Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 04 năm 2024,
Nhiệt điện Kiên Lương: trở đi mắc núi, trở lại mắc sông
Hoàng Nam - 26/06/2013 07:18
 
Mặc dù tỉnh Kiên Giang đã đề xuất Bộ Công thương trình Chính phủ xem xét, quyết định tìm nhà đầu tư mới cho Dự án Nhiệt điện Kiên Lương vốn được giao cho Công ty cổ phần Đầu tư và Công nghiệp (ITA) phát triển, nhưng nhà đầu tư dường như không muốn rút lui.
TIN LIÊN QUAN

Trong buổi làm việc gần đây với Bộ Công thương, phía đại diện ITA cho biết, sẽ báo cáo HĐQT về những vấn đề mà Bộ Công thương đặt ra với Dự án Nhiệt điện Kiên Lương để sớm có câu trả lời dứt khoát.

Trước đó, vào tháng 5/2013, tại buổi làm việc với tỉnh Kiên Giang, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng cho rằng, dự án trên không khả thi, nếu cứ giữ nhà đầu tư như hiện nay.

Những yêu cầu từ phía nhà đầu tư đưa ra chưa có tiền lệ và rất khó đáp ứng được, do đó, tỉnh Kiên Giang sớm có văn bản khẳng định quan điểm dứt khoát thu hồi dự án này, để tìm nhà đầu tư khác đủ năng lực hơn.

Theo Tổng sơ đồ điện 7 được phê duyệt năm ngoái, đến năm 2018, Nhà máy Nhiệt điện Kiên Lương phải phát điện, nhưng đến nay, điều này gần như chắc chắn không thể thực hiện, cho dù có thay nhà đầu tư ngay.

Được tuyên truyền rầm rộ trên các phương tiện thông tin đại chúng vào tháng 4/2008, khi ITA vẫn chưa được chấp thuận là nhà đầu tư chính thức tại Dự án nhiệt điện Kiên Lương, thông tin về trung tâm nhiệt điện có quy mô lớn nhất Việt Nam lên tới 4.400 MW, do một nhà đầu tư tư nhân triển khai khi đó được xem như một cú hích cho cổ phiếu ITA trong thời điểm thị trường chứng khoán Việt Nam đang ở đỉnh cao.

Ở thời điểm đó, trong khi ITA không ngừng thông tin cập nhật về khả năng đầu tư của mình với Dự án Nhiệt điện Kiên Lương, thì đã có không ít chuyên gia đặt vấn đề về năng lực của ITA, với câu hỏi: “Liệu nhà đầu tư này có đủ khả năng để phát triển một dự án điện quy mô lớn, vốn đầu tư lớn với nguyên liệu than phải nhập khẩu hoàn toàn như Kiên Lương hay không?”.

Câu hỏi đó không phải là thừa, bởi trước đó, ITA chưa hề đầu tư một dự án điện nào, không sở hữu hay có quyền khai thác một mỏ than nào ở trong và ngoài nước, để có thể cung cấp cỡ 15 triệu tấn than/năm cho Dự án Nhiệt điện Kiên Lương 1 với giá bán điện hợp lý, khi mà Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) bán tới các hộ tiêu thụ chỉ là 842 đồng/kWh.

Mặt khác, các chuyên gia cũng cho rằng, mức vốn đầu tư mà ITA dự kiến cho Nhà máy Nhiệt điện Kiên Lương với quy mô 4.400 MW lên tới 6,7 tỷ USD, cao hơn so với suất đầu tư một nhà máy nhiệt điện than thông thường khi đó.

Nhưng điểm đáng kể nhất chính là hình thức sở hữu được nhà đầu tư đưa ra với Dự án Nhiệt điện Kiên Lương. Thay vì vận hành theo hình thức xây dựng - vận hành - chuyển giao (BOT), Dự án Nhiệt điện Kiên Lương lại chọn mô hình xây dựng - vận hành - sở hữu (BOO). Điểm khác biệt đáng kể giữa việc vận hành và sau đó chuyển giao lại cho Nhà nước của các dự án điện BOT với dự án BOO Kiên Lương đã khiến dự án rơi vào bế tắc, khi ITA muốn được Chính phủ bảo lãnh toàn bộ cho các nghĩa vụ của mình để xây dựng và vận hành Nhà máy.

Góp ý nội dung bảo lãnh của Chính phủ cho Dự án Nhiệt điện Kiên Lương liên quan đến bảo lãnh ngoại tệ, Ngân hàng Nhà nước khi đó cho hay: “Cần giới hạn phạm vi và các vấn đề sẽ bảo lãnh, chỉ xem xét những nội dung thiết yếu nhất, đảm bảo hỗ trợ cho Dự án, song phải phù hợp với chính sách phát triển kinh tế - xã hội chung của Việt Nam hiện nay”.

Theo đó, nhà đầu tư phải giải trình chi tiết các vấn đề liên quan đến nhu cầu chuyển đổi ngoại tệ cho Dự án, nhu cầu trả nợ hàng tháng/năm với các giao dịch có liên quan đến nước ngoài, cũng như nêu rõ tính chất và thứ tự ưu tiên về nhu cầu ngoại tệ với từng giao dịch. Từ đó, Ngân hàng Nhà nước mới có thể đề xuất mức độ bảo lãnh ngoại tệ, nhằm đáp ứng một phần nhu cầu của dự án BOO Kiên Lương 1, sao cho hài hòa và phù hợp với chính sách tiền tệ quốc gia từng thời kỳ.

Cũng không đồng ý bảo lãnh ở mức cao như với các dự án BOT khác, các chuyên gia cho rằng, Dự án Nhiệt điện Kiên Lương là dự án BOO, nên không hoàn toàn giống các dự án BOT khác, khi Nhà nước sẽ không nhận chuyển giao nhà máy. Vì vậy, các cam kết bảo lãnh Chính phủ phải giảm thiểu so với các dự án BOT khác. Đó là chưa kể, nếu chủ đầu tư mang bán dự án cho các nhà đầu tư nước ngoài khác, thì các ưu đãi này lại chảy ra ngoài.

Được biết, trong các thông báo của mình tới các cơ quan hữu trách, ITA cũng đề cập việc tìm kiếm thêm các nhà đầu tư nước ngoài để góp vốn làm dự án này.

Nguồn tin của phóng viên Báo Đầu tư điện tử - baodautu.vn cũng cho hay, trong buổi làm việc mới đây, Bộ Công thương nhắc tới khả năng chủ đầu tư nên chuyển sang đầu tư theo hình thức BOT, nếu không đủ vốn để tự mình triển khai Dự án, thì mới có thể tính chuyện đề nghị Chính phủ bảo lãnh cho như các dự án BOT điện khác.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư