Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 09 tháng 05 năm 2024,
Nhật Bản điều chỉnh giảm tăng trưởng
Đông Phong - 08/09/2023 17:02
 
Tăng trưởng quý II/2023 được điều chỉnh giảm, cùng tiền lương tháng 7 sụt giảm đã đặt ra câu hỏi liệu nhu cầu nội địa có đủ mạnh để giúp kinh tế nước này tiếp tục phục hồi.
Theo dữ liệu điều chỉnh mới công bố, nền kinh tế Nhật Bản đạt tăng trưởng 4,8% trong quý II/2023. Ảnh: AFP
Theo dữ liệu điều chỉnh mới công bố, nền kinh tế Nhật Bản đạt tăng trưởng 4,8% trong quý II/2023. Ảnh: AFP

Theo dữ liệu điều chỉnh mới công bố, nền kinh tế Nhật Bản đạt tăng trưởng 4,8% trong quý II/2023, thấp hơn mức ước tính sơ bộ là 6,0% và thấp hơn dự báo của thị trường về mức mở rộng điều chỉnh 5,5%.

Theo dữ liệu tổng sản phẩm quốc nội (GDP) điều chỉnh, chi tiêu vốn và tiêu dùng tư nhân tại Nhật Bản đều giảm trong quý II, phản ánh tình trạng mong manh của nền kinh tế vốn đang đối mặt với những cơn gió nghịch từ sự suy yếu của hai "đầu tàu kinh tế" thế giới - Trung Quốc và Mỹ.

Trong khi đó, mức lương thực tế được điều chỉnh trong tháng 7 đánh dấu tháng giảm thứ 16 liên tiếp. Đây cũng là chỉ dấu cho thấy các hộ gia đình ở nước này tiếp tục gặp khó khăn do giá cả tăng cao.

Ông Takeshi Minami, nhà kinh tế trưởng tại viện nghiên cứu kinh tế Norinchukin, cho biết: "Xuất khẩu sang Trung Quốc suy yếu có thể khiến các nhà sản xuất Nhật Bản thận trọng khi đầu tư. Hy vọng rằng các công ty trong lĩnh vực dịch vụ sẽ khắc phục tình trạng trì trệ, mặc dù tiêu dùng chững lại có thể khiến họ không muốn chi tiêu".

Căn nguyên đằng sau việc điều chỉnh giảm tăng trưởng quý II là chi tiêu vốn giảm 1,0% so với ước tính ban đầu. Điều này làm dấy lên nghi ngờ về quan điểm của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) rằng chi tiêu mạnh mẽ của doanh nghiệp sẽ củng cố nền kinh tế sau đại dịch Covid-19. Thực tế, mức điều chỉnh giảm GDP lớn hơn dự báo trung bình của thị trường là 0,7%.

Chiếm hơn một nửa GDP Nhật Bản, tiêu dùng tư nhân đã giảm 0,6% trong quý II, cao hơn mức giảm ước tính ban đầu là 0,5%.

Xuất khẩu của Nhật Bản vẫn ổn định trong quý II khi cầu ngoại ròng đóng góp 1,8 điểm% vào tăng trưởng GDP, không thay đổi so với ước tính sơ bộ.

Tổng xuất khẩu của Nhật Bản trong nửa đầu tháng 8 đã giảm 5,0% so với cùng kỳ năm ngoái, sau mức giảm 0,3% trong tháng 7. Còn trong tháng 7, hàng hóa xuất khẩu sang Trung Quốc sụt giảm 13,4%, đánh dấu tháng giảm thứ 8 liên tiếp.

Xuất khẩu sụt giảm phản ánh tác động của suy thoái toàn cầu lên nền kinh tế Nhật Bản.

Ông Takeshi Minami, nhà kinh tế trưởng tại viện nghiên cứu kinh tế Norinchukin, cho rằng sẽ không ngạc nhiên nếu kinh tế Nhật Bản suy giảm liền hai quý còn lại của năm nay. "Cơ hội sớm chấm dứt chính sách tiền tệ siêu nới lỏng đang giảm dần", ông Minami đánh giá.

Sau đại dịch Covid-19, nền kinh tế Nhật Bản phục hồi chậm chạp kể từ đầu năm đến nay, do chi phí sinh hoạt tăng cao làm cản trở nhu cầu.

Đối mặt với những thách thức, các quan chức Ngân hàng Trung ương Nhật Bản vẫn khẳng định quyết tâm giữ chính sách tiền tệ siêu nới lỏng cho đến khi lạm phát do chi phí chuyển thành do sức cầu nội địa "ấm lên" và lương tăng.

BoJ: Tăng trưởng kinh tế Nhật Bản chậm lại do đại dịch COVID-19 kéo dài
Ngày 16/7, Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) đã quyết định hạ dự báo tăng trưởng của nền kinh tế nước này do lo ngại về các tác động kéo...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư