Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 25 tháng 11 năm 2024,
Nhà mạng nóng lòng được triển khai 4G
Hữu Tuấn - 21/05/2016 08:46
 
Các nhà mạng lớn đề xuất gấp rút đấu thầu, bố trí băng tần để sớm triển khai 4G khi thời cơ đã chín muồi.

Sợ lỡ cơ hội nếu chậm triển khai 4G

Tại Hội thảo chuyên đề "Thiết lập hệ sinh thái năng động, sáng tạo cho sự phát triển bền vững của hạ tầng” do Bộ Thông tin và Truyền thông vừa tổ chức, VNPT và Viettel đã bày tỏ mong muốn sớm được triển khai cung cấp chính thức dịch vụ 4G trên băng tần 1800 MHz trong năm 2016.

Lý do mà các nhà mạng này sốt ruột với việc triển khai 4G là các nhà mạng đã hoàn thành thử nghiệp 4G, trong khi các bước tiếp theo để thương mại hóa 4G cần một lộ trình qua nhiều bước, nên chậm triển khai sẽ lỡ cơ hội.

VNPT đã thử nghiệm thành công 4G trên nền công nghệ LTE-Advanced tại TP.HCM và Phú Quốc. Ảnh: H.T
VNPT đã thử nghiệm thành công 4G trên nền công nghệ LTE-Advanced tại TP.HCM và Phú Quốc. Ảnh: H.T

VNPT cho biết đã thử nghiệm triển khai thành công 4G trên nền công nghệ LTE-Advanced tại TP.HCM và Phú Quốc. “VNPT đã sẵn sàng về mặt hạ tầng, công nghệ để triển khai 4G và sẽ triển khai rất nhanh nếu Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép”, lãnh đạo VNPT khẳng định.

Ông Đặng Đình Trang, Phó trưởng ban Công nghệ mạng (VNPT) đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông cho thu hồi sớm hệ thống băng tần vàng 700 Mhz tại một số địa phương thuộc giai đoạn 1 và 2 của Đề án Số hóa truyền hình để doanh nghiệp có thể triển khai 4G. Đồng thời, đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông cho phép triển khai 4G/LTE-Advanced trên băng tần 2G 1800 Mhz refarming ngay sau khi thử nghiệm xong; sau đó mở cho các doanh nghiệp triển khai LTE trên băng 2600 Mhz, với công nghệ LTE-A nhiều ưu việt như hiện nay để tối đa hóa hiệu quả sử dụng tài nguyên tần số.

“Đề nghị cấp phép triển khai sớm hơn, không nhất thiết phải đợi đến sau năm 2020, khi thu hồi hết mới cấp tần số. Chúng tôi rất mong Bộ Thông tin và Truyền thông có thể thông báo kế hoạch trước cho doanh nghiệp để doanh nghiệp chuẩn bị kế hoạch triển khai một cách chủ động", ông Trang kiến nghị.

Trong khi đó, ông Nguyễn Việt Dũng, Tổng giám đốc Viettel Telcom một lần nữa đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông sớm cấp phép 4G trong năm 2016.

Trước đó, Viettel đã nhiều lần kiến nghị Bộ Thông tin và Truyền thông sớm cấp phép 4G tại Việt Nam, với lý do nhiều nước trong khu vực đã triển khai 4G và các nhà mạng trong nước có nguy cơ bị chậm chân, lỡ cơ hội.

“Hiện tại, 40% tổng lượng thuê bao di động trong nước đã sử dụng 3G và Việt Nam là một trong số ít nước còn lại chưa triển khai 4G chính thức", ông Dũng giải thích.

Cấp phép 4G cho nhà mạng trong năm 2016

Ông Nguyễn Đức Trung, Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, đơn vị này đang xây dựng báo cáo trình lãnh đạo Bộ để chuẩn bị triển khai cấp phép 4G-LTE cho các nhà mạng trong năm 2016.

Theo ông Trung, để các doanh nghiệp tìm hiểu công nghệ, đánh giá nhu cầu thị trường, Bộ Thông tin và Truyền thông đã cho phép 4 doanh nghiệp thử nghiệm công nghệ 4G - LTE, gồm: VNPT, Viettet, MobiFone và FPT. Cục Viễn thông đang xây dựng báo cáo và đề xuất với lãnh đạo Bộ về việc cấp phép 4G - LTE cho các doanh nghiệp.

Đại diện Cục Tần số vô tuyến điện cho biết, theo chủ trương của Chính phủ và lộ trình dự kiến, Việt Nam sẽ cấp phép 4G LTE vào cuối năm 2016. Tuy nhiên, việc chuẩn bị triển khai đang  rất chậm. Các doanh nghiệp cũng đã nhiều lần kiến nghị việc này nhằm sớm triển khai 4G.

Theo Cục Tần số vô tuyến điện, đơn vị đã trình Dự thảo Hồ sơ mời thầu, nhưng theo Quy định, Hội đồng Đấu giá mới là đơn vị trình hồ sơ mời thầu. Do đó, việc sớm thành lập Hội đồng là rất cần thiết, nếu không, việc xây dựng hồ sơ mời thầu sẽ bị chậm.

Ông Đoàn Quang Hoan, Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện cho biết, sau khi cấp phép, doanh nghiệp cần khoảng 1 năm để triển khai đầu tư. Do đó, thời điểm sớm nhất để dịch vụ 4G có thể đến tay người dùng là năm 2018.

Giải pháp để tăng tốc cấp phép 4G, theo ông Hoan, là Bộ Thông tin và Truyền thông cần sớm cấp phép 4G LTE trên băng tần 1800 MHz để doanh nghiệp có điều kiện triển khai dịch vụ data. Hiện sở cứ và điều kiện đều đầy đủ để có thể thực hiện việc này. Riêng việc cấp phép 4G LTE trên băng tần 2600 MHz, người đứng đầu Cục Tần số cho biết, đơn vị đã trình lên lãnh đạo Bộ, kiến nghị sớm thành lập Hội đồng Đấu giá.

Ông Phan Tâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đồng tình với hướng triển khai cấp phép 4G LTE trên băng tần 1800 MHz trước.

 "Cục Viễn thông cần yêu cầu doanh nghiệp báo cáo kết quả thử nghiệm 4G, cũng như xây dựng văn bản hướng dẫn xây dựng hồ sơ xin cấp phép ra sao. Cố gắng theo đúng lộ trình đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo và xem xét cấp phép chậm nhất vào cuối quý III, đầu quý IV/2016”, ông Tâm chỉ đạo.

Tại buổi làm việc với Cục Viễn thông và Cục Tần số vô tuyến điện mới đây, ông Trương Minh Tuấn, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đã yêu cầu cập nhật thực tế quốc tế về việc cấp phép 4G cũng như cơ cấu thị trường viễn thông Việt Nam, xem xét nhu cầu của người dân, doanh nghiệp. Thời điểm và phương thức cấp phép cần đảm bảo sử dụng hiệu quả tài nguyên tần số và huy động được nguồn lực xã hội lớn.

Bộ trưởng cũng chỉ đạo 2 đơn vị này sớm xây dựng phương án cấp phép 4G trên băng tần 1800 MHz trong năm 2016, do sở cứ pháp lý và điều kiện đã sẵn sàng. Riêng với việc cấp phép 4G trên băng tần 2600 MHz, các đơn vị này cần nghiên cứu, xây dựng phương án, tính toán thời điểm phù hợp và khả thi nhất, trên cơ sở hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người sử dụng.

MobiFone âm thầm tung 18.000 sim 4G thử nghiệm tại 3 thành phố lớn
Ngày 19/5, MobiFone cho biết đã thử nghiệm thành công tại Hà Nội, TP. Đà Nẵng, TP. HCM sau 4 tháng triển khai.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư