Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương và cáo buộc làm thất thoát hơn 1.000 tỷ đồng - Bài 4: Khi sai phạm được đích thân Bí thư Tỉnh ủy… tạo điều kiện
Ngô Nguyên - 07/09/2021 08:29
 
Không chỉ áp giá lùi 6 năm gây thất thoát hơn 761 tỷ đồng, ông Trần Văn Nam còn bị cáo buộc chỉ đạo, trực tiếp tạo điều kiện cho Tổng công ty 3-2 bán rẻ 43 ha đất công.
Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Trần Văn Nam bị cáo buộc gây thất thoát hơn 1.000 tỷ đồng trong vụ Tổng công ty Sản xuất - Xuất nhập khẩu Bình Dương TNHH MTV (Tổng công ty 3-2) hô biến 2 khu đất công vào tay công ty tư nhân, công ty gia đình. Với số tiền trên, ông Nam gây thiệt hại cho Nhà nước lớn hơn ông Trần Vĩnh Tuyến, nguyên Phó bí thư TP.HCM (627 tỷ đồng) và gần bằng ông Tất Thành Cang, nguyên Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM (hơn 1.200 tỷ đồng).
Khu đất 43 ha khiến 3 nguyên lãnh đạo cao nhất tỉnh Bình Dương “ngã ngựa”
Khu đất 43 ha khiến 3 nguyên lãnh đạo cao nhất tỉnh Bình Dương “ngã ngựa”.

Bài 4: Khi sai phạm được đích thân Bí thư Tỉnh ủy… tạo điều kiện

Không chỉ áp giá lùi 6 năm gây thất thoát hơn 761 tỷ đồng, ông Trần Văn Nam còn bị cáo buộc chỉ đạo, trực tiếp tạo điều kiện cho Tổng công ty 3-2 bán rẻ 43 ha đất công.

Thường trực tỉnh ủy thống nhất cho “con cưng” phạm luật

Như Báo Đầu tư đã nêu, trong giai đoạn giữ chức Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương phụ trách lĩnh vực giao thông, đất đai và là Trưởng ban Ban Chỉ đạo công tác điều tra giá đất, xây dựng Bảng giá đất năm 2011, 2012, 2013, ông Trần Văn Nam đã ký ban hành Công văn 3444/UBND-KTN ngày 23/11/2012 lấy giá đất của năm… 2006 để tính tiền sử dụng khu đất 145 ha và 43 ha giao cho Tổng công ty 3-2, gây thất thoát hơn 761 tỷ đồng.

Từ tháng 12/2015, ông Nam lên chức Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương và tỉnh này cũng bắt đầu thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Và như Báo Đầu tư phản ánh, giai đoạn này, Tổng công ty 3-2 sau khi bán đứt 43 ha đất công, đã hợp thức hóa sai phạm, dẫn tới cả đất và 30% vốn rơi hết vào tay tư nhân, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 302 tỷ đồng.

Theo Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an, kết quả điều tra xác định nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Trần Văn Nam là người chỉ đạo điều hành, vừa là người thực hiện phạm tội, gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền đặc biệt lớn (hơn 761 tỷ đồng ở vụ áp giá đất lùi 6 năm và hơn 302 tỷ vụ giúp Tổng công ty 3-2 hô biến 43 ha đất công thành đất tư với giá rẻ mạt - PV).

Không chỉ đủ yếu tố cấu thành tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí”, ông Nam còn bị cáo buộc “chỉ đạo hợp thức hóa tài liệu để che giấu vi phạm” và “chưa thành khẩn khai báo về động cơ vụ lợi của bản thân”.

Nhưng Tổng công ty 3-2 không thể thực hiện trót lọt phi vụ trên nếu thiếu sự “hà hơi tiếp sức” của lãnh đạo tỉnh Bình Dương lúc bấy giờ. Cụ thể, ở giai đoạn này, ngày 29/7/2016, Tỉnh ủy Bình Dương ban hành Văn bản 407-CV/TU yêu cầu Tổng công ty 3-2 bàn giao khu đất 43 ha về Công ty Impco (100% vốn nhà nước do Tỉnh ủy làm chủ sở hữu).

Tuy nhiên, nhằm hợp thức hóa việc bán đứt 43 ha cho Công ty Âu Lạc trước đó và hoàn tất việc chuyển nhượng 30% vốn góp tại Công ty Tân Phú để con rể là Nguyễn Đại Dương thực hiện cam kết chuyển nhượng cho Công ty Kim Oanh, ông Nguyễn Văn Minh, Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Tổng công ty 3-2 đã ký Văn bản số 39/TCTY gửi Thường trực Tỉnh ủy với nội dung: Tổng công ty 3-2 đã thực hiện hoàn tất việc chuyển giao khu đất trực tiếp cho Công ty Tân Phú, quyết toán thuế vào niên độ tài chính năm 2016 và đề nghị Thường trực Tỉnh ủy thống nhất chủ trương cho chuyển nhượng phần vốn góp 30% tại Công ty Tân Phú cho Công ty Âu Lạc.

Ngày 17/4/2017, Tỉnh ủy Bình Dương họp Thường trực Tỉnh ủy để xem xét, quyết định việc xin chủ trương trên của Tổng công ty 3-2 với thành phần gồm các ông: Trần Văn Nam, Bí thư Tỉnh ủy; Phạm Văn Cành, Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Trần Thanh Liêm, Phó bí thư, Chủ tịch UBND tỉnh; Ngô Dũng Phương, Trưởng phòng Tài chính Đảng; Nguyễn Văn Đông, Chánh Văn phòng Tỉnh ủy và đại diện một số đơn vị có liên quan.

Tại cuộc họp, các cá nhân nêu trên đều biết Tổng công ty 3-2 đã bán đứt 43 ha đất cho Công ty Tân Phú, không bàn giao về Công ty Impco là trái quy định của pháp luật, trái phê duyệt của Tỉnh ủy, nhưng vẫn thống nhất: “Đồng ý chủ trương cho Tổng công ty 3-2 được chuyển nhượng 30% vốn góp tại Công ty Tân Phú cho Công ty Âu Lạc”.

Trên cơ sở cuộc họp trên, ngày 20/4/2017, ông Phạm Văn Cành, Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy ký Thông báo 287-TB/TU kết luận và chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy: “Đồng ý chủ trương cho Tổng công ty 3-2 được chuyển nhượng 30% vốn góp tại Công ty Tân Phú cho Công ty Âu Lạc. Tổng công ty 3-2 phải thuê đơn vị tư vấn độc lập, thẩm định giá đất làm cơ sở đàm phán ký hợp đồng chuyển nhượng và chịu trách nhiệm ký kết hợp đồng, chỉ thu tiền đúng theo quy định...”.

Do biết rõ việc chuyển nhượng khu đất 43 ha trái quy định pháp luật của Tổng công ty 3-2 và để tạo điều kiện hoàn thiện việc chuyển nhượng khu đất này, tháng 10/2018, ông Trần Văn Nam yêu cầu ông Phạm Văn Cành ký công văn đính chính lại Thông báo 287-TB/TU ngày 20/4/2017, do Tổng công ty 3-2 đã chuyển nhượng 43 ha cho Công ty Tân Phú, nên không thể chuyển giao khu của đất trên cho Công ty Impco.

Thực hiện yêu cầu trên, ông Ngô Dũng Phương và ông Nguyễn Văn Đông đã lập biên bản cuộc họp đề lùi ngày 19/5/2017, đồng thời soạn thảo Công văn 974-CV/TU cũng đề lùi ngày 19/5/2017 để ông Phạm Văn Cành ký, đính chính Thông báo 287/TB-TU ngày 20/4/2017 với nội dung: “Tổng công ty phải thuê đơn vị tư vấn độc lập, thẩm định giá trị tăng thêm của phần vốn góp 30% tương ứng với 60 tỷ đồng làm cơ sở đàm phán ký hợp đồng chuyển nhượng và chịu trách nhiệm ký kết hợp đồng, thu tiền đúng theo quy định…”.

Về hưu vẫn ký công văn… điều hành chỉ đạo

Chưa dừng lại, do Tổng công ty 3-2 đã bán đứt 43 ha đất, không còn đất để giao cho Công ty Impco, tháng 3/2019, ông Trần Văn Nam tiếp tục chỉ đạo cấp dưới điều chỉnh công văn liên quan.

Thực hiện chỉ đạo này, ông Nguyễn Văn Đông chỉ đạo Ngô Dũng Phương lập biên bản giao ban Thường trực Tỉnh ủy lùi lại 3 năm trước, tức đề ngày 25/8/2016 để Trần Văn Nam ký mục “Chủ trì hội nghị”, Ngô Dũng Phương ký mục “Người ghi biên bản”. Biên bản có nội dung: “Thường trực Tỉnh ủy thống nhất không chuyển giao khu đất 43 ha cho Công ty Impco, để Tổng công ty 3-2 tiếp tục thực hiện chủ trương tại Công văn 1830-CV/TU ngày 17/8/2010 của Thường trực Tỉnh ủy”.

Đồng thời, Ngô Dũng Phương soạn thảo Công văn 477-CV/TU đề lùi ngày 29/8/2016 để ông Phạm Văn Cành ký (thời điểm này đã nghỉ hưu), điều chỉnh Công văn 407-CV/TU ngày 29/7/2016, với nội dung: “Đồng ý không chuyển giao khu đất có diện tích 430.000 m2 tại phường Hòa Phú, TP. Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương cho Công ty TNHH MTV Đầu tư và Quản lý Dự án Bình Dương, để Tổng công ty 3-2 tiếp tục thực hiện chủ trương tại Công văn 1830-CV/TU ngày 17/8/2010 của Thường trực Tỉnh ủy”.

Để có cơ sở hợp thức hóa sai phạm theo Công văn 477-CV/TU lùi ngày trên,  Nguyễn Văn Minh đã chỉ đạo Trần Nguyên Vũ (đã lên chức Tổng giám đốc Tổng công ty 3-2) và Huỳnh Thanh Hải (Chủ tịch HĐTV, kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Đầu tư và Quản lý dự án Bình Dương) soạn thảo Công văn 145/TCTY-ĐTDA cũng “theo gương lãnh đạo tỉnh” đề lùi ngày 20/8/2016. Công văn này xin điều chỉnh phương án sử dụng đất theo Công văn 407-CV/TU, nội dung: “Đề nghị Thường trực Tỉnh ủy xem xét cho chủ trương không chuyển giao khu đất có diện tích 430.000 m2 cho Công ty Impco để Tổng công ty 3-2 tiếp tục thực hiện chủ trương tại Công văn 1830-CT/TU ngày 17/8/2010 của Thường trực Tỉnh ủy”.

Theo Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an, việc Trần Văn Nam chỉ đạo ông Nguyễn Văn Đông, Phạm Văn Cành và Ngô Dũng Phương “hợp thức hóa” ban hành Công văn 974-CV/TU đề lùi ngày 19/5/2017 và Công văn 477-CV/TU đề lùi ngày 29/8/2016 đã làm sai lệch bản chất nội dung phê duyệt chi tiết phương án sử dụng đất của chủ sở hữu (Tỉnh ủy Bình Dương) tại Văn bản 407-CV/TU ngày 29/7/2016.

Tất cả đã tạo điều kiện để Nguyễn Văn Minh và đồng phạm hoàn thành việc chuyển nhượng toàn bộ quyền sở hữu của Nhà nước tại khu đất 43 ha sang công ty tư nhân, trái với quy định tại Điều 5 và Điều 9, Luật số 69/2014/QH13 ngày 26/11/2014 về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp và khoản 2, Điều 12, Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tổng công ty 3-2 năm 2015. Hành vi vi phạm pháp luật của các bị can gắn chặt, không tách rời hành vi vi phạm của Nguyễn Văn Minh và đồng phạm, gây thất thoát cho Nhà nước số tiền hơn 302,8 tỷ đồng.

Hai nguyên Phó bí thư “ngã ngựa” vì… nể nang?

Liên quan vụ hô biến 43 ha đất công về tay tư nhân trên, theo Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an, 2 đồng phạm của nguyên Bí thư tỉnh ủy Trần Văn Nam là ông Trần Thanh Liêm có chức vụ là Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh (giai đoạn 2015-2020), kiêm Trưởng ban Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp, Trưởng ban Ban Chỉ đạo cổ phần hóa Tổng công ty 3-2; cùng ông Phạm Văn Cành là Phó bí thư thường trực, phụ trách kinh tế Đảng (giai đoạn 2013-2018).

Cơ quan điều tra cho rằng, ông Liêm và ông Cành biết Tổng công ty 3-2 đã chuyển nhượng khu đất 43 ha cho liên danh trái chủ trương của Tỉnh ủy và trái quy định pháp luật. Tuy nhiên, tại cuộc họp thường trực Tỉnh ủy, 2 ông vẫn đồng ý cho Tổng công ty tiếp tục được chuyển nhượng 30% vốn góp tại liên doanh cho Công ty Âu Lạc, tạo điều kiện cho bị can Nguyễn Văn Minh và đồng phạm bán rẻ 43 ha “đất vàng” của Nhà nước.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an cho hay, nguyên nhân phạm tội của 2 cựu Phó bí thư tỉnh Bình Dương “là do ưu ái, có phần nể nang đối với Tổng công ty 3-2 là doanh nghiệp do Tỉnh ủy làm chủ sở hữu”.

Cùng với ông Nam, hành vi của ông Liêm và ông Cành cũng bị cáo buộc gây thiệt hại hơn 302 tỷ đồng và đủ yếu tố cấu thành tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí”.

(Còn tiếp)

Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương và cáo buộc làm thất thoát hơn 1.000 tỷ đồng - Bài 1: Áp giá đất lùi 6 năm, làm “bốc hơi” hơn 761 tỷ đồng
Có đủ bằng chứng thể hiện, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương cùng cấp dưới duyệt giá 2 khu đất cho Tổng công ty 3-2 lùi 6 năm, gây thiệt hại hơn...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư