay vốn. Doanh số cho vay năm nay khoảng 1.400 tỷ đồng.

Ông Trần Ngọc Hưng, Phó chủ tịch Liên minh HTX TP.HCM cho hay, mô hình 100% vốn nhà nước sẽ làm tăng gánh nặng ngân sách, trong khi không khai thác triệt để nguồn vốn của các thành viên.

Việt Nam và CHLB Đức ký MOU về hỗ trợ phát triển phong trào hợp tác xã tại Việt Nam
Chiều 22/1, tại Trụ sở Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Cục Phát triển Hợp tác xã (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) và Liên đoàn Hợp tác xã Raiffeisen, CHLB...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư