Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Nhiều cổ phiếu trụ cột được kéo mạnh cuối phiên, hàng bắt đáy NVL bị “nhốt”
Thanh Long - 24/11/2022 16:43
 
Phiên 24/11, VN-Index và HNX-Index giao dịch phần lớn thời gian trong sắc đỏ. Tuy nhiên, lực cầu bất ngờ dâng cao vào cuối phiên đã giúp cả hai chỉ số này kết thúc trong sắc xanh.

Trước việc áp lực bán tăng vọt ở cuối phiên ngày 23/11, tâm lý nhà đầu tư tỏ ra thận trọng, khiến thị trường rơi vào trạng thái giằng co rung lắc mạnh ở phiên giao dịch ngày 24/11.

Hai chỉ số VN-Index và HNX-Index mở cửa phiên giao dịch ngày thứ Năm trong sắc đỏ khi áp lực bán xuất hiện ở hàng loạt nhóm ngành cổ phiếu. Tuy nhiên, sự phân hóa ở phiên này vẫn là mạnh nên trạng thái giằng co rung lắc diễn ra xuyên suốt cả phiên.

Có thời điểm VN-Index và HNX-Index được kéo lên sắc xanh, nhưng sau đó nhanh chóng giảm trở lại bởi áp lực quá lớn từ một số nhóm ngành cổ phiếu. Sắc đỏ duy trì trong hầu hết thời gian của phiên giao dịch.

Tâm lý nhà đầu tư tiêu cực hơn khi ngay từ đầu phiên giao dịch NVL và PDR đều tiếp tục bị bán xuống mức giá sàn với lượng lớn dư bán giá sàn. Phiên chiều ngày 24/11 cũng là thời điểm hơn gần 130 triệu cổ phiếu NVL được mua vào hôm 22/11 về tài khoản nhà đầu tư. Tuy nhiên, lượng hàng này ngay lập tức “bị nhốt” lại. Tính đến hết phiên hôm nay, NVL đã có 16 phiên giảm sàn liên tiếp, giá cổ phiếu giảm từ 69.200 đồng/cổ phiếu xuống chỉ còn vỏn vẹn 21.950 đồng/cổ phiếu. Lượng dư bán giá sàn của NVL vào cuối phiên là gần 46 triệu đơn vị.

Diễn biến tương tự cũng xảy ra với PDR. Tuy chưa thực sự được “giải cứu” ở phiên ngày 22/11, nhưng phiên này cũng có gần 35 triệu cổ phiếu được khớp lệnh. Dù vậy hôm nay, cổ phiếu này vẫn “chất” dư bán sàn hơn 100 triệu đơn vị và khớp lệnh vỏn vẹn vài trăm nghìn đơn vị.

Sự phân hóa diễn ra mạnh mẽ, nhà đầu tư chứng kiến được hàng loạt cổ phiếu giảm mạnh, thậm chí giảm sàn nhưng cũng có rất nhiều mã tăng mạnh (tăng trần). Trong đó, ở nhóm bán lẻ với việc MWG giảm sàn khiến áp lực bán lan rộng đến toàn ngành này. Cả FRT, PET hay DGW đều bị kéo xuống mức giá sàn. 

Tương tự, với việc giá dầu thế giới lao dốc vào hôm qua, nhóm cổ phiếu dầu khí cũng đồng loạt giảm sâu, trong đó, PVS giảm 6,1%, PVC giảm 4,9%, PVD giảm 4,4%, PGS giảm 3,7%, GAS giảm 2,2%...

Biến động bất ngờ xảy ra vào cuối phiên khi lực cầu bất ngờ tăng vọt ở một số cổ phiếu lớn đặc biệt là nhóm ngân hàng và chứng khoán.

Trong đó, HCM bật tăng đến 5,9%, lên 18.750 đồng/cổ phiếu; HPG tăng 4%, lên 14.350 đồng/cổ phiếu. Cả hai cổ phiếu này trước đó đều giảm sàn trong phiên ngày 23/11. Tương tự, STB, VRE, PLX, VNM, VIC, ACB… cũng đồng loạt tăng giá mạnh ở phiên này.

Các cổ phiếu có mức ảnh hưởng lớn nhất đến VN-Index. Nguồn: VNDirect.

Chính việc hàng loạt nhóm ngành cổ phiếu trụ cột bật tăng mạnh vào cuối ngày cũng giúp VN-Index và HNX-Index kết phiên trong sắc xanh.

Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 1,71 điểm (0,18%) lên 947,71 điểm. Toàn sàn có 218 mã tăng, 214 mã giảm và 72 mã đứng giá. HNX-Index tăng 0,22 điểm (0,12%) lên 191,22 điểm. Toàn sàn có 72 mã tăng, 97 mã giảm và 46 mã đứng giá. UPCoM-Index giảm 0,28 điểm (-0,41%) xuống 67,4 điểm.

Tổng giá trị giao dịch đạt 9.341 tỷ đồng, trong đó, giá trị giao dịch khớp lệnh đạt gần 7.900 tỷ đồng. Riêng sàn HoSE, giá trị giao dịch khớp lệnh đạt gần 7.000 tỷ đồng. Như vậy, thanh khoản thị trường tiếp tục đi xuống so với phiên hôm qua.

Khối ngoại đẩy mạnh mua ròng 290 tỷ đồng ở riêng sàn HoSE trong phiên này. Trong đó, dòng vốn ngoại sàn này mua ròng mạnh các mã FUEVFVND (82 tỷ đồng), VNM (72 tỷ đồng), BID (28 tỷ đồng). Chiều ngược lại, các mã bị bán ròng mạnh có FUESSV50 (26 tỷ đồng), GAS (20 tỷ đồng), KDH (16 tỷ đồng)…


Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư