Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Nguy cơ "tụt hậu xa hơn" bây giờ ra sao?
Minh Nhung - 03/10/2015 09:24
 
Tại Hội nghị giữa Nhiệm kỳ Đại hội VII, Đảng ta đã đề cập 4 nguy cơ, trong đó có nguy cơ tụt hậu xa hơn. Vậy nguy cơ này đến nay ra sao?
.

Con số tăng trưởng dù khá ấn tượng

Quy mô GDP tính bằng VND theo giá so sánh (tức là đã loại trừ yếu tố tăng giá thực tế) năm 2014 đã cao gấp trên 3,38 lần năm 1995, bình quân 1 năm tăng 6,62%. Đó là tốc độ tăng liên tục, trong thời gian khá dài, với tốc độ khá cao.

Nếu tính bằng USD theo tỷ giá hối đoái bình quân năm, thì còn tăng cao hơn (GDP năm 2014 đã cao gấp gần 8,98 lần năm 1993, bình quân 1 năm tăng tới 12,24% - chủ yếu do tốc độ tăng GDP tính bằng VND cao (như trên) và do tỷ giá VND/USD tăng thấp (tỷ giá năm 2014 cao gấp gần 1,92 lần năm 1995, bình quân 1 năm tăng 3,48%.

Năm 2014 so với năm 1995, do GDP tính bằng VND theo giá so sánh cao gấp nhiều lần hơn dân số (trên 3,38 lần so với trên 1,26 lần), nên GDP bình quân đầu người tính bằng VND theo giá so sánh cao gấp 2,68 lần, bình quân 1 năm tăng 5,33%. Nếu tính GDP bình quân đầu người bằng USD theo tỷ giá hối đoái bình quân, thì năm 2014 đã đạt 2.052 USD, cao gấp 7,13 lần so với mức 288 USD của năm 1995, bình quân 1 năm tăng 10,89%.

Dù xét ở tổng GDP hay GDP bình quân đầu người, thì tốc độ tăng của Việt Nam đều thuộc loại khá cao. Có tốc độ tăng cao hơn, thì tỷ lệ của Việt Nam so với các nước về quy mô tuyệt đối cũng tăng lên.Như vậy, xét về tốc độ tăng và tỷ lệ GDP bình quân đầu người tính bằng USD theo tỷ giá hối đoái, thì Việt Nam đã không tụt hậu xa hơn so với một số nước trong khu vực. Tuy nhiên, tốc độ tăng GDP từ 2009 đến 2012 đã tăng chậm lại so với một số nước, sẽ làm xuất hiện khả năng tụt hậu xa hơn.

… nhưng xét về quy mô tuyệt đối, có khả năng tụt hậu xa hơn

GDP bình quân đầu người tính bằng USD theo tỷ giá hối đoái của Việt Nam đã tăng từ 288 USD/người năm 1995 lên 2.052 USD/người năm 2014.

Trong giai đoạn này, Singapore có mức tăng từ 26.182 USD lên 56.287 USD; Malaysia tăng từ 4.299 USD lên 10.830 USD; Thái Lan từ 2.667 USD lên 5.561 USD; của Indonesia từ 1.021 USD lên 3.515 USD; của Philippines từ 1.079 USD lên 2.843 USD.

Có sự chênh lệch về mức tuyệt đối GDP bình quân đầu người tính bằng USD theo tỷ giá hối đoái giữa Việt Nam và một số nước trong khu vực giữa năm 1995 và 2014 (xem bảng).

Theo đó, chỉ có Philippines có mức chênh lệch giảm nhẹ, chủ yếu do tỷ lệ tăng dân số tự nhiên cao hơn của Việt Nam (năm 2014 là 1,8% so với 1%); còn của các nước khác đều tăng lên với mức khá cao.

Nói cách khác, nguy cơ tụt hậu về kinh tế của Việt Nam so với các nước trong khu vực đã không giảm mà còn tăng lên. Hơn nữa, tụt hậu không còn là nguy cơ, mà đã đến và ngày một lớn lên, khi chênh lệch về mức quân đầu người tăng lên.

Để tránh tụt hậu

Để tránh tụt hậu xa hơn, có 3 nhóm giải pháp: tăng trưởng GDP cao hơn; tốc độ tăng dân số thấp hơn; tỷ giá tăng thấp hơn các nước trong khu vực.

Về tăng trưởng GDP, một mặt cần tăng trưởng nhanh, mặt khác cần nâng cao chất lượng tăng trưởng và bảo đảm sự phát triền bền vững.

Muốn tăng trưởng nhanh phải có vốn đầu tư, bao gồm vốn đầu tư trong nước và vốn đầu tư nước ngoài. Vấn đề lớn nhất của vốn đầu tư trong nước là huy động lượng vốn rất lớn (ước tính lên đến hàng chục tỷ USD) còn tồn đọng ở trong dân dưới dạng vàng, ngoại tệ để vừa có nguồn đầu tư, vừa chống vàng hóa, đô la hóa. Tăng lượng vốn từ cả 4 kênh (chứng khoán, ngân hàng, bảo hiểm và tái đầu tư từ nguồn tự tích lũy); đẩy nhanh khấu hao, tăng mạnh số doanh nghiệp thành lập mới, hỗ trợ để giảm bớt tình trạng phá sản, ngừng hoạt động của doanh nghiệp... Vốn đầu tư nước ngoài đang có xu hướng tăng lên, nhưng cần chọn lọc, nâng cao chất lượng.

Muốn nâng cao chất lượng tăng trưởng và bảo đảm sự phát triển bền vững, cần quan tâm đến nâng cao tỷ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP), trên cơ sở nâng cao hiệu quả đầu tư (giảm hệ số ICOR của Việt Nam hiện còn ở mức trên 5 lần, trong khi một số nước chỉ 2-3 lần); nâng cao năng suất lao động (hiện còn thấp xa so với các nước bằng việc đẩy mạnh khoa học - công nghệ, không ham rẻ mà chuyển sang nhập thiết bị - công nghệ nguồn...

Để phát triển bền vững, cần phát triển và bảo đảm công bằng xã hội, cần phải bảo vệ và phát triển môi trường. Các công việc này tuy đạt được một số kết quả tích cực, nhưng còn nhiều hạn chế, bất cập.

Về dân số, Việt Nam đã đạt kết quả tích cực về hạ tỷ lệ sinh, hạ tổng tỷ suất sinh xuống ngang mức sinh thay thế, nhưng tỷ lệ sinh vẫn còn cao hơn Singapore, Thái Lan, đứng trước nguy cơ mất cân bằng giới tính, tỷ lệ người già tăng nhanh.

Tỷ giá, Việt Nam đã đạt được kết quả tích cực là ổn định trong thời gian tương đối dài, với quan điểm đúng trong việc chủ động, linh hoạt trong điều hành tỷ giá và bảo vệ đồng nội tệ, nhất là trong điều kiện đồng Nhân dân tệ biến động và lãi suất USD tăng.

Tăng trưởng GDP đạt đỉnh mới
Kinh tế 9 tháng đầu năm tăng trưởng 6,5% - mức tăng cao nhất trong vòng 5 năm, cho thấy nền kinh tế đã phục hồi rõ nét hơn.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư