Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 17 tháng 04 năm 2024,
Nhận diện hai động lực tăng trưởng mới
Anh Trung - 07/12/2018 08:58
 
Bên cạnh 3 đột phá chiến lược là cải cách thể chế, phát triển hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực, thì đổi mới, sáng tạo trên nền tảng 4.0 và phát triển kinh tế tư nhân được xem là 2 động lực tăng trưởng mới trong thời gian tới.
TIN LIÊN QUAN

Đổi mới, sáng tạo để bắt kịp các quốc gia phát triển

Thúc đẩy năng lực sáng tạo và ứng dụng công nghệ 4.0 đang được xem là cơ hội để Việt Nam tăng năng suất lao động, cải thiện năng lực cạnh tranh và nâng cao năng lực đổi mới, sáng tạo. Nhiều chuyên gia thậm chí còn cho rằng, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang cào bằng khoảng cách giữa các quốc gia và đây là cơ hội to lớn để các quốc gia đi sau bắt kịp các quốc gia phát triển.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn Cải cách và Phát triển. Ảnh: Dũng Minh
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn Cải cách và Phát triển. Ảnh: Dũng Minh

Biết vậy, song nắm bắt cơ hội này là điều không hề dễ dàng. 

Tại Diễn đàn Cải cách và Phát triển do Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa tổ chức, đánh giá thực tế về cách mạng công nghiệp 4.0 tại Việt Nam, ông Christopher Malone, Tổng giám đốc Tập đoàn BCG cho rằng, Việt Nam đang tụt hậu so với các quốc gia trong khu vực về hầu hết các chỉ số đổi mới, sáng tạo (cả đầu vào và đầu ra). 

“Việt Nam vẫn là một nền kinh tế quy mô nhỏ và đi sau trong lĩnh vực công nghệ và đổi mới, sáng tạo, thứ hạng của Việt Nam theo báo cáo của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) xếp thứ 90. Đáng lo hơn, doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa sẵn sàng áp dụng các công nghệ 4.0 khi khảo sát của BCG cho thấy, hơn 80% doanh nghiệp ở khu vực tư nhân và gần 40% ở khu vực nhà nước không áp dụng thành tựu công nghệ 4.0”, ông Christopher Malone cho biết.

Do vậy, vị chuyên gia này đề xuất Việt Nam cần lập tức bắt tay xây dựng một chiến lược cách mạng công nghiệp 4.0 của quốc gia, trong đó, tập trung xây dựng hệ sinh thái với những nền tảng vững mạnh. Đồng thời, cũng cần có mạng lưới các trung tâm đổi mới, sáng tạo với các trọng tâm khác nhau dựa trên thế mạnh của từng khu vực.

Cùng quan điểm, ông Huỳnh Thế Du (Đại học Fulbright Việt Nam) đánh giá, Việt Nam đã có những cải thiện đáng kể về năng lực đổi mới, sáng tạo, nhưng khoảng cách với thế giới còn rất lớn. Chính điều này đang cản trở sự phát triển của Việt Nam.

“Việt Nam có các cơ hội tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu do các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mang lại, nhưng năng lực và nhu cầu đổi mới, sáng tạo của Việt Nam đã cản trở khả năng bước lên các nấc thang giá trị cao hơn”, ông Du nói.

Tuy nhiên, ông Huỳnh Thế Du cũng cho rằng, không nên quá bi quan khi so với mức thu nhập hiện tại, năng lực và nền tảng về đổi mới, sáng tạo của Việt Nam đang rất tích cực. Bên cạnh đó, các chính sách của Việt Nam, so với các nước trên thế giới, đã có sự quan tâm cần thiết cho giáo dục và khoa học - công nghệ. Rào cản lớn nhất, theo vị chuyên gia này, là nhu cầu và áp lực đổi mới, sáng tạo. 

Phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhìn nhận, trong thời đại công nghệ gắn với ý tưởng sáng tạo và đổi mới sáng tạo ngày nay, những rào cản công nghệ truyền thống không còn lớn nữa, mọi quốc gia đều có thể vươn lên và bứt phá. 

“Không khí khởi nghiệp sáng tạo ở Việt Nam chưa bao giờ phát triển mạnh mẽ, rộng khắp như hiện nay. Cũng chưa bao giờ có nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo thành công như bây giờ. Tôi khẳng định, đây không phải là một phong trào, mà đó là một tinh thần và một quyết tâm. Người dân, doanh nhân, dưới sự hỗ trợ và hợp tác của các đối tác phát triển, cùng song hành với Chính phủ để đưa kinh tế Việt Nam đột phá, bắt kịp và cùng tiến với các nước phát triển”, Thủ tướng phát biểu.

Thời gian tới, theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ sẽ đưa ra những chính sách phù hợp, trong đó, tập trung vào hoàn thiện môi trường pháp lý, thực thi về sở hữu trí tuệ; hoàn thiện các thể chế thị trường về khoa học - công nghệ và tạo sự liên kết giữa doanh nghiệp với các cơ sở nghiên cứu, đào tạo và các cá nhân hoạt động sáng tạo, đồng thời sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực, cơ sở vật chất hiện có, nguồn ngân sách nhà nước. Song song với đó là xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp, thúc đẩy đổi mới sáng tạo. 

Thủ tướng nhấn mạnh, có ý tưởng tốt thôi chưa đủ, ý tưởng đó cần phải được “ươm tạo” trong các vườn ươm, tạo môi trường để phát triển và biến các start-up này thành doanh nghiệp tầm cỡ, đem lại giá trị cao cho nền kinh tế.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, kinh tế Việt Nam những năm tới hứa hẹn cả cơ hội và thách thức đan xen. “Câu hỏi lớn đặt ra hiện nay là làm thế nào để tận dụng triệt để mọi cơ hội, nhất là cơ hội từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, vượt qua được các khó khăn, thách thức, làm rõ các động lực tăng trưởng mới với tầm nhìn phát triển trong kỷ nguyên mới gắn liền với tư duy đổi mới, cải cách để tìm ra phương án tốt nhất cho bài toán tăng trưởng và phát triển của Việt Nam, hướng tới tăng trưởng bứt phá, phát triển nhanh và bền vững”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Tiềm năng phát triển kinh tế tư nhân còn rất lớn 

Cũng tại Diễn đàn, nhận diện về động lực thứ hai, các chuyên gia đều chung nhận định rằng, tiềm năng phát triển của khu vực kinh tế tư nhân còn rất nhiều dư địa. 

Theo ông Rich McClellan, cố vấn cao cấp Công ty Mckinsey Việt Nam, kinh tế tư nhân tại các nền kinh tế phát triển chiếm tới 80 - 90% GDP, trong khi tại Việt Nam, khu vực kinh tế tư nhân chính thức hiện chiếm dưới 10% GDP và khu vực tư nhân phi chính thức (hộ gia đình) chiếm 1/3 GDP. 

“Tính chung, tỷ trọng của khu vực tư nhân trong GDP mới hơn 40%. Dư địa có thể nhìn thấy ngay là sự chuyển dịch của khu vực phi chính thức thành chính thức và tăng quy mô khu vực tư nhân trong nền kinh tế”, ông Rich McClellan phân tích.

Bên cạnh đó, vị chuyên gia này cũng cho rằng, để khu vực tư nhân phát triển năng động và hiệu quả, cần giảm bớt vị thế được ưu đãi của các doanh nghiệp nhà nước trong nền kinh tế, đồng thời tăng cường hệ sinh thái xung quanh các doanh nghiệp FDI.

Ông Rich McClellan cũng đưa ra hàng loạt đề xuất để phát triển khu vực này, như chính thức hóa khu vực phi chính thức; đơn giản hóa việc thành lập và phát triển doanh nghiệp; cải thiện tiếp cận vốn, đất đai; tăng cường các thể chế thị trường; giảm bớt vai trò của doanh nghiệp nhà nước; cổ phần hóa, tái cơ cấu, ưu tiên các lĩnh vực hấp dẫn nhất về mặt kinh tế; tìm kiếm phương thức nhằm tăng sở hữu của người Việt Nam trong quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; tạo sân chơi công bằng đối với công ty trong và ngoài nước; tăng cường hệ sinh thái quanh các doanh nghiệp FDI; đào tạo, nâng cao trình độ, chuyển giao công nghệ; mở rộng chuỗi cung ứng; nâng cao năng suất nhờ tận dụng thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0…

Đồng tình với ý kiến từ các nhà tài trợ, chuyên gia, tư vấn quốc tế, Thủ tướng nhấn mạnh, cần phát huy sâu sắc vai trò động lực của kinh tế tư nhân. 

“Tôi cũng nhất trí với nhận định của các chuyên gia. Đây là một trong các đòn bẩy quan trọng, tạo sức cạnh tranh, tạo sự linh hoạt cho nền kinh tế trong điều kiện môi trường kinh tế quốc tế và khoa học - công nghệ nhiều biến động”, Thủ tướng nói. 

Thủ tướng cũng cho biết, Chính phủ Việt Nam luôn quan tâm và có những hành động cụ thể nhằm phát triển khu vực kinh tế tư nhân. Hướng tới mục tiêu năm 2020 có khoảng 1 triệu doanh nghiệp, chủ yếu trong khu vực tư nhân. 

Bên cạnh đó, sáng tạo và khởi nghiệp - tập trung vào tầng lớp thanh niên trẻ, có khát vọng, sáng tạo, dám làm, chấp nhận vấp ngã và biết đứng lên - cũng là nguồn tăng trưởng về số lượng và chất lượng các doanh nghiệp thế hệ mới. 

“Hiện nay, chúng tôi đang hun đúc tinh thần khởi nghiệp không sợ hãi trong giới trẻ và mong muốn các đối tác phát triển cùng đồng hành với các bạn trẻ của chúng tôi trên bước đường khởi nghiệp và cùng ghi dấu ấn thành công”, Thủ tướng bày tỏ mong muốn.

Cho rằng không thể đổ lỗi hết cho thể chế, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, trong điều kiện hiện tại, mục tiêu để Việt Nam có được khu vực tư nhân khỏe và mạnh không phải ở số lượng doanh nghiệp nhiều, mà là ở tiềm lực, sức cạnh tranh và hiệu quả kinh doanh. Cải cách thể chế là đương nhiên, nhưng nếu chỉ viện lý do là thể chế thì chưa thuyết phục. Điều này, Chính phủ sẽ phải lắng nghe để có thêm nhiều giải pháp đồng bộ và hiệu quả hơn.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư