Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 28 tháng 12 năm 2024,
Nhan nhản vi phạm tại mỏ cao lanh Lộc Tân - Lộc Châu
Linh Đan - 07/02/2024 08:35
 
Chưa hoàn thiện các thủ tục thuê đất, chưa nộp đủ tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, chưa đầu tư xây dựng nhà máy chế biến tinh lọc cao lanh, khai thác ra ngoài ranh giới được cấp phép… là những vi phạm tại Dự án Đầu tư khai thác và chế biến cao lanh mỏ Lộc Tân - Lộc Châu (Lâm Đồng).
Thời gian qua, hoạt động khai thác cao lanh mỏ Lộc Tân - Lộc Châu (Lâm Đồng) diễn biến khá phức tạp
Thời gian qua, hoạt động khai thác cao lanh mỏ Lộc Tân - Lộc Châu (Lâm Đồng) diễn biến khá phức tạp.

Kiến nghị dừng toàn bộ hoạt động khai thác

UBND tỉnh Lâm Đồng vừa yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét dừng hoạt động khai thác khoáng sản tại Dự án Đầu tư khai thác và chế biến cao lanh mỏ Lộc Tân - Lộc Châu (xã Lộc Tân, huyện Bảo Lâm và xã Lộc Châu, TP. Bảo Lộc) để xử lý các sai phạm theo quy định hiện hành, hoặc thu hồi giấy phép khai thác khoáng sản số 345/GP-MTNMT ngày 10/2/2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường đã cấp cho Công ty TNHH Thương mại và Trồng trọt Tuấn Thiện (Công ty Tuấn Thiện), hoàn thành trước ngày 29/2/2024.

Trước mắt, UBND tỉnh chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp UBND TP. Bảo Lộc kiểm tra, đôn đốc, yêu cầu Công ty Tuấn Thiện dừng mọi hoạt động khai thác cao lanh tại xã Lộc Tân và xã Lộc Châu; di dời máy móc, thiết bị, phương tiện vận chuyển ra khỏi khu vực khai thác, khu vực chưa hoàn thành thủ tục đất đai; khắc phục ngay những tồn tại, sai phạm và thực hiện đầy đủ các nội dung theo yêu cầu của Sở Tài nguyên và Môi trường…

Kết quả kiểm tra tại Dự án đầu tư khai thác và chế biến cao lanh mỏ Lộc Tân - Lộc Châu của Sở Tài nguyên và Môi trường cho thấy, có sự tác động đào bới, san lấp tạo thành hồ lắng. Một số vị trí đã tạo thành moong, tầng khai thác, hoặc xây dựng các công trình phụ trợ với diện tích 4,7 ha nằm ngoài ranh cấp phép khai thác khoáng sản, nhưng Đoàn kiểm tra không thể xác định được việc Công ty Tuấn Thiện có khai thác cao lanh trên phần diện tích này hay không, hoặc khối lượng cao lanh đã khai thác là bao nhiêu.

Sở Tài nguyên và Môi trường đề xuất UBND tỉnh Lâm Đồng có văn bản đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường kiểm tra. Trường hợp xác định Công ty Tuấn Thiện có hành vi tác động, khai thác cao lanh ngoài ranh giới cấp phép thì xem xét xử lý vi phạm hoặc xử lý thu hồi giấy phép khai thác khoáng sản đã cấp cho Công ty Tuấn Thiện theo quy định.

Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường Lâm Đồng ngày 3/1/2024, Công ty Tuấn Thiện đã lắp đặt 1 tổ hợp dây chuyền chế biến lọc cao lanh và sàn lọc cát, nhưng không đúng theo hồ sơ dự án đầu tư được phê duyệt và giấy chứng nhận đầu tư được cấp. Cùng với đó, tiến độ đầu tư chậm, mặc dù đã được gia hạn thực hiện dự án đến hết quý II/2023.

Căn cứ giấy chứng nhận đầu tư được cấp thì Công ty Tuấn Thiện phải xây dựng nhà máy chế biến cao lanh tại khu vực Dự án Đầu tư khai thác và chế biến cao lanh mỏ Lộc Tân - Lộc Châu, nhưng đến đầu năm 2024, công ty này vẫn chưa xây dựng nhà máy chế biến tinh lọc cao lanh theo hồ sơ dự án được phê duyệt và giấy chứng nhận đầu tư được cấp. Nguyên nhân là do họ chưa thỏa thuận bồi thường về đất, tài sản trên đất cho các hộ dân trong khu vực xây dựng nhà máy.

Sở Tài nguyên và Môi trường cho rằng, Công ty Tuấn Thiện không chấp hành việc tạm dừng mọi hoạt động khai thác cao lanh theo yêu cầu của UBND tỉnh ngày 3/9/2019 và của Sở Tài nguyên và Môi trường ngày 11/9/2019, cho đến khi khắc phục xong các tồn tại, sai phạm được nêu tại Báo cáo số 350/BC-STNMT ngày 12/8/2019 (thời hạn khắc phục chậm nhất đến ngày 25/10/2019).

“Đã nêu rõ thời hạn trong thông báo kết quả kiểm tra, nhưng Công ty Tuấn Thiện không thực hiện biện pháp khắc phục theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước”, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường cho hay.

Không chỉ vậy, Công ty Tuấn Thiện còn cắm mốc không đúng quy định, dù có hồ sơ chứng minh đã cắm mốc các điểm khép góc khu vực được phép khai thác khoáng sản, nhưng để mất gốc.

Mặt khác, Công ty Tuấn Thiện còn khai thác không đúng các thông số của hệ thống khai thác. Cụ thể, theo hồ sơ thiết kế, góc dốc sườn tầng khai thác là 45 độ, chiều cao tầng khai thác 5 m. Nhưng qua kiểm tra thực tế của Sở Tài nguyên và Môi trường, chiều cao tầng khai thác dao động 7 - 12 m, góc dốc sườn tầng 60 - 65 độ, vượt quá 10% theo quy định.

Bên cạnh đó, công ty này cũng không lập đầy đủ sổ sách, chứng từ, tài liệu có liên quan để xác định sản lượng khai thác thực tế hàng năm.

Năm 2021 và năm 2023, sau thời hạn kỳ cuối cùng của năm phải nộp đủ tiền cấp quyền khai thác khoáng sản của năm đó, nhưng Công ty không nộp đủ số tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo quy định. Số tiền chưa nộp 2 kỳ của năm 2023 là hơn 1,3 tỷ đồng.

Đáng chú ý, Công ty Tuấn Thiện không nộp thiết kế mỏ đã phê duyệt cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về khoáng sản theo quy định.

Theo hồ sơ dự án  được phê duyệt và giấy chứng nhận đầu tư do UBND tỉnh cấp thì Công ty Tuấn Thiện được khai thác, chế biến tinh lọc cao lanh 100% (không được bán thô) để cung cấp sản phẩm phục vụ cho sản xuất gốm sứ, gạch men, sơn… Tuy nhiên, kết quả kiểm tra số liệu khai thuế của Sở Tài nguyên và Môi trường cho thấy, đến tháng 8/2023, Công ty Tuấn Thiện mới thực hiện chế biến tinh lọc cao lanh được 600 tấn, khối lượng còn lại đã xuất bán cao lanh thô (không thực hiện chế biến).

Phóng viên Báo Đầu tư tìm hiểu và được biết, mục tiêu của dự án là khai thác, chế biến cung cấp sản phẩm cao lanh phục vụ cho nguyên liệu sản xuất gốm sứ, gạch men, sơn và thủy tinh, nhưng từ năm 2017 đến tháng 8/2023, Công ty Tuấn Thiện đã xuất bán cao lanh thô, không thực hiện chế biến đối với toàn bộ khối lượng khai thác, không đúng với giấy phép khai thác khoáng sản đã cấp.

Ngày 12/11/2019, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam đồng ý cho Công ty Tuấn Thiện khai thác thu hồi khoáng sản đi kèm là cát xây dựng trong quá trình khai thác khoáng sản chính, thời hạn đến hết ngày 31/10/2020. Song, Sở Tài nguyên và Môi trường Lâm Đồng cho biết, trong năm 2021, Công ty Tuấn Thiện đã kê khai nộp thuế với khối lượng 515 m3 cát trong quá trình khai thác cao lanh, nhưng chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép gia hạn theo quy định.

Đặc biệt, kết quả đo đạc xác định, tổng diện tích bị tác động để hoạt động khai thác khoáng sản nằm ngoài ranh giới cấp phép lên đến 4,7 ha.

Nghiêm trọng hơn, kết quả đo đạc hiện trạng sử dụng đất cho thấy, Công ty Tuấn Thiện đang sử dụng diện tích 22,26 ha đất để hoạt động khoáng sản (khai thác, chế biến cao lanh), nhưng chưa hoàn thiện các thủ tục về đất đai theo quy định của Luật Đất đai năm 2013. “Đây là hành vi chiếm đất”, Sở Tài nguyên và Môi trường khẳng định.

Công ty Tuấn Thiện nói gì?

Giải trình về các tồn tại, sai phạm nêu trên, đại diện Công ty Tuấn Thiện cho biết, việc chậm tiến độ đầu tư, mới lắp đặt 1 tổ hợp dây chuyền chế biến cao lanh lọc, sàn lọc cát và chậm thuê đất là do khu vực dự án của Công ty mới được UBND tỉnh Lâm Đồng quy hoạch đất khoáng sản vào tháng 10/2023; hiện tại vẫn chưa được điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng ra khỏi quy hoạch khoáng sản.

“Công ty đã nhiều lần có văn bản kiến nghị điều chỉnh quy hoạch để đủ điều kiện thực hiện thủ tục thuê đất. Do khu vực thực hiện dự án chưa được điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch 3 loại rừng… nên hồ sơ xin đều bị trả lại”, đại diện Công ty Tuấn Thiện giải thích.

Về việc không chấp hành tạm dừng mọi hoạt động khai thác khoáng sản (cao lanh, cát) theo yêu cầu của UBND tỉnh ngày 3/9/2019 là do Công ty phải san gạt, cải tạo mặt bằng để bảo vệ khoáng sản chưa khai thác và bảo vệ môi trường trong phạm vi, diện tích đã cấp phép khai thác khoáng sản. Quá trình san gạt có phát hiện cao lanh xen kẹp nên đã chở về bãi tập kết để chế biến. Khối lượng này đã báo cáo, kê khai nộp thuế, phí đầy đủ.

Công ty này cho rằng, họ đã lắp đặt 1 tổ hợp dây chuyền chế biến cao lanh lọc và đã thực hiện chế biến khoáng sản theo quy định. Điều này là phù hợp với mục đích theo giấy phép khoáng sản được cấp.

Về khối lượng cát xây dựng đi kèm được thu hồi, Công ty Tuấn Thiện giải trình, từ ngày 31/10/2020, Công ty đã dừng hoạt động thu hồi cát. Khối lượng 515 m3 cát xuất bán năm 2021 là khối lượng cát tồn kho của năm 2020, việc xuất bán này đã kê khai nộp thuế trong năm 2021.

“Công ty chưa hoàn thiện các thủ tục về đất đai theo quy định của Luật Đất đai năm 2013 là do từ năm 2017 đến năm 2020, đã tự thỏa thuận đền bù, giải phóng mặt bằng với các hộ dân có đất trong phạm vi dự án. Trong phạm vi diện tích đất đã đền bù, Công ty hoạt động ổn định, không có khiếu kiện, tranh chấp. Công ty đã nhiều lần lập hồ sơ xin thuê đất, do các ngành chức năng của tỉnh Lâm Đồng không điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất (khu vực đã được Bộ Công thương quy hoạch mỏ khoáng sản), dẫn đến Công ty không được thuê đất nên chậm triển khai dự án”, đại diện Công ty Tuấn Thiện phân trần.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư