Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Nguyễn Thành Trung, nhà sáng lập Sky Mavis: Thay đổi “bộ mặt” thế giới tiền mã hóa
Anh Hoa - 05/02/2022 11:29
 
Khởi đầu cho làn sóng game kiếm tiền - “play to earn”, Nguyễn Thành Trung thực sự mang tới một trào lưu thú vị và đã làm thay đổi “bộ mặt” thế giới tiền mã hóa.
Nguyễn Thành Trung, nhà sáng lập Sky Mavis.

Kích hoạt một “trận động đất”

Năm 2021 là cột mốc đặc biệt với nhiều thành công đột phá của blockchain và thị trường tiền điện tử ở Việt Nam. Với việc cho ra đời tựa game Axie Infinity, Nguyễn Thành Trung đã lọt top 10 nhân vật ảnh hưởng nhất thế giới tiền mã hóa crypto. Bảng xếp hạng được công bố bởi CoinDesk - một trong những chuyên trang tin tức có ảnh hưởng trên thị trường tiền số hiện nay.

Nguyễn Thành Trung được xếp ngang hàng với những nhân vật đã nổi danh toàn cầu như Sam Bankman-Fried (CEO, nhà sáng lập sàn giao dịch FTX), tỷ phú người Mỹ Elon Musk và Roham Gharegozlou (CEO Dapper Labs). Chàng trai 9X này đã khởi đầu cho làn sóng game “play to earn”.

“Sự phát triển của game là một minh chứng phi thường cho thấy, mô hình này đã gây được tiếng vang lớn như thế nào với mọi người trên khắp thế giới. Nhóm Axie đã kích hoạt một ‘trận động đất’ trong game và ngành công nghiệp này giờ đây đã hoàn toàn thay đổi”, Arianna Simpson, đối tác a16z, nhà đầu tư dẫn dắt vòng gọi vốn gần đây nhất vào Sky Mavis nhận định.

Hiện Sky Mavis có khoảng 100 nhân viên với ít nhất 60 người trong số đó làm việc ở văn phòng tại Việt Nam. Sky Mavis đã qua 3 vòng huy động vốn, với tổng cộng 161 triệu USD. Riêng vòng gần đây nhất là 152 triệu USD (Series B), được dẫn dắt bởi a16z cùng sự tham gia của các quỹ đầu tư khác như Accel Partners, Paradigm. Với Trung, gọi được nhiều vốn thì sẽ dễ thực hiện các ý định hơn, bởi rất khó làm gì nếu không có đủ vốn. Nhưng nhiều khi, cầm nhiều vốn chưa chắc đã hiệu quả.

Chiến lược của Sky Mavis là hướng đến thị trường quốc tế và đến nay, Axie Infinity đã trở thành một sản phẩm công nghệ mang tầm vóc quốc tế. Số người chơi đến từ Việt Nam của Axie Infinity chỉ chiếm khoảng 3% tổng số người chơi.

Theo CoinDesk, thành công của Axie Infinity đã thúc đẩy ngành công nghiệp số tại Việt Nam, tạo việc làm cho không ít lao động địa phương và trở thành động lực cho làn sóng khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.

Tiếp nối sự thành công của Axie Infinity, nhiều dự án game khác của Việt Nam như Cyball, Sipher, Thetan Arena, Space Crypto hay Atlantis Metaverse cũng đã ra mắt và chuẩn bị “trình làng” trong thời gian tới. Đây sẽ là những dự án tiên phong cho thấy sức sáng tạo của người Việt Nam, cũng như mang đến cơ hội để Việt Nam tham gia sâu hơn vào nền kinh tế tiền mã hóa.

Được thai nghén từ 4 năm trước, thế nhưng, phải đến một năm gần đây, Axie Infinity mới được nhiều người biết đến. Ngoài độ hấp dẫn của game, Axie Infinity còn gây ấn tượng mạnh bởi tổng giá trị vốn hóa của AXS (token tiện ích của tựa game này) đã vượt mốc 10 tỷ USD. Tựa game Việt hiện thu hút khoảng 2 triệu người chơi hoạt động mỗi ngày.

Theo thống kê của DappRadar, Axie Infinity hiện xếp thứ 5 trong bảng xếp hạng các ứng dụng phi tập trung phổ biến nhất thế giới. Tổng lượng giao dịch mua bán các nhân vật trong game đã lên tới gần 3,9 tỷ USD. Axie Infinity đang chờ cán mốc 4 tỷ USD.

Chơi game nhưng vẫn kiếm được tiền, đó là lý do khiến Axie Infinity trở thành một hiện tượng toàn cầu và mở đầu cho làn sóng chơi game kiếm tiền trên thị trường tiền mã hóa.

“Chúng tôi mới chỉ xong phần nền móng. Con đường còn rất dài với rất nhiều bài toán phải giải quyết để làm sao đưa game blockchain này đến với đông đảo người dùng và tồn tại lâu dài nhất có thể”, Trung chia sẻ.

Các thành viên sáng lập Sky Mavis.

“Ghét của nào, trời trao của đấy”

Trung khởi nghiệp với Axie Infinity năm 2018, với suy nghĩ sẽ phát triển tốt hơn game mình đang chơi. Thời điểm bắt đầu, Trung chủ yếu làm vào ban đêm, sau khi kết thúc công việc chính ở công ty. Một thời gian sau, anh quyết định nghỉ việc để dồn toàn lực cho Axie.

Trung từng rất ghét blockchain (công nghệ chuỗi - khối, cho phép truyền tải dữ liệu một cách an toàn dựa trên hệ thống mã hóa phức tạp), bởi trước đó, có nhiều vụ ICO (đợt phát hành tiền điện tử đầu tiên) nổi lên với vô số thông tin lừa đảo, làm giàu nhanh...

Nhưng đúng là “ghét của nào, trời trao của đấy”. Trung tình cờ tiếp xúc với một game blockchain và gặp hai trong số 4 bạn đồng sáng lập của Công ty hiện nay, khi chơi game.

Axie Infinity là tựa game được xây dựng với bối cảnh là một vũ trụ của các thú cưng (được gọi là các Axie). Người chơi Axie Infinity sẽ điều khiển đội quân Axie của mình để “chiến đấu” với những người chơi khác và nhận về phần thưởng. Họ có thể trao đổi, mua bán các nhân vật với nhau và quy điểm thưởng trong game ra tiền bằng việc bán cho những người chơi khác nhờ công nghệ blockchain. Họ cũng có thể “lai tạo” các Axie để cho ra đời những nhân vật mới.

Không chỉ bao gồm giới đầu tư tiền mã hóa, các game thủ của Axie Infinity rất đa dạng, có đủ mọi thành phần, từ dân công nghệ, nhân viên văn phòng, các bà nội trợ cho đến những người bị mất việc làm do Covid-19. Nhiều người tại Philippines, Malaysia, Venezuela, Mỹ… đã sống sót qua đại dịch nhờ số tiền kiếm được từ việc “cày” game Axie Infinity.

500.000 USD là số vốn đầu tiên mà Trung đã gọi thành công từ cộng đồng. Thay vì vui sướng như nhiều start-up, Trung lại thấy áp lực rất lớn. Sau mấy đêm mất ngủ, anh quyết định phải xây dựng Axie “cho ra trò” và nhận được sự đồng hành của 4 người anh em, đồng nghiệp.

Axie Infinity đã ra đời như thế. 3 trong 5 thành viên sáng lập của dự án là người Việt, ngoài ra còn có một người Mỹ và một người Na Uy. Hầu hết các nhân sự trong độ tuổi từ 20 - 35, bởi bài toán mà Trung đang giải quyết khớp với tầm tuổi đó.

Nhiều người vẫn cho rằng, Axie Infinity hay Sky Mavis là một công ty game, nhưng lượng công việc ngoài game chiếm đến 2/3 tổng khối lượng công việc mà nhóm này đang làm.

Giữa năm 2021, thị trường công nghệ Việt Nam gọi tên Nguyễn Thành Trung là tỷ phú công nghệ mới của Việt Nam. Tên tuổi, hình ảnh Trung xuất hiện dày đặc trên mặt báo trong và ngoài nước.

Ngay sau đó, Trung phải đính chính để dư luận hiểu rõ hơn về cách tính con số và khái niệm vốn hoá. Con số vốn hóa mà mọi người biết là tính tổng của các nhà đầu tư, của cả cộng đồng. Tại thời điểm lượng vốn hóa đạt 2,5 tỷ USD, Sky Mavis chiếm khoảng 21%, con số chính xác này sẽ thay đổi khi lượng vốn hóa thay đổi. Trong số 21% này, Sky Mavis cũng không sở hữu ngay trong tay mình, mà nó sẽ được mở dần khi Công ty phát triển game đến một mức độ nhất định.

“Tôi rất thoải mái với việc chia sẻ thông tin, nhưng cái gì cũng phải đúng, để mọi người hiểu đúng, hơn là cứ tập trung vào những khái niệm sai”, Trung chia sẻ.

Rồi sau đó, mọi người lại gọi Trung là “thiên tài ẩn dật”. Điều này cũng không hẳn đúng. Anh chỉ cố gắng tập trung vào công việc của mình nhiều hơn là đi ra ngoài nói nhiều về những thứ mình chưa làm được. Trước đây, Trung dành rất nhiều thời gian cho công việc, anh thường làm việc từ 16 - 18 tiếng mỗi ngày, nhưng hiện tại, con số này cũng giảm bớt một chút, vì nếu quá tập trung vào công việc cụ thể, sẽ ảnh hưởng tới việc ra quyết định.

Quy mô của Sky Mavis ngày càng lớn, Công ty vẫn tiếp tục tuyển thêm những nhân sự có thể làm nhiều việc cùng lúc, nhưng luôn phân chia công việc rõ ràng. Mỗi thành viên đồng sáng lập giữ một “trận địa”, không dẫm chân lên nhau, nhưng rất hiểu nhau và có thể cùng nhau ra quyết định rất nhanh.

“Người Việt có thể làm được nhiều thứ, nhất là liên quan kỹ thuật, nhưng để làm cả một sản phẩm lớn, vòng đời rộng, thì cần nhiều tư duy về sản phẩm. Tôi khá tự tin có thể làm việc với họ để nâng tầm sản phẩm lên và cùng nhau làm được những điều lớn hơn”, Trung chia sẻ về những thành viên đồng sáng lập.

Trong suốt cuộc trò chuyện với chúng tôi, Trung nhiều lần dùng từ “cẩn trọng”. Chẳng hạn, các nhà làm chính sách nên cẩn trọng trong xây dựng hành lang pháp lý cho công nghệ blockchain, bởi nếu tồn tại lỗ hổng chính sách, sẽ tạo cơ hội cho những mục đích xấu, như rửa tiền… Nhà đầu tư, người chơi game để kiếm tiền khi tham gia thị trường này cũng phải rất cẩn trọng, không nên chạy theo giá trị ngắn hạn.

“Người chơi, nhà đầu tư khi đưa ra quyết định nên hiểu rõ mình muốn gì. Hiện nay, có nhiều người đi theo quyết định của người khác, nhưng không thực sự hiểu rõ quyết định đó. Điều này cực kỳ nguy hiểm”, Trung nói.

Tầm nhìn của một doanh nhân công nghệ

Là nhà sáng lập, giám đốc điều hành, nhưng Trung vẫn chưa quen khi nghe ai đó gọi mình là “doanh nhân”. Dù đã trải qua quá trình chuyển đổi, học hỏi về công tác điều hành, nhưng ẩn sâu trong con người anh vẫn là một người làm công nghệ, quan tâm đến sản phẩm, chất lượng nhiều hơn.

“Người làm kỹ thuật nhiều khi không muốn đối mặt với vấn đề quản trị con người, mà chỉ muốn phát triển về mặt công nghệ, kỹ thuật. Mong muốn của tôi là gây dựng doanh nghiệp, tạo ra những sản phẩm có tác động đến xã hội, tạo lập thị trường. Sản phẩm tốt vẫn là yếu tố cốt lõi nhất. Còn ở góc độ lãnh đạo doanh nghiệp, tôi sẽ tập trung vào việc duy trì văn hóa tổ chức, để Công ty dù đông nhân viên, đa văn hóa, nhưng mọi người đều nắm được cách thức hoạt động, hiểu sản phẩm mình cần làm là gì và hướng đến sứ mệnh chung”, Trung chia sẻ.

Bởi vậy, điều Trung cần ở đội ngũ nhân sự đồng hành là sự nghiêm túc, chỉn chu với công việc và có đạo đức. Với anh, yếu tố đạo đức cực kỳ quan trọng, nên mỗi khi tuyển dụng nhân sự mới, anh đều chọn lọc rất kỹ, bởi Sky Mavis hoạt động trong lĩnh vực khá nhạy cảm, mục tiêu của Công ty là phát triển, khẳng định uy tín lâu dài.

Trong mắt đồng nghiệp, Trung là người khó tính và rất chỉn chu… Nhân viên mới chịu ảnh hưởng rất nhiều bởi tư duy của anh. Trung không đặt ra yêu cầu nhân viên phải hoàn hảo ngay từ đầu, mà luôn tạo cho họ không gian thể hiện năng lực, có thể làm sai, để từ đó phát triển. Điều anh cần là họ làm việc có trách nhiệm, suy nghĩ nghiêm túc.

“Tôi muốn mọi người biết đến Sky Mavis là một doanh nghiệp làm nghiêm túc, chỉn chu, có tầm nhìn lâu dài”, Trung bày tỏ.

Thị trường game blockchain đang có nhiều “điểm nóng”, thu hút sự quan tâm từ công chúng và nhận được nhiều “tài nguyên” như vốn, tài năng công nghệ… Theo Trung, sự phát triển của công nghệ là câu chuyện hàng thập kỷ. Những năm gần đây, công nghệ phát triển nhanh vì nhiều nguyên nhân, đại dịch Covid-19 bùng phát càng thúc đẩy quá trình này nhanh hơn, nhưng theo thời gian, nó sẽ trở về quỹ đạo. Chỉ những công ty thực sự nghiêm túc, phát triển những sản phẩm mang lại giá trị thực sự mới có thể tồn tại lâu dài.

Trao đổi với Nguyễn Thành Trung

Mê game giúp ích gì cho Trung?

Tôi học được quá nhiều thứ từ game: tiếng Anh, phản xạ, kỹ năng phân tích và giải quyết vấn đề trong thời gian giới hạn, khả năng làm việc nhóm…

Nếu biết chọn game có tính giáo dục và tương tác cao, sẽ giúp cho quá trình học hiệu quả, vui vẻ hơn, nhưng cũng cần phải kiểm soát thời gian.

Trung thích những loại game gì?

Tôi thích game dùng chiến thuật, suy nghĩ, cần nhiều kỹ năng phản xạ, cạnh tranh, có thể chơi cùng đồng đội. Những game này giúp ích cho tôi rất nhiều trong cách tư duy sản phẩm mới và điều hành công ty.

Bố mẹ Trung có hình dung con trai mình sẽ “nổi tiếng” thế này không?

Bố mẹ vẫn biết tôi thích làm những gì liên quan đến công nghệ, máy tính, lập trình, cũng biết tôi rất mê game, nhưng cũng bất ngờ về những điều tôi đã làm được. Gia đình tôi cũng được “quan tâm” hơn, nhưng không có quá nhiều biến động.
Dương Xuân Phi: Từ “Kẻ Lang Thang” tới Nhà sáng lập mạng xã hội du lịch, khát vọng vươn tầm thế giới
Không có chuyên môn về công nghệ nhưng lại làm công nghệ, Dương Xuân Phi hiện là Giám đốc điều hành Công ty Công nghệ Uto Tech, nhà sáng lập mạng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư