Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Nguyễn Hoàng Phương, Nhà sáng lập Piktina: Lan tỏa xu hướng thời trang bền vững
Nhung Bùi - 10/08/2023 08:03
 
Với Piktina, Nguyễn Hoàng Phương không chỉ tạo ra một sàn thương mại điện tử để trao đổi những món đồ “cũ người, mới ta”, mà còn lan tỏa xu hướng tiêu dùng thời trang bền vững trong đời sống.
Nguyễn Hoàng Phương, Nhà sáng lập Piktina
Nguyễn Hoàng Phương, Nhà sáng lập Piktina.

Một thập kỷ ấp ủ dự án khởi nghiệp

Nhiều nhà sáng lập tìm ra ý tưởng, mô hình kinh doanh nhờ vào một hoặc một vài khoảnh khắc tình cờ trong cuộc sống, nhưng với Nguyễn Hoàng Phương và Piktina, câu chuyện không phải như vậy.

Hoàng Phương từng theo học ngành thời trang ở Pháp và có hơn 10 năm làm việc trong ngành thời trang, hàng xa xỉ tại châu Âu, châu Mỹ. Năm 2012, khi trở về Việt Nam, chị đã nghĩ đến việc xây dựng một ứng dụng dành riêng cho hoạt động trao đổi quần áo second-hand (đã qua sử dụng) và thực hành thời trang bền vững. Tuy nhiên, thị trường Việt Nam lúc đó chưa sẵn sàng cho một mô hình như vậy, nên nhà sáng lập 8x đành gác lại ý tưởng.

Vài năm gần đây, nhận thấy “cũ người, mới ta” trở thành phong cách tiêu dùng phổ biến trong một bộ phận giới trẻ, Hoàng Phương quyết định hiện thực hóa dự định đã ấp ủ suốt một thập kỷ. Tháng 6/2022, chị chính thức cho ra mắt ứng dụng điện thoại Piktina - nền tảng thương mại điện tử dành riêng cho các món đồ thời trang đã qua sử dụng.

CEO 8x cho biết, Piktina hoạt động giống như mô hình Shopee, giữ vai trò trung gian kết nối người mua và người bán. Sau khi người mua đặt hàng, ứng dụng thông báo để người bán chuẩn bị hàng, rồi sắp xếp nhân viên giao hàng và tiến hành thu tiền từ khách. Trong vòng 7 ngày, nếu không có vấn đề phát sinh, Piktina sẽ làm đối soát và thanh toán cho người bán.

Chỉ sau 4 tháng hoạt động, tháng 10/2022, Piktina gọi vốn thành công 1 triệu USD từ Quỹ đầu tư mạo hiểm Touchstone Partners trong khuôn khổ vòng hạt giống. Với mô hình khởi nghiệp tinh gọn, CEO Nguyễn Hoàng Phương cho biết, start-up đang hoạt động ổn định và không quá lo lắng về vòng gọi vốn tiếp theo, nhưng luôn sẵn sàng đón nhận nếu có cơ hội.

Từ khi ra mắt đến nay, Piktina đã có 550.000 khách hàng, với hơn 450.000 sản phẩm được đăng bán. Đó có thể là những chiếc áo sơ mi, áo thun với giá chỉ 100.000 đồng, cho đến những chiếc túi xách hàng hiệu vài chục triệu đồng. Ứng dụng hướng đến phân khúc khách hàng thuộc giới trẻ, với 2 nhóm hoạt động mạnh mẽ nhất là 15 - 25 tuổi và 25 - 35 tuổi.

Đặc biệt, so với các sàn thương mại điện tử trên thị trường, tỷ lệ đổi/trả hàng tại Piktina thấp hơn khá nhiều. Nhà sáng lập lý giải, khách hàng tìm mua đồ second-hand phần lớn là những người có nhu cầu thực, bởi vậy ít khi xảy ra tình trạng “bom hàng”.

Ngoài ra, vì đã lường trước vấn đề đổi trả, nên Piktina chủ động xây dựng quy tắc cộng đồng rõ ràng với cả người mua và người bán. Một số trường hợp hoàn trả hàng xảy ra khi người mua không mặc vừa, hoặc người bán cung cấp thiếu thông tin, chứ không phải do sản phẩm kém chất lượng.

Hướng tới thời trang bền vững

Từng làm việc nhiều năm trong ngành thời trang, Hoàng Phương hiểu rõ, thời trang gây ra tác động tiêu cực với môi trường. Theo thông tin từ Liên hợp quốc, thời trang là ngành đứng thứ 2 về mức độ gây ô nhiễm môi trường, chỉ sau dầu mỏ. Ngoài ra, ngành này chiếm 8 - 10% lượng khí carbon phát thải, nhiều hơn lượng phát thải từ các máy bay và tàu thủy cộng lại.

Mỗi năm, có tới 100 tỷ sản phẩm may mặc được sản xuất mới trên thế giới, nhưng đến 80% trong số đó không được tái sử dụng và cuối cùng trở thành rác thải được chôn dưới lòng đất. Vì vậy, tại các quốc gia phát triển, xu hướng thời trang second-hand đã ra đời và lan tỏa mạnh mẽ, trở thành “chiếc phễu hứng” cho ngành thời trang first-hand (thời trang mới), trong bối cảnh người tiêu dùng thường không sử dụng hết vòng đời của một sản phẩm.

Còn tại Việt Nam, nhà sáng lập Piktina nhìn nhận, thị trường mua bán quần áo second-hand vẫn ở giai đoạn sớm; khởi đầu với một số cộng đồng mua bán đồ vintage (trang phục cổ điển), nhưng quy mô nhỏ lẻ, manh mún. Bằng việc áp dụng công nghệ, Piktina kết nối người mua và người bán để tạo thành một sân chơi rộng lớn, bài bản hơn, nhờ đó giá thành sản phẩm cũng hợp lý hơn.

“Piktina không đơn thuần chỉ là sàn thương mại điện tử cho quần áo cũ. Chúng tôi muốn tạo ra một cộng đồng trao đổi các món đồ thời trang second-hand, qua đó mọi người cùng hiểu về thời trang bền vững, thực hành thời trang bền vững…”, Hoàng Phương nói.

Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư, Hoàng Phương cho biết, vì thị trường còn rất mới mẻ, nên chị mong sẽ có thêm nhiều người tham gia cùng Piktina, từ đó tăng tỷ lệ thâm nhập của thời trang second-hand nói chung.

Năm 2023, Piktina đặt mục tiêu đạt 1,5 triệu lượt tải ứng dụng và khoảng 1 triệu lượt giao dịch qua ứng dụng. Xa hơn nữa, Nguyễn Hoàng Phương hướng đến mở rộng hoạt động mua bán, trao đổi đồ second-hand trên Piktina, không chỉ trong ngành thời trang, mà còn trong nhiều mảng khác của đời sống; không chỉ trong lãnh thổ Việt Nam, mà còn vươn ra khu vực Đông Nam Á.

Doanh nhân Võ Tấn Tình: Muốn tăng tốc, phải chuyển đổi số
Nếu không chuyển đổi số, doanh nghiệp logistics sẽ đánh mất nhiều cơ hội, thậm chí “thua ngay từ những bước chân đầu tiên”.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư