Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Nhân dân tệ, đô la Hong Kong bị phá giá
Lê Quân - 29/07/2021 08:09
 
Theo chân làn sóng bán tháo chứng khoán, giới đầu tư đang bán phá giá đồng nhân dân tệ và đô la Hong Kong, khiến hai đồng tiền này rớt giá sâu nhất kể từ tháng 4/2021.
Đến sáng nay 28/7, đà trượt giá của nhân dân tệ đã vơi bớt và giao dịch ở mức 6,5142 nhân dân tệ “ăn” 1 USD. Ảnh: AFP
Đà suy yếu của nhân dân tệ sáng 28/7 đã vơi bớt và giao dịch ở mức 6,5142 nhân dân tệ đổi 1 USD. Ảnh: AFP

Những lo ngại về việc Trung Quốc siết chặt các quy định pháp lý đối với doanh nghiệp, đang lan sang các thị trường tài sản khác của nước này, không riêng gì chứng khoán. Cuối tuần trước, Bắc Kinh đã tăng thêm các quy định hạn chế đối với lĩnh vực giáo dục và tiếp tục "nắn gân" các công ty internet. Theo đó, Trung Quốc đã đưa ra các quy định mới về dạy thêm được cho là gây tác động đáng kể đến hoạt động kinh doanh của các công ty giáo dục tư nhân.

Đồng nhân dân tệ giao dịch hải ngoại hôm 27/7 suy yếu gần 1% so với cuối tuần trước, và đêm qua giảm xuống mức thấp nhất là 6,528 nhân dân tệ đổi 1 USD. Đến sáng nay 28/7, đà suy giảm của nhân dân tệ đã vơi bớt và giao dịch ở mức 6,5142 nhân dân tệ đổi 1 USD.

Trong khi đó, đồng đô la Hong Kong cũng trượt giá giảm xuống mức thấp chưa từng thấy kể từ tháng 4, sau khi chỉ số Hang Seng trượt dốc hơn 8% trong hai ngày giao dịch đầu tuần. Tính từ đầu tháng đến nay, Hang Seng đã "bốc hơi" 13% và có hiệu suất thấp nhất kể từ tháng 9/2011.

Hiệu suất hoạt động của thị trường chứng khoán Trung Quốc đại lục trong tháng này có khá hơn so với thị trường Hong Kong. Chỉ số Shenzhen Composite ghi nhận mức giảm thấp hơn, với 5,5% từ đầu tháng đến nay, biến tháng 7 thành tháng giao dịch tồi tệ nhất của chỉ số này kể từ tháng 9/2020. Trong khi đó, chỉ số Shanghai Composite mất gần 6% trong tháng 7 - tháng giao dịch tồi tệ nhất kể từ tháng 10/2018.

Ông Vishnu Varathan, Trưởng bộ phận kinh tế và chiến lược tại Ngân hàng Mizuho, cảnh báo rằng đồng nhân dân tệ có thể tiếp tục suy yếu trong thời gian tới.

"Quan điểm của chúng tôi là khó có thể tránh được việc nhân dân tệ (bao gồm cả nhân dân tệ giao dịch ở hải ngoại) sẽ tiếp tục bị bán tháo trong bối cảnh Bắc Kinh siết chặt các quy định pháp lý (đối với doanh nghiệp - BTV)", ông Vishnu Varathan nói.

Một rủi ro lớn là đà suy giảm của đồng nhân dân tệ hải ngoại có thể kéo dài hơn nếu "các thị trường tài sản cho rằng động thái của Bắc Kinh có thể cản trở lâu dài đối với khả năng huy động vốn ngoại của doanh nghiệp Trung Quốc", ông Varathan lo ngại.

"Hiện nay, sức ép bán tháo đồng nhân dân tệ (thị trường hải ngoại) đến từ những cú sốc do quy định pháp lý bất lợi đối với các lĩnh vực từ công nghệ, tài sản, đến giáo dục tư nhân và chăm sóc sức khỏe", ông Varathan nói thêm.

Còn ông Claudio Piron, Trưởng bộ phận chiến lược tỷ giá và ngoại hối châu Á lại cho rằng, những động thái gần đây cho thấy Trung Quốc đang ngày càng "hướng nội".

"Nếu càng siết chặt (các quy định - BTV), có thể gây tác hại lớn hơn đến đồng nhân dân tệ, đặc biệt khi chỉ số PMI giảm đi", ông Claudio Piron đánh giá khi đề cập đến chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) trong lĩnh vực chế tạo của Trung Quốc.

Nga "chán" USD và Euro, chuyển "khẩu vị" sang vàng và Nhân dân tệ
Ngân hàng Trung ương Nga (CBR) cho biết đã giảm lưu trữ Euro, USD và bảng Anh trong kho dự trữ ngoại hối của nước này để chuyển sang vàng, Nhân dân...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư