Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Nhất Tín Logistics hụt hơi với mục tiêu tham vọng
Anh Hoa - 07/06/2023 14:19
 
Với sự “hậu thuẫn” từ Quỹ MEF III của Mekong Capital, Công ty cổ phần Đầu tư Thương mại Phát triển Nhất Tín (Nhất Tín Logistics) đặt nhiều mục tiêu tham vọng, nhưng đang có biểu hiện hụt hơi bởi vấp phải nhiều rào cản.
Theo số liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông, doanh thu dịch vụ bưu chính, chuyển phát của Việt Nam năm 2022 đạt khoảng 52.300 tỷ đồng, tăng hơn 16% so với năm 2021. Hiện thị trường có gần 800 doanh nghiệp bưu chính, trong đó, số doanh nghiệp mới ra nhập thị trường tăng 12% trong năm 2022. Còn theo Allied Market Research, thị trường bưu chính chuyển phát Việt Nam sẽ đạt tốc độ tăng trưởng hơn 24% mỗi năm trong giai đoạn 2022 - 2030 và ước đạt doanh thu khoảng 114.680 tỷ đồng vào năm 2030 (gần 5 tỷ USD).
Nhất Tín Logistics đang “phủ sóng” dịch vụ ở 63 tỉnh, thành phố trên cả nước

Tầm nhìn đầy tham vọng

Trong phần tự giới thiệu về mình, Nhất Tín Logistics tự tin là doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực chuyển phát nhanh tại Việt Nam. Tuy nhiên, Công ty vừa trải qua một năm kinh doanh kém khả quan.

Cụ thể, năm 2022, Nhất Tín Logistics tiếp tục lỗ 25,24 tỷ đồng (lỗ tăng thêm 3,97 tỷ đồng so với năm 2021); vốn chủ sở hữu của Công ty giảm hơn 25 tỷ đồng, về 182,9 tỷ đồng. Trong đó, dự nợ trái phiếu trên vốn chủ sở hữu là 0,08 lần, tương ứng dư nợ vay trái phiếu khoảng 14,63 tỷ đồng; hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu là 2 lần, tương ứng nợ phải trả khoảng 365,81 tỷ đồng.

Theo dữ liệu của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), Nhất Tín Logistics từng phát hành 1 mã trái phiếu NTLCH2123001 vào ngày 12/11/2021, đáo hạn ngày 12/5/2023, mệnh giá 50 tỷ đồng, lãi suất 11,5%/năm. Mục đích huy động vốn là sử dụng 17,5 tỷ đồng đầu tư phương tiện vận tải; 10 tỷ đồng đầu tư kho bãi; 10 tỷ đồng mở rộng mạng lưới và bưu cục; 7,5 tỷ đồng bổ sung vốn lưu động; còn lại 5 tỷ đồng đầu tư công nghệ.

Đáng chú ý, Nhất Tín Logistics được coi là khoản đầu tư khá tiềm năng của Quỹ Mekong Enterprise Fund III (“MEF III”) của Công ty Quản lý quỹ Mekong Capital. Quỹ này đầu tư vào Nhất Tín Logistics năm 2017.

Cùng với Nhất Tín, một khoản đầu tư khác của Mekong Capital trong cùng ngành cũng báo lỗ lớn 2 năm liên tiếp. Năm 2016, Mekong Capital đầu tư vào Công ty cổ phần Giải pháp thương mại A Ba (Aba Cooltrans), doanh nghiệp chuyên vận tải đồ đông lạnh. Năm 2022, Aba Cooltrans ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất đạt 325 tỷ đồng, gần như đi ngang so với năm 2021; lợi nhuận sau thuế hợp nhất lỗ 46 tỷ đồng. Trước đó, năm 2021, Aba Cooltrans cũng lỗ 44 tỷ đồng. Về phía nguồn vốn, nợ phải trả của Aba Cooltrans ở mức 349 tỷ đồng, còn nợ vay là 276,5 tỷ đồng.

Theo số liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông, doanh thu dịch vụ bưu chính, chuyển phát của Việt Nam năm 2022 đạt khoảng 52.300 tỷ đồng, tăng hơn 16% so với năm 2021. Hiện thị trường có gần 800 doanh nghiệp bưu chính, trong đó, số doanh nghiệp mới ra nhập thị trường tăng 12% trong năm 2022.

 Còn theo Allied Market Research, thị trường bưu chính chuyển phát Việt Nam sẽ đạt tốc độ tăng trưởng hơn 24% mỗi năm trong giai đoạn 2022 - 2030 và ước đạt doanh thu khoảng 114.680 tỷ đồng vào năm 2030 (gần 5 tỷ USD).

Theo điều khoản bảo mật, giá trị của hai thương vụ này không được tiết lộ, nhưng với quy mô các khoản đầu tư của Mekong Capital, số tiền quỹ này cam kết bỏ ra thường dao động từ 6 triệu USD đến 15 triệu USD.

Trở lại với Nhất Tín Logistics, ở bước khởi đầu khiêm tốn với 15 xe trọng tải nhẹ, Công ty đã phục vụ chuyển phát tận nơi (Door-to-Door) tại 4 khu vực thành phố chính. Ba năm sau, vào năm 2017, Nhất Tín Logistics đã nhanh chóng khẳng định vị thế, trở thành công ty dẫn đầu trong phân khúc B2B.

Tiếp tục mở rộng mạng lưới, đến năm 2018, Nhất Tín Logistics bắt đầu sinh lời. Trong giai đoạn này, Công ty duy trì mức tăng trưởng hai chữ số về doanh thu và số lượng hàng hóa chuyên chở.

Vào quý I/2019, Nhất Tín Logistics tuyên bố tầm nhìn tham vọng cho năm 2023 và mọi thứ bắt đầu thay đổi rất nhanh. Công ty đã có định hướng rõ ràng và đội ngũ quản lý có thể triển khai nguồn lực để đạt được những dấu mốc quan trọng.

Có thể, sự “hậu thuẫn” tài chính từ Mekong Capital đã giúp Nhất Tín Logistics được tiếp thêm động lực vươn tới mục tiêu lọt top 3 về quy mô và mạng lưới chuyển phát tại Việt Nam vào năm 2023. Thời điểm đó, khi chia sẻ với giới truyền thông, ông Nguyễn Văn Tú, Tổng giám đốc Nhất Tín Logistics khá tự tin về tham vọng này. Đặc biệt, khoản đầu tư của Mekong Capital sẽ giúp Công ty đầu tư mở rộng diện tích kho bãi, tăng số lượng hệ thống bưu cục, áp dụng công nghệ để tối ưu hóa vận hành.

Không chỉ cung cấp dịch vụ chuyển phát tận nơi, Nhất Tín Logistics còn có kế hoạch mở rộng đầu tư lĩnh vực cho thuê  kho bãi, cho thuê xe và cung cấp dịch vụ hoàn tất đơn hàng
Không chỉ cung cấp dịch vụ chuyển phát tận nơi, Nhất Tín Logistics còn có kế hoạch mở rộng đầu tư lĩnh vực cho thuê kho bãi, cho thuê xe và cung cấp dịch vụ hoàn tất đơn hàng

Vấp phải “ông lớn”

Chiến lược đưa Nhất Tín Logistics lọt top 3 về quy mô và mạng lưới trong ngành chuyển phát nhanh, top 5 trong mảng chuyển phát cho thương mại điện tử (e-logistics) đối với thương hiệu Nhất Tín Express đang vấp phải nhiều rào cản.

Giới chuyên môn cho rằng, đó là mục tiêu đầy thách thức khi 5 công ty lớn trong ngành chuyển phát, gồm Vietnam Post, Viettel Post, EMS, SPT, Nasco Express đã nắm trong tay hơn 60% thị phần doanh thu dịch vụ bưu chính.

Dẫu vậy, các tên tuổi này cũng trải qua một năm kinh doanh đầy biến động.

Tổng công ty Chuyển phát nhanh Bưu điện - CTCP (EMS) năm 2022 đạt tổng doanh thu 2.235 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế 71,33 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu dịch vụ bưu chính chuyển phát đạt 2.044 tỷ đồng, doanh thu dịch vụ đại lý và các dịch vụ khác đạt 191 tỷ đồng.

Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post) năm 2022 đạt tổng doanh thu công ty mẹ  khoảng 24.426 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế đạt khoảng 550 tỷ đồng. Năm 2023,

Vietnam Post đặt kế hoạch doanh thu 21.206 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế công ty mẹ đạt 600 tỷ đồng; tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu của công ty mẹ là 5,7%.

Trong khi đó, Tổng công ty cổ phần Bưu chính Viettel (Viettel Post) đạt doanh thu  21.235 tỷ đồng, tăng trưởng 9,5% so với năm 2021. Trong đó, doanh thu bưu chính đạt 6.588 tỷ đồng, tăng trưởng 10,5%; lợi nhuận trước thuế ước đạt 389,44 tỷ đồng, tăng trưởng 5,2% so với năm 2021.

Đáng chú ý, theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, nhiều doanh nghiệp trong ngành lợi dụng chính sách giảm giá, khuyến mại, chiết khấu để cung cấp dịch vụ bưu chính với giá thấp, thậm chí dưới giá thành, dẫn đến tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các đơn vị bưu chính trên thị trường.

Điều này khiến các doanh nghiệp chuyển phát trong nước rơi vào cuộc cạnh tranh không bình đẳng và khá gay gắt về giá trên thị trường.

Đối với Nhất Tín Logistics, CEO của công ty này khẳng định, Nhất Tín sẽ không chỉ dừng ở cung cấp dịch vụ chuyển phát tận nơi, mà còn mở rộng sang lĩnh vực cho thuê kho bãi, cho thuê xe và cung cấp dịch vụ hoàn tất đơn hàng. Đây là lĩnh vực mà Công ty sẽ ưu tiên đầu tư và kỳ vọng tăng trưởng cao.

Để cạnh tranh với các đối thủ ngoại, giống như Viettel Post và Vietnam Post, Nhất Tín Logistics cũng thực hiện chiến lược phủ rộng mạng lưới về tuyến xã - nơi mà các công ty nước ngoài khó “phủ sóng”. Hiện Công ty đã bao phủ tất cả 63 tỉnh, thành phố.

Đặc biệt trong năm 2020 - 2021, Nhất Tín Logistics đã đưa vào hoạt động Trung tâm Khai thác chia chọn hàng hóa tại Khu công nghiệp Sóng Thần (Bình Dương) và Khu công nghiệp Văn Giang (Hưng Yên) với tổng diện tích sử dụng lên đến hơn 50.000 m2, chưa kể hàng chục kho khác trên cả nước. 

Nhờ đó, Công ty đạt khả năng xử lý hơn 50.000 vận đơn/ngày, duy trì mức tăng trưởng doanh thu trung bình 35 - 40%/năm những năm qua. Đặc biệt, Nhất Tín Logistics đã trở thành đối tác của các thương hiệu mạnh như Thế giới Di động, FPT Shop, TCL, Digiworld, Amway, Herbalife, Guardian…

Trong mảng chuyển phát cho e-logistics, Nhất Tín Logistics phát triển một mảng riêng mang tên Nhất Tín Express. Đây là công ty tập trung phục vụ vận chuyển nhóm khách hàng kinh doanh thương mại điện tử B2C (từ doanh nghiệp tới khách hàng) và D2C (từ nhà sản xuất đến người tiêu dùng) bằng những mô hình bưu cục di động. Riêng mảng này, Công ty đặt mục tiêu trong vòng 2 năm tới sẽ đứng trong top 5 trên thị trường e-logistics.

Tuy nhiên, Nhất Tín Express cũng đối mặt với lực cản lớn khi thị trường chuyển phát đang có tới hơn 500 doanh nghiệp, cộng với sự xuất hiện liên tục của những gương mặt mới. Công ty phải đương đầu với những tên tuổi đang bùng nổ như Best Inc, InExpress, J&T Express, ZTO Express, Giao Hàng Nhanh, Giao hàng tiết kiệm… Đặc biệt, Giao hàng tiết kiệm còn đang thử nghiệm để trở thành đối tác giao hàng cho các đơn hàng online của Apple tại Việt Nam.

E-logistics nói chung và giao nhận bưu chính nói riêng được dự báo tiếp tục tăng trưởng, nên chiến lược nhượng quyền thương hiệu logistics chắc chắn sẽ ngày càng phổ biến. Thời gian qua, các tên tuổi tăng độ “phủ sóng” mạnh mẽ cũng nhờ chiến lược này.

Theo giới đầu tư, các mảng kinh doanh liên quan đến logistics ở Việt Nam vẫn là mảnh đất màu mỡ nhờ vào nhu cầu ngày càng gia tăng của các ngành bán lẻ và thương mại điện tử. Các nghiên cứu của Mekong Capital khi quyết định rót vốn vào Nhất Tín Logistics cũng chỉ ra rằng, ngành này có tính phân mảnh lớn và do đó rất hấp dẫn đối với những nhà cung cấp dịch vụ chất lượng, tin cậy và không ngừng sáng tạo để đáp ứng nhu cầu của cho khách hàng. Đây cũng chính là những giá trị cốt lõi trong hoạt động của Nhất Tín Logistics mà quỹ này kỳ vọng sẽ là khoản đầu tư sinh lời khi Công ty phát triển với tốc độ nhanh chóng.

Nhất Tín Logistics - Công ty vận chuyển với tốc độ phát triển thần tốc
Ra đời năm 2014 với trụ sở chính tại TP. Hồ Chí Minh, cùng với 8 chi nhánh tại Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, Nha Trang, Đồng Nai, Bình Dương và Cần Thơ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư