Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 18 tháng 04 năm 2024,
Nhà mạng gồng mình với 34 triệu thuê bao đăng ký lại
Hữu Tuấn - 13/04/2018 08:00
 
Sau ngày 24/4/2018, thuê bao di động nếu không có thông tin cá nhân chính xác và ảnh chụp chân dung sẽ bị cắt liên lạc, vì vậy, các nhà mạng đang “gồng mình” phục vụ 34 triệu khách hàng.
TIN LIÊN QUAN

34 triệu thuê bao phải đăng ký lại thông tin

Theo Nghị định số 49/2017/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 24/4/2017, ngoài những thông tin như tên, số chứng minh thư nhân dân…,  thông tin người dùng di động còn phải bao gồm ảnh chụp người trực tiếp đến giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung.

Báo cáo mới nhất của Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, sau một năm ban hành Nghị định số 49/2017/NĐ-CP, đến nay, mới chỉ có 4 triệu/38 triệu thuê bao di động đã cập nhật thông tin theo quy định; còn 34 triệu thuê bao chưa có thông tin đầy đủ, chính xác và phải đăng ký lại.

.
.

VinaPhone cho biết, nhà mạng hiện có 31 triệu thuê bao, nhưng chỉ có 9,3 triệu thuê bao đầy đủ thông tin. Hiện, đã có 1,17 triệu thuê bao VinaPhone cập nhật lại thông tin, còn khoảng 20 triệu thuê bao cần cập nhật.

Viettel có 66,5 triệu thuê bao đang hoạt động, trong đó có 63,7 triệu thuê bao trả trước. Qua rà soát, có 35 triệu thuê bao Viettel đã đăng ký thông tin trước ngày 24/4/2017. Sau đó, có 12 triệu thuê bao đã cập nhật  thông tin. Viettel đã thực hiện  thông báo để các thuê bao thực hiện đăng ký lại. Đến hết tháng 3/2018, đã có 3,8 triệu thuê bao đăng ký lại thông tin.

Trong khi đó, MobiFone cho biết, hiện chỉ còn khoảng 4 triệu thuê bao chưa đăng ký đủ thông tin. Vietnamobile  có 3 triệu thuê bao, trong đó khoảng 40% đã đầy đủ thông tin theo quy định.

Nhà mạng “gồng mình” phục vụ

Thời điểm hiệu lực của Nghị định 49/2017/NĐ-CP đang đến gần, nên các nhà mạng gấp rút chạy đua với thời gian để phục vụ 34 triệu khách hàng bổ sung thông tin và ảnh chân dung. Không chỉ huy động toàn bộ hệ thống cửa hàng giao dịch, điểm cung cấp dịch vụ viễn thông…, một số nhà mạng còn lập cả tổ lưu động để phục vụ khách.

Theo Nghị định số 49/2017/NĐ-CP, sau ngày 24/4/2018, các cá nhân, tổ chức không thực hiện đúng yêu cầu về đăng ký thông tin, sẽ bị tạm dừng cung cấp dịch vụ viễn thông một chiều sau 15 ngày, kể từ ngày đầu tiên nhận được thông báo của doanh nghiệp viễn thông; bị tạm dừng cung cấp dịch vụ viễn thông hai chiều sau 15 ngày tiếp theo; và sẽ bị thanh lý hợp đồng, chấm dứt cung cấp dịch vụ viễn thông sau 30 ngày, kể từ ngày bị tạm dừng cung cấp dịch vụ viễn thông 2 chiều.

Ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó giám đốc Ban Khách hàng doanh nghiệp VinaPhone cho biết, VinaPhone đã tự phân loại và chủ động nhắn tin tới các thuê bao chưa đủ thông tin và ảnh. Ngoài điểm giao dịch, đại lý... thuê bao VinaPhone có thể gửi đăng ký thông tin, ảnh qua email: [email protected], hoặc qua ứng dụng (app) My VinaPhone. VinaPhone còn tăng giờ phục vụ tại các điểm giao dịch đến 21 giờ hàng ngày, mở thêm nhánh 3 của tổng đài 18001091 để hướng dẫn khách hàng.

Trong khi đó, MobiFone cho biết, các chủ thuê bao của mạng này có thể đến hơn 14.500 điểm cung cấp dịch vụ viễn thông do MobiFone ủy quyền hoặc truy cập website chính thức của MobiFone để cập nhật thông tin.

Cùng có chung nỗ lực hỗ trợ khách hàng, Viettel đã huy động hệ thống 2.000 cửa hàng, đại lý ủy quyền. Ngoài ra, thuê bao Viettel có thể bổ sung thông tin qua app My Viettel. Đáng chú ý, các nhà mạng đều cho biết, sẽ đến tận địa chỉ khi có yêu cầu, để cập nhật thông tin thuê bao cho khách là người cao tuổi, người khuyết tật.

Tạo thuận lợi cho khách hàng

Tại cuộc họp liên quan đến việc thực hiện Nghị định 49/2017/NĐ-CP của Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức chiều ngày 10/4, Cục Viễn thông cho biết, trên cơ sở đề nghị của các doanh nghiệp, việc thu hồi sim kích hoạt sẵn trên kênh phân phối được tạm dừng để tập trung triển khai bổ sung thông tin thuê bao.

Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn, do chưa có cơ sở dữ liệu công dân đầy đủ, nên phải dùng các biện pháp khác để đảm bảo công tác quản lý. Tuy nhiên, các nhà mạng phải có hướng dẫn cụ thể, tạo thuận lợi để người sử dụng dịch vụ viễn thông dễ dàng cập nhật thông tin. Bộ trưởng gợi ý, có thể vận dụng lấy ảnh chứng minh nhân dân làm ảnh chụp.

“Cần tìm cách triển khai sao cho linh hoạt nhưng vẫn đảm bảo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo thuận lợi cho khách hàng”, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn chỉ đạo.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư