Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 16 tháng 04 năm 2024,
Nhà mạng thỏa thuận cùng đầu tư hạ tầng 5G
Hữu Tuấn - 25/06/2020 10:22
 
Việc dùng chung, cùng đầu tư trạm BTS sẽ giúp các nhà mạng giảm chi phí đầu tư, tăng vùng phủ sóng, mang lại lợi ích lớn cho doanh nghiệp và người dùng.
Các nhà mạng dùng chung hạ tầng sẽ tiết kiệm được tiền đầu tư và giảm bớt số lượng công trình kỹ thuật.
Các nhà mạng dùng chung hạ tầng sẽ tiết kiệm được tiền đầu tư và giảm bớt số lượng công trình kỹ thuật.

Khắc phục lãng phí trong đầu tư

Cả nước hiện có hơn 260.000 trạm BTS với mức chi phí đầu tư 300 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/trạm, tùy vị trí. Vấn đề là từ trước đến nay, các nhà mạng đều tự đầu tư phục vụ chính trạm của mình, hãn hữu mới có thỏa thuận roaming giữa 2 nhà mạng trong một thời gian nhất định. Thế nên tình trạng “100 m2 có 3 trạm BTS” diễn ra phổ biến ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng... Tình trạng này kéo dài suốt nhiều năm nay, gây lãng phí trong đầu tư và vận hành trạm BTS, dù năm 2012, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có chủ trương dùng chung trạm BTS.

Ông Tào Đức Thắng, Phó tổng giám đốc Viettel cho biết: “Trước đây, các nhà mạng có tâm lý muốn giữ vị trí đắc lợi cho mình, người dân không muốn đưa thêm thiết bị lên cột đã cho thuê.  Để giải quyết vấn đề này, nhà mạng nào đã ký với hộ dân thuê trạm thu phát sóng phải đàm phán để dùng chung hạ tầng và bố trí lại các thiết bị”.

Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) Hoàng Minh Cường cũng cho biết, trước đây, một số doanh nghiệp viễn thông đã có những thoả thuận chia sẻ hạ tầng, song vấn đề chia sẻ sử dụng chung giữa các đơn vị vẫn chưa thực chất, dẫn đến hạ tầng không đồng bộ và ảnh hưởng đến mỹ quan, đặc biệt ở đô thị.

“Việc các doanh nghiệp viễn thông thiếu chia sẻ, sử dụng chung hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động (nhà trạm viễn thông, cột ăng ten, cột treo cáp, công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm) không chỉ làm giảm hiệu quả đầu tư, gây khó khăn trong công tác phát triển, xây dựng hạ tầng của chính doanh nghiệp viễn thông, mà còn gây ảnh hưởng không tốt đến cảnh quan môi trường, an toàn của người dân”, ông Cường đánh giá.

Để khắc phục tình trạng này, tháng 11/2019, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Chỉ thị 52/CT-BTTTT về việc tăng cường chia sẻ, sử dụng chung cơ sở hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động giữa các doanh nghiệp, nhằm tăng hiệu quả đầu tư của các doanh nghiệp, giảm bớt công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm, đảm bảo an toàn môi trường và an toàn của người dân.

Mới đây, VNPT đã ký kết thỏa thuận hợp tác về việc sử dụng chung hạ tầng phát triển mạng lưới với MobiFone, Viettel và Gtel. Theo đó, 4 nhà mạng đã thỏa thuận dùng chung hạ tầng 1.300 trạm BTS, ước tính tiết kiệm hơn 100 tỷ đồng chi phí đầu tư, vận hành hàng năm.

“Việc ký kết thỏa thuận chia sẻ sử dụng chung hạ tầng giữa các nhà mạng khẳng định quyết tâm của các doanh nghiệp trong triển khai chính sách, biện pháp dùng chung hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động nói chung và cột ăng ten, nhà trạm BTS nói riêng, góp phần tiết kiệm ngân sách cho Nhà nước và cho chính nhà mạng”, ông Cường nhấn mạnh.

Tiến tới hợp tác dùng chung trạm BTS 5G

Việt Nam đang trong thời điểm triển khai đầu tư hạ tầng cho công nghệ mới 5G. Tại Hàn Quốc, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2020 đã đầu tư 3,4 tỷ USD cho hạ tầng 5G, hay như Trung Quốc quyết định đầu tư gần 180 tỷ USD cho hạ tầng mạng 5G… Như vậy, chi phí đầu tư hạ tầng 5G tại Việt Nam sẽ rất lớn và nếu cùng dùng chung hạ tầng 5G, các nhà mạng sẽ giảm được khoản đầu tư cực lớn.

Việc dùng chung hạ tầng mạng sẽ mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp viễn thông và xã hội, từ đó mở ra tiềm năng cho phát triển xã hội số, kinh tế số.

Ông Nguyễn Trường Phi, Tổng giám đốc Gmobile cho rằng, sắp tới việc đầu tư 5G rất mạnh mẽ. Mục đích của mạng 5G là phục vụ nhu cầu cho Internet vạn vật (IoT) nên cần hạ tầng lớn và cần cả hạ tầng nhỏ như cột điện, đèn chiếu sáng, đèn tín hiệu… Vì vậy, Gtel muốn sử dụng chung hạ tầng với các nhà mạng khác để giảm chi phí đầu tư và tăng hiệu quả kinh doanh. 

Còn VNPT đề xuất không chỉ dừng lại ở vấn đề dùng chung trạm thu phát sóng, mà cần hợp tác sử dụng hạ tầng thiết bị 5G với cả các nhà mạng để tối ưu hiệu quả đầu tư, phục vụ khách hàng tốt hơn.

Ông Huỳnh Quang Liêm, Phó tổng giám đốc VNPT cho biết, sắp tới Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép 5G. Việc đầu tư cho mạng 5G rất lớn, VNPT kỳ vọng việc dùng chung hạ tầng mạng sẽ mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp viễn thông và xã hội, từ đó mở ra tiềm năng cho phát triển xã hội số, kinh tế số. Vừa qua, Singapore cũng đã yêu cầu và thống nhất phát triển hạ tầng 5G chia sẻ, chứ không chỉ cùng chia sẻ hạ tầng viễn thông và việc hợp tác này sẽ giúp khai thác đầu tư mạng lưới với chi phí thấp nhất.

“Tôi cho rằng, việc hợp tác dùng chung thiết bị 5G không đơn giản, nhưng công nghệ hiện nay cho phép chúng ta làm điều đó. Vì vậy, các nhà mạng có thể nghiên cứu để tiến thêm bước nữa trong hợp tác dùng chung thiết bị 5G, giải bài toán đầu tư và cùng nhau phát triển nhanh mạng 5G, chứ không chỉ dùng chung vị trí nhà trạm như hiện nay”, ông Liêm nói.

Còn ông Tào Đức Thắng thì cho biết, về cơ bản các nhà mạng đã gần phủ sóng 100% dân số, do vậy yếu tố cạnh tranh về hạ tầng không phải là điều kiện tiên quyết. Tuy nhiên, sắp tới khi triển khai phủ sóng mạng 5G và để đạt mục tiêu 5G len lỏi đến tận ngõ ngách thì việc dùng chung hạ tầng viễn thông là rất quan trọng và có ý nghĩa.

Theo Cục Viễn thông, ngay trong tháng 6 này sẽ có mẫu trạm BTS dùng chung, sau đó Cục sẽ khuyến cáo các doanh nghiệp xây dựng theo mẫu này. Tới đây, Cục Viễn thông sẽ thúc đẩy các nhà mạng dùng chung cáp trong tòa nhà.

Nhà mạng chạy đua thương mại hóa 5G
Mỗi nhà mạng đang chọn cho mình một điểm đột phá tiếp cận khách hàng khi “giờ G” thương mại hóa 5G đang đến rất gần.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư