Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 26 tháng 11 năm 2024,
Nhà vàng nô nức kích cầu cuối năm
Hà Tâm - 24/01/2014 09:14
 
Đón đầu xu hướng mua vàng cuối năm, các doanh nghiệp kinh doanh vàng đưa ra nhiều chiêu khuyến mãi. Trong khi đó, Ngân hàng Nhà nước vẫn “án binh bất động”. Mua vàng lúc này có khôn ngoan? >TPBank khuyến mãi vàng "Kim mã" cầu may Tết Giáp Ngọ

Chạy đua khuyến mãi vàng nữ trang

Theo quan niệm truyền thống, vào dịp cuối năm và đầu năm mới, người dân thường mua vàng để tích trữ và cầu may. Bên cạnh đó, dịp cuối năm, nhu cầu vàng nữ trang phục vụ nhu cầu cưới hỏi, quà tặng… cũng tăng. Tận dụng cơ hội này, các cơ sở kinh doanh vàng đang tung ra nhiều sản phẩm mới, với nhiều chiêu khuyến mãi để kích cầu.

Doanh nghiệp kinh doanh vàng đưa ra nhiều chiêu khuyến mãi cuối năm
Đón đầu xu hướng mua vàng cuối năm, các doanh nghiệp kinh doanh vàng đưa ra nhiều chiêu khuyến mãi

Từ ngày 21/1 đến 10/2, Công ty Vàng SJC thực hiện chương trình khuyến mãi “Phúc Lộc An Khang” dành cho khách mua nữ trang lẻ. Theo đó, khách mua nữ trang được giảm giá 3 - 10%, tùy loại sản phẩm. Ngoài ra, khách hàng cũng được tặng ngay phong bao lì xì khi mua sản phẩm.

Trong khi đó, Tập đoàn DOJI vừa cho ra mắt sản phẩm vàng Kim Mã, với hình tượng ngựa đang phi nước đại - biểu tượng của năm Ngọ. Đặc biệt, từ ngày 20/1 đến 28/1 (tức ngày 20 đến 28 tháng Chạp) và từ ngày 6/2 đến 10/2 (mùng 7 đến 11 tháng Giêng Âm lịch), DOJI và TPBank lì xì ngay cho khách 5.000 đồng/chỉ. Tương tự, dịp xuân mới, Bảo Tín Minh Châu đưa ra nhiều gói khuyến mãi cho bộ trang sức xuân và nhẫn cưới, đồng thời ra mắt sản phẩm nhẫn tròn trơn thế hệ 2, có mệnh giá từ 0,5 chỉ đến 10 chỉ để khách hàng lựa chọn.

Một số doanh nghiệp khác như PNJ, SJC… cũng khẳng định, vàng nữ trang là điểm sáng hiếm hoi của họ trong thời điểm khó khăn hiện nay. Riêng trong dịp Tết, mãi lực bán vàng có tăng đáng kể so với mấy tháng trước đây.

Ngân hàng Nhà nước “án binh bất động”

Từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước chưa tổ chức bất kỳ phiên đấu thầu vàng nào, song thị trường vẫn khá ổn định, không có biểu hiện thiếu cung. Nguyên nhân là do các nhà đầu tư vẫn lo ngại mua vào trước một số dự báo không mấy khả quan về giá vàng năm 2014. Dẫu vậy, chênh lệch giá trong nước và thế giới vẫn ở mức khá cao, trên 3 triệu đồng/lượng.

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế, mức chênh lệch giá này không chỉ khiến nhà đầu tư trong nước rủi ro, mà còn khiến nhà điều hành gặp nhiều khó khăn trong việc huy động vàng trong dân.

Trong nghị quyết đầu tiên của năm 2014 (Nghị quyết 01/NQ-CP), Chính phủ đã giao Ngân hàng Nhà nước nhiệm vụ huy động vàng trong dân. Song đến nay, Ngân hàng Nhà nước vẫn lúng túng trong việc đưa ra lời giải bài toán này.

Ông Nguyễn Quang Huy, Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối (Ngân hàng Nhà nước) khẳng định, với mức chênh lệch giá hiện nay, Ngân hàng Nhà nước chưa thể mua vàng vào, mà sẽ tiếp tục đấu thầu bán ra để bình ổn thị trường.

“Huy động vàng là vấn đề hóc búa, đòi hỏi nhiều giải pháp. Với phương án huy động truyền thống là vàng gửi lấy lãi, Ngân hàng Nhà nước đánh giá đây không phải là giải pháp tốt, vì tạo ra hiện tượng vàng hóa và Nhà nước phải bỏ ra một chi phí lớn không cần thiết”, ông Huy nói.

Trước đó, rất nhiều chuyên gia kinh tế đề nghị, Ngân hàng Nhà nước nên thành lập sàn giao dịch vàng quốc gia hoặc phát hành chứng chỉ vàng. TS. Trần Du Lịch cho rằng, điều kiện tiên quyết để huy động vàng là kinh tế vĩ mô phải ổn định. Điều kiện này hiện nay đã có, nghĩa là thời điểm tính toán chuyện huy động vàng đã tới. Tất nhiên, Ngân hàng Nhà nước không thể huy động vàng theo cách cũ (gửi tiết kiệm bằng vàng), mà có thể tiến hành theo hình thức phát hành trái phiếu hoặc chứng chỉ vàng.

Bất chấp nhiều đề xuất, kiến nghị đã được các chuyên gia kinh tế và cả các doanh nghiệp kinh doanh vàng đưa ra, Ngân hàng Nhà nước vẫn rất thận trọng với việc huy động vàng trong dân. Việc thận trọng này là có cơ sở, bởi không cẩn thận, việc này có thể “tạo sóng” trên thị trường vàng, dẫn tới bất ổn vĩ mô.

Trên thực tế, vàng đã giảm sức hấp dẫn, song chưa bao giờ hết nóng. Ông Nguyễn Quang Huy thừa nhận: “Nói gì thì nói, vàng hiện vẫn là một trong những lựa chọn đầu tư của nhiều người dân”.

Cũng theo ông Huy, dù chưa thể thực hiện ngay, song trong năm 2014, Ngân hàng Nhà nước sẽ chuẩn bị tất cả các điều kiện để thực hiện nhiệm vụ đã được Chính phủ giao về huy động vàng trong dân khi điều kiện chín muồi.

Giá vàng tăng 4% từ đầu năm 2014
Giá vàng sáng 21/1 rớt về sát 35 triệu đồng/lượng, sức mua rất thấp dù từ đầu năm tới nay, giá vàng đã tăng 4%. Vàng bật tăng trong phiên...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư