Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Nhà máy sản xuất Soda Chu Lai nợ hơn 3.000 tỷ đồng
Hoàng Anh - 08/04/2018 08:56
 
Ông Nguyễn Hồng Quang – Chánh Văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, tỉnh đã gửi báo cáo số 10/BC-UBND đến Thủ tướng Chính phủ để báo cáo về tình trạng nợ của Nhà máy sản xuất soda Chu Lai.

Nhà máy sản xuất soda Chu Lai do Công ty CP sản xuất soda Chu Lai làm chủ đầu tư,  có công suất 200.000 tấn/năm đặt tại Khu công nghiệp Bắc Chu Lai (Quảng Nam). Dự án đầu tư 2.300 tỷ  đồng vốn, tạo nguồn việc cho 400 lao động tại chỗ, mục tiêu đóng 60 tỉ đồng thuế mỗi năm… 

 Đây là nhà máy sản xuất soda đầu tiên tại Việt Nam, được kì vọng sẽ thay thế hàng nhập khẩu, góp phần chủ động cung cấp nguyên liệu để sản xuất kính xây dựng, thủy tinh, công nghiệp tẩy rửa... Tuy nhiên chỉ vài tháng sau khi đi vào hoạt động, hệ thống xả thải của nhà máy gây ô nhiễm nghiêm trọng tới môi trường, nên tháng 8/2016 phải dừng hoạt động. Trước sự việc trên, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu tỉnh Quảng Nam báo cáo.

Theo báo cáo của UBND, đến thời điểm này Công ty CP sản xuất soda Chu Lai chỉ mới nộp được 292 triệu đồng trong tổng số 960 triệu đồng số tiền 2 lần xử phạt về hành vi gây ô nhiễm môi trường. Tiền thuê đất để xây dựng nhà máy, Công ty phải trả cho Nhà nước hơn 54 tỷ đồng, tuy nhiên đến nay chỉ mới trả được có 8 tỷ đồng nên hiện Công ty này chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và chưa có quyền sử dụng đất theo quy định. Mặc khác Công ty này đang lưu trữ một lượng lớn amoniac, tiềm ẩn nguy cơ rò rỉ ra bên ngoài.

Nhà máy Soda Chu Lai đã tàm dừng hoạt động.
Nhà máy Soda Chu Lai đã tàm dừng hoạt động.

Tính đến ngày 30-9-2017, Công ty này nợ các ngân hàng tạm tính hơn 2.856 tỷ. Trong đó, nợ Agribank hơn 2.000 tỷ và nợ PVcombank hơn 856 tỷ đồng. Ngoài ra, Công ty có trách nhiệm phải khấu trừ và nộp thay cho nhà thầu Trung Quốc là Cty TNHH Công trình Thiên Thần hơn 34 tỷ đồng; nợ Điện lực huyện Núi Thành hơn 7,8 tỷ đồng và nợ lương người lao động 6,4 tỷ đồng. Như vậy tính đến thời điểm này tổng số nợ của Công ty CP sản xuất soda Chu Lai là hơn 3.000 tỷ.

 Theo UBND tỉnh Quảng Nam, nguyên nhân nhà máy này không đi vào hoạt động chủ yếu chi phí đầu tư tăng, chủ đầu tư không huy động được nguồn vốn bổ sung để khắc phục những hạn chế về mặt kỹ thuật. Từ tháng 6-2017, Công ty đã tích cực tìm thêm các cổ đông mới góp vốn khôi phục dự án. Tuy nhiên, việc khôi phục dự án cần lượng vốn lớn khoảng 550-600 tỷ đồng để xử lý các hạn chế về kỹ thuật; trong đó, ưu tiên xử lý hệ thống xử lý nước thải, hoàn thành tất cả các nghĩa vụ tài chính và vốn để nhà máy đi vào hoạt động.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Quảng Nam, hiện Nhà máy Soda Chu Lai hiện nợ các tổ chức, cá nhân số tiền hơn 3.000 tỷ đồng.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Quảng Nam, hiện Nhà máy Soda Chu Lai hiện nợ các tổ chức, cá nhân số tiền hơn 3.000 tỷ đồng.

 Công ty CP sản xuất soda Chu Lai cho biết, hiện nay đang tích cực hợp tác với các ngân hàng tìm phương án để đưa nhà máy đi vào hoạt động sớm nhất. Khi nhà máy đi vào hoạt động có doanh thu, chủ đầu tư (kể cả chủ đầu tư mới) sẽ thanh toán đầy đủ nghĩa vụ với Nhà nước; thương lượng và thanh toán các nghĩa vụ tài chính với các tổ chức, cá nhân, tiền lương cho người lao động.

 Theo báo cáo của UBND tỉnh Quảng Nam, ngày 11-12-2017, đoàn công tác của Agribank và Công ty CP sản xuất soda Chu Lai sang làm việc với Cty TNHH Công trình Thiên thần Trung Quốc (TCC). Theo ý kiến của TCC, nhà máy sản xuất soda Chu Lai đã được đầu tư tương đối hoàn chỉnh, các thiết bị cơ bản hoạt động ổn định.  Ngoài ra Công ty Liên vận Cảng - một nhà sản xuất soda hàng đầu Trung Quốc  cũng  đến khảo sát và đánh giá nhà máy soda Chu Lai có thiết kế phù hợp, các thiết bị chủ yếu đều xuất xứ từ các nhà sản xuất thiết bị ngành hóa chất hàng đầu Trung Quốc và trên thế giới. Có thể cải tạo, sửa chữa nâng công suất tăng 30% so với công suất thiết kế.

 

 “Đang có nhiều đối tác quan tâm muốn đầu tư vào dự án dưới nhiều hình thức như: Chuyển đổi cổ đông; tăng vốn điều lệ; bán dự án; cho thuê tài sản dự án. Tuy nhiên tất cả các phương án tái cơ cấu này đang được các ngân hàng là chủ nợ và Công ty CP sản xuất soda Chu Lai thương lượng, xem xét để lựa chọn phương án tối ưu, khả thi và hiệu quả để thực hiện. Quyết tâm đưa nhà máy đi vào hoạt động trong năm 2018 và đảm bảo có nguồn thu để trả đầy đủ nợ cho ngân hàng”, báo cáo của UBND tỉnh Quảng Nam cho hay.

Quảng Nam: Đình chỉ công tác 6 cán bộ kiểm lâm liên quan vụ phá rừng
Ngành kiểm lâm tỉnh Quảng Nam đã ra quyết định tạm đình chỉ công tác đối với 6 cán bộ kiểm lâm để xảy ra vụ phá rừng phòng hộ Sông Kôn và...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư