Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Nhà mạng chạy đua thương mại hóa 5G
Hữu Tuấn - 07/05/2020 14:23
 
Mỗi nhà mạng đang chọn cho mình một điểm đột phá tiếp cận khách hàng khi “giờ G” thương mại hóa 5G đang đến rất gần.
.
Ngày 24/4, MobiFone đã kết thúc thử nghiệm mạng 5G theo giấy phép được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp.

Viettel “chạy nước rút”

Nếu không xảy ra dịch Covid-19 khiến Giải đua xe F1 - Vietnam Grand Prix 2020 phải hoãn lại, thì Viettel sẽ là nhà mạng “nổ phát súng” 5G đầu tiên tại Việt Nam. Trước đó, theo kế hoạch, ngay trong ngày khai mạc Giải đua xe F1 tại Mỹ Đình (Hà Nội) vào đầu tháng 4/2020, Viettel sẽ chính thức triển khai thương mại dịch vụ 5G đầu tiên bằng việc cung cấp hạ tầng 5G cho Giải và ứng dụng 5G trong công nghệ thực tế ảo (VR), thực tế tăng cường (AR).

Ông Tào Đức Thắng, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Viettel cho biết, ứng dụng đầu tiên của 5G là Internet băng rộng trên điện thoại di động và với thế mạnh về công nghệ, 5G có tốc độ có thể thay thế cáp quang. Đặc biệt, 5G hỗ trợ cho các dịch vụ VR/AR vào các ứng dụng phẫu thuật trực tuyến, phát triển các dịch vụ ô tô không người lái...

Trong thời gian qua, Viettel đã tự thiết kế, sản xuất thành công thiết bị 5G và đang hoàn thiện tối ưu tốc độ 5G. Dự kiến, trong tháng 6/2020, Viettel sẽ thương mại hóa 5G Microcell và chỉ một năm sau (tháng 6/2021) sẽ thương mại hóa 5G Microcell trên toàn mạng lưới.

“Thế giới vẫn chưa hoàn thiện chuẩn 5G, Viettel đã nghiên cứu các phương án và cho phép triển khai đồng thời nhiều hướng nghiên cứu về 5G, cho phép song hành cùng thế giới về 5G. Để đạt được mục tiêu thương mại hóa giai đoạn I với trạm 5G Microcell vào tháng 6/2020, Viettel phải hoàn thành 4 bước quan trọng”, ông Hoàng Sơn, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Viettel nhấn mạnh.

Bốn bước mà ông Sơn đề cập bao gồm: lựa chọn công nghệ chính xác; tập trung nghiên cứu công nghệ lõi và đẩy nhanh thử nghiệm trạm 5G tự sản xuất, tạo ra sản phẩm mạng 5G chất lượng cao; phối hợp với các đơn vị nghiên cứu chuyên ngành trong và ngoài nước để giải quyết bài toán công nghệ 5G; đăng ký quyền sở hữu trí tuệ và sáng chế ở Việt Nam cũng như quốc tế.

VNPT lên kế hoạch sản xuất thiết bị mạng 5G

Không riêng Viettel, VNPT cũng đang xây dựng kế hoạch sản xuất các thiết bị 5G, trong đó có thiết bị small cell để từng bước làm chủ trong mảng này giống như đã làm đối với mạng 2G, 3G, 4G và băng rộng cố định trước đây. Ông Phạm Đức Long, Tổng giám đốc VNPT chia sẻ, Tập đoàn chỉ lựa chọn sản xuất những thiết bị có số lượng đặt hàng lớn, thậm chí, có thể xây dựng nhà máy sản xuất để đáp ứng các đơn hàng.

“Không lâu nữa, mạng Internet 5G VinaPhone sẽ được cung cấp tới các hộ gia đình, thay thế hệ thống cáp quang. VNPT sẽ cung cấp data 5G siêu tốc độ đưa các gói dịch vụ truyền hình, video 4K/8K, vô tuyến cố định cho doanh nghiệp, hộ gia đình tại những nơi không có cáp quang. Điều này đặc biệt có ý nghĩa trong việc đưa Internet đến vùng sâu, vùng xa, khu vực khó khăn, góp phần tạo dựng nền tảng để thực hiện chuyển đổi số đến tận thôn, xóm, làng bản ở các vùng miền”, ông Phạm Ngọc Tú, Trưởng ban Nghiên cứu và Phát triển thị trường (Tổng công ty Dịch vụ viễn thông VNPT VinaPhone) tiết lộ.

Đó chỉ là một trong số rất nhiều ứng dụng của 5G mà VNPT sẽ cung cấp trong thời gian tới. Với tốc độ download mạng VinaPhone 5G đạt hơn 2,2 Gbps, nhanh gấp 10 lần so với mạng 4G và có độ trễ bằng khoảng 1/5 so với 4G, VNPT sẽ cung cấp 5G phục vụ các ứng dụng của đời sống như tương tác VR/AR, trò chơi trực tuyến sử dụng băng thông siêu tốc độ Cloud Game, video 8K…

Không chỉ cung cấp dữ liệu 5G siêu tốc độ cho các lĩnh vực giải trí, sản xuất kinh doanh, giao thông vận tải, y tế, giáo dục..., VNPT còn phục vụ các nền tảng chính phủ điện tử, đô thị thông minh, chính phủ số.

Cùng với đó, VNPT đang chuẩn bị cho việc tự sản xuất thiết bị 5G để làm chủ công nghệ, phục vụ cho chính Tập đoàn và xuất khẩu.

MobiFone phát triển hệ sinh thái sản phẩm

Trong khi đó, ngày 24/4, MobiFone đã kết thúc thử nghiệm mạng 5G theo giấy phép được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp.

Một trong những ứng dụng giai đoạn đầu của 5G là nhà máy thông minh, là công nghệ cao. Ở đó, rất nhiều công nghệ mới 5G đang được sử dụng. Các nhà mạng phải sớm thử nghiệm để năm 2020 có thể phủ sóng toàn bộ các khu công nghệ cao, các trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia, các nhà máy sản xuất thông minh.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng

MobiFone cho biết, sẽ cung cấp dịch vụ 5G với các ứng dụng dữ liệu tốc độ siêu cao  phục vụ thông tin giải trí như truy nhập web; nghe nhạc, xem video trực tuyến (HD, UHD, 4K…); trò chơi trực tuyến, AR/VR… Trên nền tảng băng tần thế hệ mới này, MobiFone sẽ đẩy mạnh phát triển hệ sinh thái sản phẩm có thể khai thác hiệu quả các tính năng ưu việt của công nghệ mạng 5G như ứng dụng đa kết nối Internet vạn vật giám sát môi trường, nông nghiệp, thanh toán trực tuyến; ứng dụng độ trễ thấp trong tự động hóa, ô tô tự lái…

“Song song với việc nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng về dịch vụ di động nói chung và dịch vụ data nói riêng, MobiFone phát triển công nghệ 5G còn nhằm hướng tới việc xây dựng thành phố thông minh, giúp các tòa nhà trở nên thông minh hơn”, đại diện MobiFone tiết lộ.

Trên thực tế, sau khi hoàn thành thử nghiệm 5G, các nhà mạng đang tiếp tục thử nghiệm, lựa chọn công nghệ lõi và tối ưu mạng lưới, lên kế hoạch kinh doanh, cung cấp các dịch vụ, chỉ chờ Bộ Thông tin và Truyền thông cấp giấy phép là chính thức triển khai, bắt đầu “cuộc đua” thương mại hóa 5G.

“Quan trọng nhất là nhu cầu sử dụng của khách hàng, còn việc lắp đặt, phát sóng, cung cấp dịch vụ sẽ nhanh hơn 4G rất nhiều”, ông Phạm Đức Long nói.

Thúc sớm thương mại hóa mạng 5G
“Phải thương mại hóa 5G từ tháng 6/2020”, đó là nhiệm vụ mà Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng giao các nhà mạng tại...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư