Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 03 tháng 01 năm 2025,
Nhà đầu tư đến Việt Nam kiếm lợi nhuận cao hơn
Anh Hoa - 11/11/2020 08:03
 
Khu vực châu Á đang “om” lượng vốn khủng và nhiều nhà đầu tư nước ngoài tìm đến Việt Nam để kiếm lợi nhuận cao hơn.
TIN LIÊN QUAN
Công trình điện mặt trời áp mái do Copper Mountain Energy (CME) xây dựng, vận hành.
Công trình điện mặt trời áp mái do Copper Mountain Energy (CME) xây dựng, vận hành.

Một năm bận rộn

Đối với Brook Taylor, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Quản lý quỹ VinaCapital, 2020 là năm đầy thách thức với cả thế giới, nhưng lại là năm bận rộn của đội ngũ VinaCapital.

“Chúng tôi đã nhanh chóng thích nghi với các tình huống chưa từng có tiền lệ và tiếp tục tập trung vào việc thực hiện các cam kết của mình đối với các nhà đầu tư, đồng thời nhanh chóng triển khai các ý tưởng đầu tư mới”, ông Brook Taylor chia sẻ tại Hội nghị đầu tư thường niên theo hình thức trực tuyến của VinaCapital.

Độ hào hứng của ông và các cộng sự tại VinaCapital được thúc đẩy bởi lòng tin vững chắc của các nhà đầu tư vào thị trường Việt Nam và sự hỗ trợ của họ cùng các đối tác trong nước và trên khắp thế giới.

4 tuần tổ chức lần lượt các phiên trao đổi trực tuyến của Hội nghị là thời gian để VinaCapital tiếp tục khẳng định, Việt Nam luôn là một điểm đến đầu tư hấp dẫn bất chấp những diễn biến của thế giới.

“Các quỹ của chúng tôi vẫn ghi nhận kết quả tăng trưởng tốt trong năm 2020, trong đó VOF là quỹ chuyên đầu tư vào Việt Nam đạt hiệu quả hoạt động tốt nhất tính từ đầu năm đến nay”, ông Andy Ho, Giám đốc điều hành, kiêm Trưởng bộ phận đầu tư của VinaCapital cho biết.

Để được như vậy, dĩ nhiên, quỹ này phải mang lại nhiều cơ hội đầu tư hứa hẹn sinh lời cho các nhà đầu tư.

Chẳng hạn, mới đây, VinaCapital đã niêm yết chứng chỉ quỹ ETF VinaCapital VN100 tại Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) với mã giao dịch FUEVN100. Quỹ này giúp nhà đầu tư tiếp cận được các công ty lớn và vừa thuộc các ngành kinh tế khác nhau đang được niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Theo đó, nhà đầu tư có một công cụ đầu tư hiệu quả với chi phí thấp. Nhà đầu tư cũng có thể mở rộng đầu tư vào các cổ phiếu đang tăng trưởng, mà trước đó có thể bị giới hạn bởi tỷ lệ sở hữu nước ngoài.

Ngoài ra, Quỹ VOF của VinaCapital đầu tư 26,7 triệu USD để sở hữu 30% cổ phần của Bệnh viện Đa khoa quốc tế Thu Cúc. Đây là một trong những bệnh viện tư nhân có quy mô lớn tại Hà Nội…

Dòng vốn lớn vẫn tìm kênh đầu tư

Ông Andy Ho tiết lộ, nhiều nhà đầu tư tổ chức lớn trên thế giới đang có rất nhiều tiền nhàn rỗi và không thực sự cần thiết để rút tiền về. Tức là, một lượng tiền lớn của nhóm này vẫn còn ở châu Á và đang tìm kênh đầu tư, với minh chứng là những đợt IPO của các doanh nghiệp lớn cực kỳ thành công, diễn ra liên tục trong 9 tháng qua.

Riêng Việt Nam, thị trường chứng khoán vẫn còn nhiều cơ hội. Điều nhà đầu tư ngoại cần là Việt Nam có hàng để mua, hàng phải có cơ sở nền tảng tốt, và còn room ngoại… Như vậy, thị trường chứng khoán Việt Nam dự kiến sẽ hút mạnh dòng vốn khi được nâng hạng từ cận biên lên mới nổi.

Dòng vốn đầu tư gián tiếp sẽ đổ mạnh vào thị trường vốn, thông qua giao dịch cổ phiếu và trái phiếu, hoặc đầu tư vào cổ phần tư nhân hay thông qua các quỹ đầu tư mạo hiểm. Hiện tại, mảng năng lượng và hạ tầng được các nhà đầu tư lớn trên thế giới quan tâm nhất, đặc biệt các nhà đầu tư Mỹ, châu Âu.

Báo cáo về dòng vốn đầu tư toàn cầu của Công ty Chứng khoán SSI cho thấy, có 3 yếu tố lớn nhất tác động đến diễn biến dòng vốn toàn cầu, gồm làn sóng dịch bệnh lần 2, bầu cử Tổng thống Mỹ và nguy cơ bong bóng cổ phiếu công nghệ trên thị trường chứng khoán Mỹ.

Các chuyên gia đầu tư từ VinaCapital cho rằng, về trung hạn, khi ông Biden làm Tổng thống Mỹ, khả năng dòng vốn đầu tư gián tiếp vào Việt Nam vẫn tốt. “Có rất nhiều tiền lẫn cơ hội ở châu Á, nên nhà đầu tư có thể sẽ tìm đến Việt Nam để kiếm lợi nhuận cao hơn”, ông Andy Ho cho biết.

Thực tế thời gian qua, các dòng vốn ngoại rút khỏi châu Á do nhận thấy rủi ro. Tuy nhiên, dấu hiệu tích cực đang quay trở lại. Theo nhận định của SSI, diễn biến dòng vốn đầu tư toàn cầu tươi sáng hơn trong tuần cuối cùng của tháng 9, khi có tới 11 tỷ USD vốn đổ vào các quỹ cổ phiếu cả ở các thị trường phát triển và thị trường mới nổi, cao gấp 5 lần dòng vốn vào trái phiếu.

Tuy nhiên, dòng vốn vào các thị trường cận biên vẫn kém khả quan (rút ròng 9 tuần trong tổng cộng 10 tuần gần đây).

Riêng tại thị trường Việt Nam, khối ngoại vẫn bán ròng trên sàn chứng khoán. “Mặc dù một số quỹ đầu tư lớn vẫn duy trì quan điểm khá tích cực với thị trường chứng khoán Việt Nam trong các báo cáo nhà đầu tư, nhưng hiện chưa nhìn thấy các chuyển biến rõ rệt trong xu hướng dòng tiền chủ động tại Việt Nam”, chuyên gia của SSI nhận định.

Trong khi đó, các chuyên gia đầu tư từ VinaCapital cho hay, thông thường, 2 năm trước khi nâng hạng, dòng tiền ngoại sẽ đổ vào, dẫn đến chỉ số tại thị trường đó tăng mạnh. Nút thắt về room ngoại được kỳ vọng tháo gỡ trong thời gian tới khi khái niệm chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết (NVDR) được đưa vào dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi).

Điều này báo hiệu dòng tiền ngoại sẽ sớm quay về, thậm chí tăng cường đổ vào thị trường chứng khoán Việt Nam. Trong đó, có khoảng 6.000 tỷ USD mà các nước bơm vào nền kinh tế để hỗ trợ phục hồi kinh tế được cho là “núi” tiền khủng mà các quỹ đầu tư cần vợt được từ các ngân hàng toàn cầu.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư