Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 21 tháng 12 năm 2024,
Nhiều cổ đông ngân hàng sẽ lại... nhịn cổ tức
Thùy Vinh - 17/08/2014 09:33
 
Không còn là cổ phiếu vua, nhà đầu tư lỡ rót vốn vào cổ phiếu ngân hàng, chỉ còn cách trông chờ cổ tức, dù ít ỏi, vì giá cổ phiếu ngân hàng đã sụt giảm mạnh. Nhưng kết quả lợi nhuận thu về trong hoạt động sụt giảm đáng kể trong năm qua và dự báo hoạt dộng ngân hàng còn tiếp tục khó khăn trong năm nay. Vì thế, cổ tức chi trả cho cổ đông của các ngân hàng cũng sụt giảm theo, thấp hơn nhiều so với lãi suất tiết kiệm hiện hành.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Cổ đông bức xúc với cổ tức ngân hàng
Cổ tức ngân hàng giảm mạnh do nợ xấu
Cổ tức ngân hàng xuống đáy
  Cổ tức ngân hàng thấp hơn nhiều so với lãi suất tiết kiệm hiện hành.  
  Lợi nhuận giảm mạnh, năm 2013, Southern Bank không chi trả cổ tức  

Nếu trước đây, khi rót vốn vào cổ phiếu ngân hàng, ngoài việc kỳ vọng giá tăng, nhà đầu tư còn trông chờ vào cổ tức hàng năm và nguồn thặng dư bằng cổ phiếu thưởng, thì 2 năm trở lại đây, không chỉ giá giảm xuống mức đáy, mà cổ tức nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng bị cắt giảm mạnh, hiện chỉ  2 - 3%.

Thậm chí, một số ngân hàng hoạt động kém hiệu quả còn mất luôn khả năng chi trả cổ tức, với lý do dùng mọi nguồn lực để trích lập dự phòng, nhất là khi xu hướng nợ xấu vẫn gia tăng.

Tỷ lệ cổ tức mà Southern Bank dự kiến chi trả cho cổ đông năm 2013 là 8%. Tuy nhiên, lợi nhuận của nhà băng này giảm đến 97% trong năm 2013, chỉ đạt 18 tỷ đồng, trong khi chỉ tiêu cả năm là 560 tỷ đồng, nên Southern Bank đã “xù” cổ tức với cổ đông. Thực tế là, năm 2012, Southern Bank cũng đưa ra kế hoạch cổ tức 10%, nhưng kết quả cổ đông chỉ nhận được mức cổ tức 2,1%, với lý do “lợi nhuận năm rồi giảm mạnh”.

Trong 2 năm qua, Navibank không có khả năng chi trả cổ tức cho các cổ đông và tình trạng này sẽ tiếp diễn trong năm nay, do lợi nhuận giảm mạnh. Tổng lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm của Navibank đạt trên 3,76 tỷ đồng, nhưng nợ xấu vẫn trên 3%. Navibank là ngân hàng đang quá trình tái cơ cấu theo yêu cầu bằng nguồn lực nội tại, nên cổ đông khó kỳ vọng được chia cổ tức trong năm nay.

Một số nhà băng khác đang trong quá trình tái cơ cấu, như PGBank, SCB hay VNCB… cũng rất khó chi trả cổ tức cho cổ đông, mà chủ yếu dành nguồn lợi nhuận để phục vụ việc tái cơ cấu.

Đáng chú ý, khối ngân hàng có vốn điều lệ đạt 3.000 tỷ đồng, tỷ lệ cổ tức chi trả cho cổ đông giảm còn 1,5 - 2%. So với trần lãi suất tiết kiệm 6%/năm hiện nay, thì tỷ lệ chi trả cổ tức này chưa bằng một nửa.

NamA Bank cũng vừa có thông báo về việc tạm ứng cổ tức năm 2013 cho cổ đông ở mức 3,42% cho cổ đông nhỏ, có vốn bình quân dưới 10 tỷ đồng và 7% cho cổ đông có vốn bình quân trên 10 tỷ đồng. Năm 2014, Nam A Bank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế ở mức 210 tỷ đồng so với mức thực hiện của năm trước là hơn 180 tỷ đồng, tuy nhiên, theo ông Trần Ngô Phúc Vũ, Tổng giám đốc Nam A Bank, bối cảnh khó khăn của thị trường năm 2013 đã ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh, nên kết quả lợi nhuận thu về không như kỳ vọng. Cổ tức NamA Bank đặt ra năm nay ở mức khoảng 7%.

Liên quan đến cổ tức ngân hàng, một luồng ý kiến trái chiều lại cho rằng, khó có thể tránh được việc các ngân hàng đang giấu bớt lợi nhuận để không phải chia cổ tức cho cổ đông trong bối cảnh hiện nay.

Thực tế, đối với các ngân hàng có lợi nhuận tốt, như Eximbank, Techcombank hay Sacombank…, tỷ lệ cổ tức cũng có chiều hướng thay đổi, giảm dần trước bối cảnh thị trường khó khăn.

TS. Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho rằng, trong bối cảnh thị trường khó khăn, ảnh hưởng đến lợi nhuận, ngân hàng khó đáp ứng được cổ tức cho cổ đông, nhất là với những ngân hàng yếu đang quá trình tái cơ cấu càng đòi hỏi trước hết là trích lập dự phòng, đảm bảo rủi ro. Do đó, lợi nhuận thu về phải đáp ứng được điều kiện này trước khi chia cổ tức.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư