Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Nhà đầu tư rút vốn khỏi Nhiệt điện Phả Lại
Duy Bắc - 03/10/2024 08:15
 
Khi nhiệt điện than không còn là ưu tiên phát triển nguồn điện, các nhà đầu tư đang bán ra và giảm đầu tư tại Công ty cổ phần Nhiệt điện Phả Lại.
Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại.

Từ ngày 27/8 đến 24/9, Công ty TNHH Năng lượng REE (công ty con của Công ty cổ phần Cơ Điện Lạnh) đăng ký bán ra 2 triệu cổ phiếu PPC của Công ty cổ phần Nhiệt điện Phả Lại để giảm sở hữu từ 66,49 triệu cổ phiếu (20,74% vốn điều lệ) về 64,49 triệu cổ phiếu (20,11% vốn điều lệ).

Trước đó, từ ngày 19/1 đến 14/8, Công ty TNHH Năng lượng REE liên tục bán ra cổ phiếu PPC để giảm sở hữu từ 23,5% về 20,74% vốn điều lệ, tương ứng giảm 2,76% vốn điều lệ tại Công ty cổ phần Nhiệt điện Phả Lại.

“Công ty đang lên kế hoạch thoái vốn khỏi nhiệt điện và lựa chọn thời điểm để thoái. Thực ra, nếu giữ để nhận cổ tức vẫn tốt, nhưng Công ty muốn tập trung vào năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, vì vậy vẫn lên kế hoạch thoái vốn tại đây. Riêng đối với điện gió, đây là lĩnh vực mũi nhọn, Công ty sẽ tìm kiếm cơ hội đầu tư, hợp tác triển khai dự án”, bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Chủ tịch HĐQT Cơ Điện Lạnh chia sẻ.

Không chỉ nhóm cổ đông Cơ Điện Lạnh, ngày 10/9, Quỹ Samarang Ucits - Samarang Asian Prosperity (Luxembourg) bán ra 50.000 cổ phiếu PPC để giảm sở hữu từ 22,47 triệu cổ phiếu (7,01% vốn điều lệ), về 22,42 triệu cổ phiếu (6,99% vốn điều lệ).

Theo tìm hiểu, từ năm 2002, sau khi đưa vào vận hành tổ máy số 6 (dây chuyền 2), Công ty cổ phần Nhiệt điện Phả Lại không triển khai thêm nhà máy mới và đang sở hữu tổng công suất 1.040 MW. Do Nhà máy đi vào vận hành nhiều năm, chi phí khấu hao và chi phí lãi vay đã giảm xuống mức thấp, nên Công ty không có khả năng cải thiện biên lợi nhuận ròng từ tiết giảm hai chi phí này và không có khả năng mở rộng công suất khi lĩnh vực đang không được ưu tiên phát triển.

Tuy nhiên, trong Báo cáo kiểm toán bán niên năm 2024, Công ty TNHH Kiểm toán Deloitte Việt Nam đưa ra vấn đề cần nhấn mạnh. Theo đó, trong năm 2023, Công ty cổ phần Nhiệt điện Phả Lại chịu mức nộp phạt hành chính về vi phạm môi trường cùng với hình phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động trong vòng 12 tháng kể từ ngày Bộ Công thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam giao nhiệm vụ, đấu thầu giao nhiệm vụ, chỉ định đơn vị hoặc lựa chọn được nhà thầu khác cung ứng điện thay thế nguồn điện huy động từ Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại.

Tại thời điểm Báo cáo tài chính bán niên năm 2024, Công ty cổ phần Nhiệt điện Phả Lại đang thực hiện các biện pháp khắc phục và tiếp tục hoạt động sản xuất theo kế hoạch huy động nguồn điện cho năm 2024, khả năng hoạt động liên tục phụ thuộc vào việc cơ quan có thẩm quyền phê duyệt phương án khắc phục vi phạm môi trường.

“Những điều kiện này cùng với các vấn đề khác trình bày tại thuyết minh số 2 cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của Nhiệt điện Phả Lại”, Kiểm toán Deloitte Việt Nam nhấn mạnh.

Nói về bài học môi trường, ông Mai Quốc Long, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Nhiệt điện Phả Lại nhấn mạnh: “Công ty đã, đang khẩn trương hoàn thiện các công trình liên quan đến khí, phát thải như hệ thống lọc bụi tĩnh điện các dây chuyền, hệ thống khử lưu huỳnh của dây chuyền 2 để hạn chế thấp nhất cho rủi ro về khí phát thải và đảm bảo các quy định về khí phát thải”.

Nhiệt điện Phả Lại bị kiểm toán nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục
CTCP Nhiệt điện Phả Lại (mã PPC – sàn HoSE) tiếp tục lãi thêm 251,23 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2024 nhưng vẫn bị kiểm toán nghi ngờ về khả...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư