Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 13 tháng 11 năm 2024,
Nha Trang tang thương vì lũ…
Việt Hương - 19/11/2018 19:50
 
Trong 2 ngày (18-19/11), do bị ảnh hưởng trực tiếp từ cơn bão số 8 nên các địa phương Khánh Hòa và Phú Yên bị thiệt hại nặng nề về người và tài sản, trong đó Nha Trang (Khánh Hòa) có 13 người chết, 4 người mất tích và 15 người bị thương; Phú Yên hơn 100 ngôi nhà bị tốc mái do lốc xoáy…

Theo báo cáo của UBND TP Nha Trang (Khánh Hòa), đến thời điểm hiện tại, số người thiệt mạng do sạt lở đất đã tăng lên 13 người. Ngoài ra còn có 4 người mất tích vẫn chưa tìm thấy. Lực lượng chức năng vẫn đang căng mình để tìm kiếm những người mất tích có thể là do đất đá vùi lấp. Chiều ngày 19/11, tại khu vực núi sau lưng chùa Lâm Tỳ Ni (thôn Thành Phát, xã Phước Đồng, TP Nha Trang), lực lượng cứu hộ cùng người thân gia đình vẫn đang cật lực tìm kiếm hai người bị đất đá vùi lấp là ông La Hân (69 tuổi, thôn Thành Phát) và Trần Duy Quyền (23 tuổi, trú Diên Thọ). Chủ tịch UBND TP Nha Trang, ông Lê Hữu Thọ chia sẻ: “Nha Trang vừa trải qua trận lũ tồi tệ nhất trong nhiều chục năm trở lại đây khiến nhiều người chết và mất tích, hàng loạt khu dân cư như vừa gánh chịu một trận bom!”.

Mưa lớn kèm lũ quét đã gây ra bao cảnh tang thương tại TP Nha Trang - người mất, nhà sập...
Mưa lớn kèm lũ quét đã gây ra bao cảnh tang thương tại TP Nha Trang - người mất, nhà sập...

Theo nhận định của Ban Chỉ huy PCLB - TKCN tỉnh Khánh Hòa, đa số các nạn nhân trong trận lũ này đều bị đất đá từ núi đổ xuống gây sập nhà dẫn đến tử vong. Mưa lớn lên tới gần 400mm đã kiến nước trên một số sông ở Khánh Hòa dâng cao và gây sạt lở đất đã làm 43 ngôi nhà tại Khánh Hòa bị sập, hư hỏng. Nhiều tuyến đường bị ngập, có nơi trên 0,5 đến 1m, gây ách tắc giao thông. Trong đó vụ sạt lở núi ở thôn Thành Phát, xã Phước Đồng là vô cùng kinh hoàng đối với hàng chục hộ dân sinh sống nơi đây…

Tình trạng ngập lụt diễn ra trên diện rộng. Trong đó, huyện Diên Khánh bị ảnh hưởng nặng nề nhất với 18/18 xã hầu hết đều bị ngập, 6/18 xã ngập từ 0,5m trở lên như: Diên An, Diên Phú, Diên Toàn, Diên Bình, Diên Lạc, Diên Điền. Tại thành phố Cam Ranh, Quốc lộ 1A từ phường Cam Nghĩa đến phường Cam Phú ngập từ 0,4-0,6m; 5 cầu tràn tại huyện Khánh Vĩnh ngập sâu từ 0,4-0,6m. Trong khi đó, huyện Khánh Sơn có 9 tràn ngập sâu từ 0,4-0,6m.

Hàng chục ngàn học sinh tại TP Nha Trang phải nghỉ học vì ngập lũ cục bộ
Hàng chục ngàn học sinh tại TP Nha Trang phải nghỉ học vì ngập lũ cục bộ

Ngày 18 và 19/11 là một ngày tồi tệ đối với các phương tiện giao thông phải lưu thông qua địa bàn Khánh Hòa -  các phương tiện lưu thông theo hướng Nha Trang - sân bay Cam Ranh và ngược lại phải di chuyển theo QL1. Tại nhiều điểm trên đèo Cù Hin, đất đá sạt xuống, chắn kín mặt đường. Ông Nguyễn Văn Dần, Giám đốc Sở GTVT Khánh Hòa, cho biết: “Tình hình giao thông trên các tuyến đường nối TP Nha Trang và qua địa bàn Khánh Hòa cơ bản đã được lưu thông, tuy nhiên vẫn đang mới khắc phục ở mức tạm thời, giải quyết tình thế”.

Ngày 19/11, ông Lê Đức Vinh – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) tỉnh Khánh Hòa để chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả mưa lũ trên địa bàn tỉnh; ứng phó với cơn bão số 9 sắp đến. Ông Vinh chỉ đạo toàn ngành, toàn lực lượng chung tay cùng nhân dân khắc phục hậu quả vô cùng nặng nề cho người dân TP Nha Trang. 

Hiện, tỉnh Khánh Hòa huy động 600 cán bộ, chiến sĩ tìm kiếm người bị vùi lấp, mất tích, đưa người bị thương đi cấp cứu, di dời các hộ dân ra khỏi khu vực nguy hiểm. Thành phố Nha Trang cho toàn bộ học sinh nghỉ học ngày 19/11. Một vấn đề khó khăn nhất hiện nay là việc tiếp cận hiện trường các khu vực sạt lở rất khó khăn, lực lượng cứu hộ vẫn đang khắc phục để sớm tìm được các nạn nhân mất tích, hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả sạt lở đất.

UBND tỉnh Khánh Hòa phải huy động toàn lực lượng giúp dân khắc phục hậu quả do lũ quét
UBND tỉnh Khánh Hòa phải huy động toàn lực lượng giúp dân khắc phục hậu quả do lũ quét

Trước đó, tại Phú Yên, sáng ngày 18/11, trên địa bàn thôn Phú Hạnh (Gành Đá Đĩa), xã An Ninh Đông, huyện Tuy An và xã Hòa Tâm, huyện Đông Hòa xảy ra lốc xoáy làm 23 người bị thương và trầy xước nhẹ. Trong đó 4 khách du lịch và 4 người địa phương phải vào điều trị tại bệnh viện huyện Tuy An. Lốc xoáy làm sập và tốc mái là 144 nhà (44 nhà ở xã An Ninh Đông; 100 nhà ở xã Hòa Tâm). Ngoài ra, 11 lều, quán tại An Ninh Đông cũng bị sập, tốc mái.

Thủ tướng Chính phủ vừa có công điện gửi UBND các tỉnh từ Bình Định đến Bà Rịa - Vũng Tàu, các bộ ngành liên quan, yêu cầu tập trung ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ do ảnh hưởng của bão số 8.

Trong công điện do Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng ký thay, Thủ tướng đã gửi lời thăm hỏi, chia buồn sâu sắc tới thân nhân các gia đình có người bị thiệt mạng, chia sẻ những khó khăn, mất mát của đồng bào, chính quyền các địa phương.

Công điện nêu rõ do ảnh hưởng của bão số 8 suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, ngày 18-11 trên địa bàn các tỉnh Nam Trung Bộ đã xảy ra mưa lớn gây sạt lở đất, ngập lụt cục bộ, thiệt hại nặng nề về người và tài sản của Nhà nước và nhân dân, đặc biệt là tại tỉnh Khánh Hòa.

Ninh Thuận, Khánh Hòa đối phó với ngập lũ cục bộ do bão số 8
Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới suy yếu từ bão số 8, trong hai ngày 17 và 18/11 trên các địa bàn của hai tỉnh Ninh Thuận và Khánh Hòa có mưa lớn...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư