Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 19 tháng 03 năm 2024,
Nhiều dự án điện gió muốn kéo dài tiến độ
Thanh Hương - 16/08/2021 08:29
 
Tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp hiện nay được nhiều địa phương và doanh nghiệp cho là lý do khiến dự án điện gió khó về đích đúng hẹn.
Nhiều Dự án điện gió vẫn đang loay hoay tìm nhà vận chuyển đảm bảo an toàn
Nhiều dự án điện gió vẫn đang loay hoay tìm nhà vận chuyển đảm bảo an toàn.

Muốn được kéo dài 3-6 tháng

Trà Vinh, Sóc Trăng, Gia Lai đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương và các cơ quan hữu trách việc kéo dài thời gian của Quyết định 39/2018/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định 37/2011/QĐ-TTg về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió tại Việt Nam thêm 3-6 tháng nữa trong điều kiện dịch bệnh như hiện nay.

Trà Vinh là địa phương được bổ sung 9 dự án điện gió có công suất 666 MW vào quy hoạch điện. Hiện tỉnh đã chấp thuận chủ trương đầu tư cho 8 dự án điện gió với tổng công suất 570 MW và đang làm thủ tục cho một dự án nữa với công suất 96 MW. Lãnh đạo địa phương cho biết, có 6 dự án đang được tỉnh tập trung hỗ trợ, tạo điều kiện cho nhà đầu tư có thể thi công, kịp vận hành trước ngày 1/11/2021 để được hưởng mức giá ưu đãi như Quyết định 39/2018/QĐ-TTg.

Trong khi đó, Gia Lai có 16 dự án với tổng công suất 1.192 MW được đồng ý bổ sung vào quy hoạch điện gió. Cùng với Dự án điện gió HBRE 50 MW đã được bổ sung trước đó, tỉnh có 17 dự án với tổng công suất 1.242 MW, đều đã được tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư.

Tại Sóc Trăng, nơi có 20 dự án với tổng công suất 1.435 MW được bổ sung vào quy hoạch, tỉnh đã hoàn thành thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư cho 16 dự án, với tổng công suất 1.095 MW, trong đó 11 dự án đang thi công.

Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), hết ngày 3/8/2021, có tổng cộng 106 nhà máy điện gió gửi văn bản, hồ sơ đăng ký thử nghiệm và đề nghị công nhận ngày vận hành thương mại với tổng công suất 5.655,5 MW.

Ngày 3/8/2021 là thời hạn cuối cùng để các chủ đầu tư nhà máy điện gió gửi văn bản và hồ sơ theo quy định cho bên mua điện muộn cho kịp mốc 90 ngày để được hưởng giá điện gió theo Quyết định 39/2018/QĐ-TTg.

Theo các địa phương trên, hiện có tình trạng một số dự án không kịp hoàn thành để đưa vào vận hành thương mại trước tháng 11/2021. Nguyên nhân chủ yếu do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 khiến tiến độ cung cấp tua-bin bị chậm, thời gian thi công lắp đặt kéo dài, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá, xuất nhập cảnh của chuyên gia nước ngoài bị gián đoạn.

Trong khi đó, tới thời điểm giá ưu đãi hết hiệu lực vào ngày 1/11/2021 chỉ còn chưa đến 3 tháng, rất khó để huy động nhân lực, máy móc thi công. Đó là chưa kể tới hàng loạt vướng mắc trong quá trình thi công như vận chuyển thiết bị điện gió siêu trường, siêu trọng từ cảng biển tới chân công trình trên các tuyến giao thông phải nâng độ cao tĩnh không của các đường dây điện, cáp viễn thông, mở rộng bán kính cong của đường giao thông.

Với thực tế trên, Sóc Trăng, Gia Lai, Trà Vinh đã đề nghị Chính phủ, Bộ Công thương cho phép gia hạn áp dụng Quyết định 39/2018/QĐ-TTg về giá mua điện gió tới ít nhất là ngày 31/12/2021 hoặc tới hết tháng 3/2022.

Tất nhiên, điều kiện để được gia hạn là các dự án đang triển khai thi công, có chứng minh về hợp đồng mua bán điện được ký, hợp đồng mua sắm thiết bị được ký, báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế kỹ thuật được phê duyệt, đã thực hiện xong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng và đang triển khai thi công trên thực tế…

Bài toán tiền tươi

Không phải tới thời điểm hiện nay mới có các đề nghị gia hạn thời gian được hưởng giá mua điện ưu đãi tại Quyết định 39/2018/QĐ-TTg đối với các dự án điện gió. Từ tháng 3/2020, Hiệp hội Điện gió Bình Thuận đã gửi kiến nghị tới Chính phủ việc gia hạn thêm 14 tháng, tức là tới hết năm 2022.

Vào tháng 4/2020, Bộ Công thương cũng đề nghị Chính phủ kéo dài thời điểm áp dụng cơ chế giá điện cố định cho các dự án điện gió tại Quyết định 39/2018/QĐ-TTg tới hết ngày 31/12/2023 và sau năm 2023, sẽ tiến hành áp dụng cơ chế đấu thầu, đấu giá cạnh tranh.

Ở thời điểm tháng 3-4/2020, đã có 78 dự án điện gió được bổ sung vào Quy hoạch Phát triển điện lực với công suất khoảng 4.880 MW, trong đó có 11 dự án điện gió vận hành với tổng công suất 377 MW; 31 dự án đã ký hợp đồng mua bán điện với tổng công suất 1.662 MW có kế hoạch đi vào vận hành trong năm 2020 và 2021.

Đáng nói là, ở thời điểm đó, chưa có Văn bản 795/TTg-CN ngày 25/6/2020 với 91 dự án điện gió mới được chấp thuận bổ sung vào quy hoạch điện, trong đó có nhiều dự án tại các tỉnh nói trên.

Thực tế trên khiến nhiều nhà đầu tư mới nhảy vào làm điện gió hy vọng sẽ được gia hạn thêm thời gian.

Theo dõi sát thực tế các dự án điện gió thời gian qua, chuyên gia về năng lượng tái tạo Nguyễn Bình, cũng là cổ đông trong một dự án điện gió ở khu vực miền Tây cho hay, nếu dòng tiền không sẵn sàng và đủ lớn, thì các nhà đầu tư sẽ gặp nhiều khó khăn trong quá trình triển khai dự án.

Cụ thể, tình trạng tua-bin có dấu hiệu khan hiếm đã được nhìn thấy ngay từ đầu năm 2020 khi xu hướng đổ xô vào đầu tư điện gió tại nhiều thị trường dâng cao, trong khi các nhà chế tạo thiết bị lại không nhiều và năng lực có giới hạn nhất định. Bởi vậy, việc đặt hàng thiết bị, chốt đơn và xuống ngay tiền tươi phải dứt điểm và nhanh chóng, bởi cò kè, chậm trả là mất hàng ngay.

Tiếp đó, việc vận chuyển các thiết bị siêu trường, siêu trọng, nhất là những cung đường xa, khó đi, nếu không nằm trong hợp đồng trọn gói từ mua bán thiết bị, vận chuyển, lắp đặt, bảo dưỡng với nhà cung cấp tua-bin, thì cũng phải triển khai sớm, chứ không thể để… nước đến chân mới thuê.

Nguyên do là có những cung đường, thiết bị, cơ quan hữu trách phải khảo nghiệm thực tế trước khi tiến hành cấp giấy phép. Một số con đường phải có sự chuẩn bị trước mới đạt được tiêu chuẩn về bán kính cong khi vận chuyển các cánh quạt gió dài hơn 70 m. Chưa kể, các đơn vị có năng lực và vận chuyển được an toàn thiết bị siêu trường siêu trọng cũng không nhiều.

“Có những dự án, thiết bị mới bắt đầu tới cảng Việt Nam hồi tháng 3/2020, nhưng tới giữa tháng 8/2020 đã lắp gần xong cỡ 60 trụ gió với công suất hơn 4 MW/trụ. Nguyên do, họ chấp nhận xuống tiền nhanh, tiền thật, bên cạnh việc biết lựa chọn vị trí thuận lợi vận chuyển, dù tốc độ gió có kém hơn một chút so với những nơi đèo núi xa xôi”, ông Bình nói.

Nguồn tin của Báo Đầu tư từ phía các cơ quan hữu trách cho hay, chuyện gia hạn thời gian hưởng giá mua điện gió ưu đãi theo Quyết định 39/2018/QĐ-TTg thêm 3-6 tháng sẽ không dễ dàng trước thực tế nhiều doanh nghiệp điện gió vẫn về đích đúng hạn và tiêu thụ điện nói chung ế như hiện nay.

Doanh nghiệp chờ chính sách mới về điện gió, điện mặt trời
Đã hơn nửa năm trôi qua kể từ ngày cơ chế phát triển điện mặt trời hết hiệu lực vào đầu năm 2021, nhưng vẫn chưa thấy chính sách mới...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư