Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Người mở đường cho doanh nghiệp tư nhân và kinh tế hợp tác xã
Sĩ Chức - 19/03/2018 11:35
 
Thủ tướng Phan Văn Khải được xem là người mở đường cho doanh nghiệp tư nhân phát triển, thông qua việc chỉ đạo xây dựng Luật Doanh nghiệp 1999. Năm 2004, ông cũng là người ký quyết định công nhận ngày 13/10 hàng năm là Ngày Doanh nhân Việt Nam.

Với doanh nhân Nguyễn Văn Đệ, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa, ký ức về Thủ tướng Phan Văn Khải không chỉ được thể hiện qua tư tưởng, quyết sách của một nhà lãnh đạo lớn của đất nước, mà còn là những hành động cụ thể để “cởi trói” cho doanh nghiệp tư nhân phát triển.

ông Nguyễn Văn Đệ (bên phải) chụp ản lưu niệm cùng Thủ tướng Phan Văn Khải.
Ông Nguyễn Văn Đệ (bên phải) chụp ảnh lưu niệm cùng Thủ tướng Phan Văn Khải.

“Năm 2002, tôi mới là Chủ nhiệm HTX vận tải Hợp Lực. Thời điểm đó, làm vận tải gặp rất nhiều khó khăn do vướng mắc các rào cản về cơ chế, chính sách. Mỗi một đầu xe, cơ quan thuế thu 1 thuế môn bài. Dù là HTX nhưng 60 đầu xe của chúng tôi là 60 thuế môn bài. Nếu cứ đóng thuế như thế thì cước vận tải không thể bù lại được doanh thu đồng thời phá vỡ chủ trương của Đảng về chính sách khuyến khích thành lập HTX. HTX vận tải cả nước có nguy cơ phá sản, giải tán.

Cá nhân tôi đã đề xuất nhiều lần bằng văn bản và phát biểu trực tiếp tại các diễn đàn, nhưng đều vô vọng. Bị một số đối tượng xấu bao vây, cấm vận, xã viên mất việc làm, bỏ hợp tác ra đi; hàng hóa ứ đọng, mọi thứ bị dồn vào chân tường. Về chủ trương, nhà nước khuyến khích kinh tế HTX phát triển, nhưng cơ chế, chính sách lại không theo kịp thực tiễn của nền kinh tế thị trường. Một bộ phận cán bộ thời kỳ đó vẫn muốn bám vào cơ chế cũ, không chịu đổi mới. Lúc đó, Luật HTX cũng chưa ra đời khiến cho chúng tôi rất lúng túng. Có những thời điểm kêu không thấu, tôi chỉ còn cách úp mặt vào tường mà khóc”, ông Đệ nhớ lại khó khăn cách đây hơn 15 năm.

“Đúng lúc đó, nghe tin Thủ tướng Phan Văn Khải lần đầu tiên tổ chức buổi gặp mặt với doanh nghiệp tại TP.HCM, tuy không được mời nhưng tôi vẫn quyết định cơm đùm cơm nắm lên tàu chợ vào Nam, với hy vọng được kêu cứu đến người đứng đầu Chính phủ.

Sau khi năn nỉ, thuyết phục, được bảo vệ cho vào hội trường, sau phần phát biểu của lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tôi đã đánh “liều” vừa giơ tay đăng ký phát biểu vừa đi thẳng lên sân khấu. Ngay lập tức bộ phận an ninh đã giữ lại, nhưng rất may Thủ tướng đã ra hiệu cho anh em cảnh vệ để cho tôi lên diễn đàn.

Tôi còn nhớ như in câu nói của Thủ tướng lúc đó: “Cứ để cho anh ấy nói”. Nói thật lúc ấy tôi rất run và cảm xúc hồi hộp vì lần đầu tiên được gặp Thủ tướng theo cái cách chẳng giống ai mà bây giờ người ta hay gọi vui là … “cướp diễn đàn”, nhưng vì những nguyện vọng của mình chính đáng, vì sự phát triển của của kinh tế HTX nên tôi đã nói liền một mạch 5 vấn đề bằng tâm huyết, gan ruột của mình; trong đó nhấn mạnh đến vấn đề thuế môn bài của HTX vận tải đã vượt thời gian cho phép, song Thủ tướng và cả hội trường vẫn ngồi nghe mà không cắt lời.

Khi bài phát biểu của tôi kết thúc, cả hội trường vỗ tay. Thú thật, tôi đã không kìm nén được cảm xúc mà nước mắt cứ trào ra rồi cứ thế rời khỏi hội trường ra về. Cũng không hy vọng có thể thay đổi được chính sách ngay lập tức nhưng ít nhất, bức xúc đã được giải tỏa trước người đứng đầu Chính phủ lúc bấy giờ”, ông Đệ bồi hồi nhớ lại.

Tiếp mạch hồi ức về Thủ tướng Phan Văn Khải, ông Đệ kể tiếp: “Chiều hôm đó, tôi đang ngồi ăn cơm bụi ở vỉa hè ngoài sân ga Sài Gòn để chờ tàu về Thanh Hóa thì nhận được cuộc gọi từ một số điện thoại lạ. Người gọi là anh Quách Lê Thanh (lúc đó là Tổng Thanh tra Chính phủ), anh giới thiệu là người cùng quê hương với tôi.

Anh Thanh kể: Sau hội nghị, trong bữa cơm trưa, Thủ tướng có nói với anh Thanh rằng: cậu doanh nghiệp ở Thanh Hóa phát biểu rất gay gắt nhưng rất thẳng thắn và đúng. Thủ tướng giao Phó thủ tướng lúc bấy giờ chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Tổng  cục Thuế và các đơn vị có liên quan nhanh chóng nghiên cứu, sửa đổi chính sách để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Thủ tướng gửi lời khen phần phát biểu của tôi. Thú thật lúc đó, giữa sân ga Sài Gòn, tôi lại khóc vì vui mừng xen lẫn xúc động”.

Theo ông Đệ, hình như  “cuộc đời không phụ người có tâm huyết vì sự phát triển của nhân dân”, chỉ 15 ngày sau hội nghị tại TP.HCM, cộng đồng kinh tế HTX cả nước lúc bấy giờ đón nhận một tin vui là những kiến nghị của ông đã được giải quyết. Từ đó hàng trăm xe chỉ cần một pháp nhân HTX nộp thuế môn bài là được. Nhiều doanh nghiệp, HTX vận tải trong Nam ngoài Bắc biết tin đã vui mừng gọi điện cảm ơn ông. Tuy nhiên ông Đệ đều nói: các anh chị hãy cảm ơn Chính phủ và Thủ tướng Phan Văn Khải.

Và đúng một năm sau đó, Luật HTX 2003 chính thức được Quốc hội khóa XI thông qua, trở thành hành lang pháp lý để kinh tế HTX phát triển. Và cũng chính sự thay đổi đó đã tạo động lực chuyển biến mạnh mẽ trong mô hình kinh tế HTX cho đến bây giờ. Lúc bấy giờ cả nước chỉ có gần 4.000 HTX hoạt động, chỉ sau một thời gian ngắn, hàng ngàn HTX được thành lập và phát triển. Đến nay đã đạt con số khoảng 20.000 HTX hoạt động, tạo việc làm và thu nhập cho hàng vạn lao động.

Sau này, doanh nghiệp của doanh nhân Nguyễn Văn Đệ ngày càng phát triển, cá nhân ông cũng tham gia giữ nhiều trọng trách xã hội quan trọng, từng tham gia kiến nghị tại nhiều diễn đàn kinh tế lớn, nhưng kỷ niệm về lần gặp Thủ tướng Phan Văn Khải vẫn là một dấu ấn không thể phai mờ trong tâm trí của ông.

Nếu thời điểm đó, doanh nghiệp vận tải không được Thủ tướng trực tiếp “gỡ khó”, HTX vận tải Hợp Lực sẽ không có đường băng cất cánh, để trở thành một tập đoàn Hợp Lực đa ngành, đa lĩnh vực lớn mạnh như hôm nay. Ông Đệ cho rằng, cá nhân ông và nhiều doanh nhân kinh doanh vận tải sau này luôn ghi nhớ, thể hiện lòng biết ơn đối với một vị Thủ tướng vì dân, vì doanh nghiệp.

"Tôi nghĩ, Thủ tướng Phan Văn Khải là nhà lãnh đạo kỹ trị với những tư tưởng đổi mới mạnh mẽ, hành động quyết liệt và đặc biệt thấu hiểu, gần gũi với người dân và doanh nghiệp”. Tôi nghĩ lúc này, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân và hợp tác xã hãy lắng lòng mình kính cẩn, nghiêng mình thay nén tâm nhang; thành kính tưởng nhớ Thủ tướng Phan Văn Khải”, doanh nhân Nguyễn Văn Đệ kết lại dòng hồi ức về Thủ tướng Phan Văn Khải - Người mở đường cho doanh nghiệp tư nhân và kinh tế hợp tác xã.

Thủ tướng Phan Văn Khải: Thủ tướng của doanh nghiệp
Cộng đồng doanh nghiệp tư nhân Việt Nam vẫn gọi Thủ tướng Phan Văn Khải với cái tên Thủ tướng của doanh nghiệp. Những câu chuyện về ông...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư