Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
Nhà nước vẫn can thiệp trực tiếp vào thị trường xăng dầu
Mạnh Bôn - 05/11/2021 08:06
 
Mặt hàng xăng dầu chưa hoàn toàn vận hành theo cơ chế thị trường nên vẫn cần có sự can thiệp của Nhà nước, đó là quy định giá bán lẻ xăng dầu không được cao hơn giá trần.
Ngày 2/1/2022 bắt đầu điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu theo quy định mới
Ngày 2/1/2022 bắt đầu điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu theo quy định mới

Bắt đầu từ năm 2022, giá bán lẻ xăng dầu sẽ được điều chỉnh 10 ngày/lần thay vì 15 ngày như hiện nay.

Vẫn cần có Quỹ bình ồn

Theo Nghị định 95/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 83/2014/NĐ-CP vừa được Chính phủ ban hành, kể từ năm 2022, giá bán lẻ xăng dầu sẽ được điều chỉnh 10 ngày/lần vào mùng 1, ngày 11 và ngày 21 hàng tháng. Nếu trùng vào ngày nghỉ, ngày nghỉ lễ, thời gian điều hành được lùi sang ngày làm việc tiếp theo; nếu trùng vào dịp Tết Nguyên đán thì được lùi sang kỳ điều hành tiếp theo. Trong trường hợp giá xăng dầu biến động bất thường, ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân, Bộ Công thương báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định thời gian điều hành giá xăng dầu.

Trường hợp các yếu tố cấu thành biến động làm cho giá cơ sở tăng trên 10% hoặc giá xăng dầu biến động ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân, Bộ Công thương báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định biện pháp điều hành cụ thể.

Giá bán xăng dầu được thực hiện theo cơ chế thị trường, có sự điều tiết của Nhà nước, phù hợp với diễn biến giá xăng dầu thế giới và tình hình kinh tế xã hội trong từng thời kỳ. Thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu và phân phối xăng dầu (thương nhân) được quyền quyết định giá bán buôn. Thương nhân cũng được quyền quyết định giá bán lẻ xăng dầu (ngoại trừ dầu mazut) nhưng không cao hơn giá điều hành do Bộ Tài chính và Bộ Công thương công bố.

Nghị định 95/2021/NĐ-CP cũng quy định cụ thể về Quỹ bình ổn giá xăng dầu (Quỹ bình ổn). Theo đó, Quỹ bình ổn là Quỹ tài chính không nằm trong cân đối ngân sách nhà nước; toàn bộ nguồn trích lập, chi sử dụng để tham gia điều tiết, hỗ trợ cho mục tiêu bình ổn giá bán xăng dầu trong nước.

Thương nhân có nghĩa vụ trích lập Quỹ bình ổn giá; hạch toán và theo dõi riêng Quỹ bình ổn bằng tài khoản mở tại ngân hàng thương mại và chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật về việc lựa chọn ngân hàng, quản lý và đảm bảo bảo toàn số dư Quỹ bình ổn.

Trường hợp tại thời điểm điều hành giá xăng dầu nếu số dư Quỹ bình ổn giá lớn, Bộ Công thương xem xét điều chỉnh giảm hoặc tạm dừng trích lập. Bộ Công thương căn cứ tình hình thực tế, số dư Quỹ bình ổn, diễn biến giá cơ sở xăng dầu tại thời điểm điều hành giá xăng dầu để quyết định mức trích lập, mức chi sử dụng Quỹ bình ổn sau khi thống nhất về chủ trương với Bộ Tài chính.

Theo chuyên gia kinh tế, PGS.TS Ngô Trí Long, hầu hết các nước trên thế giới, giá xăng dầu để thị trường tự quyết định, Nhà nước không can thiệp.

“Tuy nhiên với Việt Nam, do mặt hàng xăng dầu chưa hoàn toàn vận hành theo cơ chế thị trường, nên vẫn cần có sự can thiệp của Nhà nước, đó là quy định doanh nghiệp không được bán lẻ xăng dầu cao hơn giá trần do liên Bộ Công thương - Tài chính công bố”, ông Long bày tỏ quan điểm đồng tình với quy định của Nghị định 95/2021.

Nên bình ổn bằng cả Quỹ dự trữ

“Theo Luật Cạnh tranh, một doanh nghiệp chiếm 30% thị phần thì được coi là thống lĩnh thị trường, 2 doanh nghiệp chiếm 50% và 3 doanh nghiệp chiếm 65% thị phần được coi là thống lĩnh thị trường. Trong trường hợp có một hoặc một nhóm doanh nghiệp thống lĩnh thị trường thì cần phải có bàn tay can thiệp của Nhà nước. Hiện tại, Petrolimex chiếm 47% thị phần; Petrolimex, PVI Oil và Saigon Petro chiếm khoảng 70% thị phần nên buộc Nhà nước phải can thiệp không để cho thị trường tự quyết định.

Vì nếu để thị trường quyết định, doanh nghiệp sẽ lợi dụng vào vị thế độc quyền hạ giá bán để chèn ép các doanh nghiệp nhỏ, tiềm lực tài chính yếu đến “khuynh gia bại sản”. Sau khi độc chiếm thị trường, doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp độc quyền sẽ nâng giá bán vô tội vạ. Vì vậy, khi thị trường xăng dầu chưa vận hành hoàn toàn theo thị trường thì Nhà nước phải can thiệp bằng cách đưa ra giá trần để bảo vệ doanh nghiệp nhỏ và bảo vệ người tiêu dùng”, ông Long phân tích.

Cũng theo ông Long, trên thế giới chỉ còn dăm ba nước có Quỹ bình ổn, nhưng quỹ này chủ yếu nhằm mục đích trợ giá cho đối tượng yếu thế, vùng sâu, vùng xa chứ không tham gia vào bình ổn thị trường.

“Không doanh nghiệp xăng dầu nào muốn có Quỹ bình ổn, vì khi giá xuống, trích tiền từ bán xăng dầu vào Quỹ bình ổn, số dư của Quỹ gửi ngân hàng, lãi suất tiền gửi ngân hàng họ không được hưởng. Ngược lại, như trong thời điểm hiện nay, Quỹ bình ổn của các doanh nghiệp xăng dầu đã âm hàng chục, hàng trăm tỷ đồng do giá xăng dầu thế giới tăng quá cao và quá nhanh, nên Quỹ bình ổn phải xả ra trong khi việc trích Quỹ bị giảm hoặc ngừng lại thì doanh nghiệp phải “móc hầu bao” để bù đắp cho Quỹ bình ổn. Nhưng với Việt Nam hiện nay, nhất thiết phải có Quỹ bình ổn, bởi nếu không, khi giá xăng dầu thế giới tăng chóng mặt như hiện nay không biết lấy nguồn nào để bình ổn thị trường xăng dầu”, ông Long nhấn mạnh.

Tuy nhiên, theo chuyên gia Vũ Vinh Phú, nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội, nếu giá xăng dầu tiếp tục tăng hoặc giữ ở mức cao trong khi Nhà nước không cho phép nâng giá bán lẻ xăng dầu để góp phần phục hồi kinh tế - xã hội trong đại dịch Covid-19, Quỹ bình ổn không thể bình ổn được nữa thì phải xem lại cách thức vận hành quỹ.

“Hiện tại, số dư của Quỹ bình ổn phải gửi ngân hàng với lãi suất không đáng kể nên không hiệu quả. Vì vậy, thay vì bình ổn bằng tiền thì nên bình ổn bằng chính xăng dầu. Cụ thể, khi giá xăng dầu thấp, trích quỹ nhiều, số dư quỹ lớn thì doanh nghiệp nên được sử dụng số dư quỹ để mua xăng dầu dự trữ. Khi giá xăng dầu thế giới cao, giảm trích quỹ thì doanh nghiệp xả nguồn dự trữ xăng dầu để bình ổn thị trường”, ông Phú đề xuất.

Theo ông Phú, cách bình ổn này rất hiệu quả, doanh nghiệp có lợi khi mua thấp, bán cao; người tiêu dùng cũng có lợi vì giá xăng dầu không “nhảy múa” liên tục. Nhà nước được lợi nhiều nhất là bình ổn được giá của mặt hàng chiến lược trong khi không phải bỏ ra một đồng ngân sách nào. Hầu hết các nước trên thế giới không có Quỹ bình ổn nhưng giá xăng dầu không biến động mạnh do người ta sử dụng Quỹ dự trữ xăng dầu.

Doanh nghiệp than lỗ, giảm lợi nhuận, Hiệp hội Xăng dầu đề xuất bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu
Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam kiến nghị nên bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu để giá mặt hàng này về tiệm cận hơn với thế giới.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư