Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Thủ tướng Phan Văn Khải: Thủ tướng của doanh nghiệp
Khánh An - 17/03/2018 15:51
 
Cộng đồng doanh nghiệp tư nhân Việt Nam vẫn gọi Thủ tướng Phan Văn Khải với cái tên Thủ tướng của doanh nghiệp. Những câu chuyện về ông vẫn đang được kể.
.
Thủ tướng Phan Văn Khải trong ngày Doanh nhân Việt Nam đầu tiên, 13/10/2004.

Món quà Tết của Thủ tướng

Vài ngày trước Tết Canh Thìn (năm 2000), các thành viên Tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp (Tổ công tác) hồi hộp chờ tin từ Văn phòng Chính phủ. Bà Phạm Chi Lan, nguyên Phó chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), thành viên Tổ công tác nhớ nguyên cảm giác hồi hộp của 18 năm trước.

Tổ được thành lập 2 ngày trước thời điểm Luật Doanh nghiệp 1999 có hiệu lực (1/1/2000). Nhưng thực tế, mọi người đã ngồi với nhau từ tháng 10/1999, sau một cuộc họp ở Hạ Long của Ban nghiên cứu của Thủ tướng Phan Văn Khải, phần lớn là những tên tuổi đã làm nên bước cải cách của Luật Doanh nghiệp, như ông Vũ Quốc Tuấn, ông Nguyễn Văn Thảo, ông Lê Đình Thu, ông Đặng Đức Đạm (khi đó là cộng tác viên, thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng), ông Nguyễn Mại (thành viên Tổ kinh tế đối ngoại của Thủ tướng)…

Bãi bỏ giấy phép con có thể là kiến nghị đầu tiên của Tổ công tác. “Chúng tôi nói với nhau, ký được trước Tết thì tốt quá, vì tinh thần cải cách của Luật Doanh nghiệp lên cao nhưng có nhiều nội dung mới, lại lạ nên không dễ thực hiện. Tổ công tác được đề xuất thành lập cũng vì sắp đến ngày Luật có hiệu lực, nhưng không thấy cơ quan nào động đậy gì việc thực thi”, bà Chi Lan kể.

Tin mừng đến kịp ngày 28 Tết Canh Thìn (3/2/2000). Thủ tướng Phan Văn Khải đã ký Quyết định số 19/2000/QĐ-TTg bãi bỏ 84 loại giấy phép con trái với tinh thần của Luật Doanh nghiệp.

Ông Vũ Quốc Tuấn gọi điện thông báo tới từng thành viên Tổ công tác. Báo chí ngay lập tức hòa thanh, gọi đó là “món quà Tết của Thủ tướng”.

Tinh thần cải cách sôi sục của giai đoạn soạn thảo, thông qua văn bản mang tính cách mạng có tên Luật Doanh nghiệp, chính thức mở cánh cửa cho phép người dân được kinh doanh những gì pháp luật không cấm được Thủ tướng Phan Văn Khải làm nóng thêm.

Trong vòng 2 năm, 2000-2002, số doanh nghiệp thành lập mới theo Luật Doanh nghiệp là trên 55.000, vượt qua tổng số 45.000 doanh nghiệp được thành lập trong 10 năm thực hiện Luật Công ty và Luật Doanh nghiệp tư nhân (từ 1991-1999). Số doanh nghiệp tư nhân trong các ngành nghề được bãi bỏ giấy phép tăng đột biến.

Tháng 6/2002, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ký ban hành Nghị định 59/2002/NĐ-CP bãi bỏ được thêm 4 loại giấy phép, thay thế 10 loại giấy phép bằng điều kiện kinh doanh, gộp 2 giấy phép thuộc ngành y tế thành 1 giấy phép.

Thủ tướng của doanh nghiệp

Luật Doanh nghiệp khi được ban hành năm 1999 đã trở thành nhân chứng lịch sử, ghi dấu các bước thắng thế và cả những ngập ngừng trong tư duy đổi mới về thị trường, về kinh doanh của nền kinh tế Việt Nam.

Đây cũng là nền móng cho sự phát triển của cộng động doanh nghiệp tư nhân Việt Nam, để chỉ sau đó 4 năm, Thủ tướng Phan Văn Khải đã ký quyết định Số: 990/QĐ-TTG quyết định lấy lấy ngày 13 tháng 10 là "Ngày Doanh nhân Việt Nam".

“Nếu không có một đội ngũ doanh nhân đủ trình độ, có năng lực cạnh tranh cao, không có những thương hiệu Việt Nam đi khắp thế giới thì doanh nghiệp Việt Nam sẽ bị đào thải, Việt Nam không thể thoát được đói nghèo”, Thủ tướng Phan Văn Khải đã phát biểu với hàng trăm doanh nhân tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ gặp doanh nghiệp lần đầu tiên năm 2004.

Cũng trong năm này, Thủ tướng Phan Văn Khải lần đầu xác định mục tiêu 500.000 doanh nghiệp Việt Nam vào năm 2010. Tinh thần người dân, doanh nghiệp được làm những gì pháp luật không cấm ngày càng phủ rộng trong hệ thống cơ chế, chính sách và hành vi của các cơ quan quản lý nhà nước.

Cũng chỉ sau đó 1 năm, Luật Doanh nghiệp áp dụng chung cho cả doanh nghiệp trong nước và nước ngoài của Việt Nam chính thức có hiệu lực, mở một trang mới cho cộng đồng kinh doanh Việt Nam.

Sau này, khi nói về thành công mang tính cách mạng của Luật Doanh nghiệp 1999, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM), khi đó là Thư ký Tổ soạn thảo Luật Doanh nghiệp, sau đó là Thư ký Tông công tác thi hành Luật Doanh nghiệp cho rằng, một phần lớn nhờ những con người có tư duy cải cách, nhiệt tình, đam mê và dấn thân cho cải cách, biết chấp nhận rủi ro chính trị, nghề nghiệp.

“Tôi không có nhiều dịp được báo cáo trực tiếp với Thủ tướng Phan Văn Khải về các ý tưởng mới của Luật Doanh nghiệp. Nhưng điểm ấn tượng đặc biệt của tôi với ông là ông rất lắng nghe, ông thực sự lắng nghe các ý kiến của giới chuyên gia tư vấn độc lập. Khi ông đã hiểu, ông quyết tâm thực hiện bằng được. Nhiều đề xuất trong Luật Doanh nghiệp đã hiện thực được chính nhờ sự ủng hộ của Thủ tướng”, ông Cung kể lại.

Ông Lê Viết Thái, nguyên Trưởng Ban nghiên cứu thế chế kinh tế (CIEM) thậm chí còn gọi ông là một trong những nhân vật quan trọng nhất đã tạo dựng nên nền móng và khung pháp lý cho sự phát triển nền kinh tế thị trường đích thực và tăng trưởng bền vững ở Việt Nam.

"Ông là Thủ tướng ghi dấu ấn trong khung khổ pháp lý đảm bảo thực thi quyền tự do kinh doanh đã được hiến định; đảm bảo cho sự vận hành của cơ chế cạnh tranh trong nền kinh tế thị trường và  đảm bảo tính bền vững của phát triển", ông Thái nói.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư