Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 21 tháng 09 năm 2024,
Nhiều lễ hội đặc sắc tại Quảng Ninh thu hút khách du Xuân Giáp Thìn 2024
Quỳnh Nga - 19/02/2024 15:57
 
Ngoài vịnh Hạ Long nổi tiếng, Quảng Ninh còn được biết đến với nhiều lễ hội hấp dẫn được tổ chức hằng năm, trở thành điểm hẹn của đông đảo du khách trong và ngoài nước đến tham quam mỗi dịp Tết đến xuân về.

Lễ hội Xuân Yên Tử 2024

Sáng nay 19/2 (tức ngày 10 tháng Giêng năm Giáp Thìn), Lễ khai hội Xuân Yên Tử năm 2024 đã diễn ra tại Khu di tích danh thắng Yên Tử.

Đây là một trong những lễ hội lớn và kéo dài nhất khu vực phía Bắc, thu hút hàng vạn tăng ni, Phật tử và du khách về với vùng đất phật linh thiêng để chiêm bái, vãn cảnh.

Các đại biểu làm lễ cung nghinh vào làm lễ khai hội Yên Tử.

Danh sơn Yên Tử là địa linh, là phúc địa của quốc gia, nơi gắn liền với tên tuổi và sự nghiệp vĩ đại của đức vua Trần Nhân Tông - Vị vua đã lãnh đạo quân và dân Đại Việt hai lần đánh thắng giặc Nguyên - Mông xâm lược. Sau hai cuộc kháng chiến lẫy lừng, khi đất nuớc đã thanh bình, ngài đã rời ngai vàng bệ ngọc, nhường ngôi cho con là vua Trần Anh Tông để chuyên tâm nghiên cứu đạo Phật.

Đến năm 1299, vua Trần Nhân Tông chính thức lên núi Yên Tử đi tu, lấy Phật danh là Điều Ngự Giác Hoàng, trở thành đệ nhất Tổ - Thiền phái Trúc Lâm. Chính vì lẽ đó, người đời sau luôn tâm niệm rằng Yên Tử chính là cái nơi khởi nguồn và ra đời của Thiền phái Trúc Lâm và vua Trần Nhân Tông chính là Đức Phật của đất nước Việt Nam.

Chùa Đồng trên đỉnh núi thiêng Yên Tử

Trải qua bao thăng trầm lịch sử, Yên Tử luôn ấp ủ trong mình hồn thiêng văn hóa Việt với hàng chục ngôi chùa, hàng trăm am tháp, hàng ngàn di vật cổ chứa đựng những giá trị tinh thần, tư tưởng của thiền phái Trúc Lâm và nền văn hóa rực rỡ thời Đại Việt.

Tinh thần phật giáo của Thiền Phái Trúc Lâm vẫn còn sống mãi trong nền văn hóa dân tộc, trong đó nổi bật nhất là tinh thần nhập thế, giao thoa sống động giữa đời và đạo. Với những giá trị văn hóa tinh thần to lớn đó, ngày nay, Yên Tử đã trở thành báu vật vô giá và là niềm tự hào không chỉ của người dân Quảng Ninh mà là của cả dân tộc Việt Nam.

Để tôn vinh và nâng tầm giá trị của Yên Tử, năm 2013 Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định công nhận Khu di tích Yên Tử là Di tích quốc gia đặc biệt. Hiện, tỉnh Quảng Ninh cùng với tỉnh Hải Dương, Bắc Giang đã hoàn chỉnh Hồ sơ đề cử Quẩn thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc trình UNESCO công nhận là Di sản thế giới.

Vườn Tháp thuộc Quần thể di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử.

Năm 2023, sau ba năm bị gián đoạn, hạn chế do đại dịch Covid-19, hội Xuân Yên Tử đã được diễn ra với đầy đủ phần lễ và phần hội.

Năm nay Lễ khai hội Xuân Yên Tử truyền thống được tổ chức theo hướng trang trọng, an toàn, lành mạnh và tiết kiệm, mang đậm bản sắc của dân tộc. Trong đó phần lễ khai hội với các nghi thức, như: Gióng trống, thỉnh chuông khai hội; các nghi lễ tâm linh (dâng lễ, lễ cầu Quốc thái Dân an; lễ đóng dấu thiêng Yên Tử).

Ông Cao Tường Huy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh gióng trống khai hội.

Ngoài phần lễ được tổ chức trang trọng, Hội Xuân Yên Tử năm nay có các hoạt động văn hoá đặc sắc như: Đêm Hội hoa đăng, cầu nguyện Quốc thái dân an; tổ chức các trò chơi dân gian, biểu diễn văn nghệ truyền thống tại khu vực Làng Nương Yên tử; biểu diễn nghệ thuật, múa rồng, lân, võ thuật cổ truyền; trưng bày, triển lãm tranh, ảnh tuyên truyền, quảng bá về các giá trị và vẻ đẹp hùng vĩ, linh thiêng của Yên Tử, ẩm thực của đồng bào dân tộc Dao Thanh Y dưới chân núi Yên Tử...

Ngay trong ngày khai hội, đã có rất đông tăng ni, Phật tử, nhân dân và khách du lịch hành hương về Yên Tử.

Hơn 20.000 người tham dự lễ khai hội xuân Yên Tử, tỉnh Quảng Ninh

Bằng sự chuẩn bị chu đáo, khởi động mùa hội năm nay, chỉ trong 9 ngày Tết, Khu di tích Yên Tử đã đón gần 138.000 lượt khách du Xuân, lễ Phật, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2023, góp phần cùng với các địa phương trong toàn tỉnh hoàn thành chỉ tiêu thu hút 17 triệu lượt khách trong năm 2024 theo Nghị quyết số 20-NQ/TU ngày 27/11/2023 của BCH Đảng bộ tỉnh đã đề ra.

Lễ khai hội xuân Yên Tử được tổ chức vào ngày 10 tháng Giêng hàng năm đã trở thành một nét đẹp văn hóa của dân tộc Việt Nam, thể hiện sâu sắc truyền thống “Uống nước, nhớ nguồn”, là nơi hội tụ và lan tỏa những giá trị tốt đẹp ngàn đời mà các thế hệ cha ông ta đã để lại.

Lễ hội xuân Ngọa Vân 2024

Trước đó, ngày ngày 18/2 (tức ngày mùng 9 tháng Giêng), tại TX Đông Triều, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh phối hợp với UBND TX Đông Triều tổ chức Lễ khai hội xuân Ngọa Vân năm 2024.

Đây là hoạt động văn hóa mang giá trị nhân văn, hướng về cội nguồn; là dịp để nhân dân, Phật tử, du khách hành hương được tìm hiểu thánh địa của Thiền phái Trúc Lâm Việt Nam.

Đông đảo người dân và du khách gần xa về tham dự Khai hội xuân Ngọa Vân 2024.

Lễ khai hội xuân Ngọa Vân năm nay được tổ chức tại sân ga cáp treo, thôn Trại Lốc, xã An Sinh, thị xã Đông Triều. Phần lễ diễn ra với nghi lễ cầu quốc thái, dân an; gióng trống - thỉnh chuông khai hội..., lễ dâng hương tri ân công đức của Phật hoàng Trần Nhân Tông và các bậc tiền nhân.

Am, chùa Ngọa Vân là thánh địa linh thiêng của Phật giáo Trúc Lâm - nơi Phật hoàng Trần Nhân Tông tu hành, hóa Phật. Ngọa Vân là 1 trong 14 điểm di tích quan trọng thuộc Khu di tích nhà Trần tại Đông Triều được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt.

Sau nghi lễ khai hội và dâng hương, chương trình phần hội với nhiều với nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, trò chơi dân gian rất đặc sắc, độc đáo tại khu vực sân ga cáp treo. Đặc biệt lần đầu tiên tại Lễ hội xuân Ngọa Vân năm 2024 có sự xuất hiện của liên đoàn Vovinam Việt Nam, kết hợp với màn trống hội hoành tráng, và màn hợp xướng mang tinh thần hào hùng với ca khúc "Sử thi Phật hoàng Trần Nhân Tông" nhằm tạo không khí vui tươi, sôi động phục vụ du khách gần xa khi hành hương về mảnh đất Ngọa Vân.  

Lễ hội Xuân Ngọa Vân 2024 kéo dài hết tháng 3 Âm lịch.

Lễ hội Tiên Công

Tại miếu Tiên Công, xã Cẩm La, TX Quảng Yên (tỉnh Quảng Ninh) ngày 16/2 cũng đã diễn ra Lễ hội Tiên Công năm 2024. Đây là lễ hội độc đáo nhằm tôn vinh nét đẹp văn hóa truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của người dân vùng cửa biển Bạch Đằng.

Đông đảo người dân tới tham dự Lễ hội Tiên Công.

Năm nay, lễ hội Tiên Công có trên 100 cụ đến tuổi thượng thọ, tuổi 80, 90 và 100. Trong đó, có 2 đoàn rước tập thể và 4 đoàn rước cá nhân theo nghi lễ truyền thống; các cụ còn lại được con cháu làm lễ tạ tại miếu và tổ chức lễ mừng thọ tại gia đình. Nghi lễ này diễn ra ở các phường, xã của vùng đảo Hà Nam (TX Quảng Yên) gồm: Phong Cốc, Phong Hải, Yên Hải, Cẩm La và Liên Hoà. Trong đó, trung tâm lễ hội là tại Di tích miếu Tiên Công và 17 từ đường các dòng họ thờ Thủy tổ Tiên Công.

Nghi lễ “rước người” chính là nét đặc sắc, độc đáo của Lễ hội Tiên Công.

Lễ hội đã được bảo tồn và phát huy giá trị hơn 300 năm, là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, là lễ hội được người dân nơi đây mong đợi nhất với nghi lễ “rước người” độc đáo, ít thấy ở các vùng quê khác.

Bên cạnh các nghi lễ được tổ chức theo đúng phong tục tập quán truyền thống của địa phương, lễ hội năm nay còn có các hoạt động vui chơi như đánh cờ, chơi đu, hát đúm, hát dân ca quan họ… Lễ hội thu hút không chỉ nhân dân địa phương mà còn rất nhiều du khách tham gia trẩy hội.

Bên cạnh các nghi lễ truyền thống còn có các trò chơi dân gian như Đánh cờ người, tổ tôm điếm, hát đúm, đánh đu... thu hút đông đảo mọi người tới tham gia, cổ vũ.
Du khách đến Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương tăng cao trong dịp Tết Giáp Thìn
Thời tiết đẹp trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 là điều kiện lý tưởng, tạo thuận lợi cho tất cả các khu, điểm du lịch trên địa...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư