Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 11 tháng 08 năm 2024,
NHNN không "nới" tín dụng, LienVietPostBank phải giảm mục tiêu lợi nhuận
T.L - 15/08/2018 13:53
 
Sáng nay (15/8), ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) chính thức công bố quyết định điều chỉnh một số chỉ tiêu trong kế hoạch kinh doanh năm 2018. Theo đó, lợi nhuận của ngân hàng giảm 600 tỷ đồng so với mục tiêu dự kiến ban đầu, tỉ lệ chi trả cổ tức cũng giảm từ 15% xuống còn 10%.
a
Chủ tịch HĐQT LienVietPostBank tin tưởng ngân hàng sẽ sớm lấy lại đà tăng trưởng sau giai đoạn dồn vốn đầu tư cho mạng lưới và hạ tầng công nghệ

Theo công bố, chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2018 điều chỉnh giảm từ 1.800 tỷ đồng xuống còn 1.200 tỷ đồng; Tổng tài sản từ 190.000 tỷ đồng xuống còn 180.000 tỷ đồng; Huy động vốn thị trường 1 từ 170.000 tỷ đồng xuống còn 160.000 tỷ đồng; Dư nợ thị trường 1 từ 123.500 tỷ đồng xuống 117.557 tỷ đồng; Tỷ lệ chi trả cổ tức tối thiểu từ 12% xuống còn 10%.

Một số chỉ tiêu kinh doanh cơ bản của năm 2018 vẫn được LienVietPostBank giữ nguyên, gồm vốn điều lệ tăng lên 9.875 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu dưới 1,5%.

Ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch HĐQT LienVietPostBank cho biết,nguyên nhân đầu tiên là do NHNN vừa công bố sẽ không điều chỉnh tăng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của bất kỳ ngân hàng nào trong năm 2018 (Chỉ thị 04/2018/CT-NHNN của Thống đốc NHNN). Theo đó, chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của LienVietPostBank năm 2018 chỉ 14%. Thông thường các năm trước, sau 6 tháng đầu năm, NHNN sẽ xem xét và điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng. Năm 2017, tăng trưởng tín dụng của LienVietPostBank là 25%.

“Kế hoạch tăng trưởng tín dụng của LienVietPostBank đặt ra cho năm nay là 20%. Việc phải điều chỉnh giảm dư nợ cho vay sẽ dẫn tới điều chỉnh các chỉ tiêu kinh doanh như tổng tài sản, huy động, lợi nhuận”, ông Thắng cho biết.  

Được biết, trong 6 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng của LienVietPostBank là 13,3%, như vậy dư địa tăng trưởng tín dụng còn lại trong 6 tháng cuối năm của ngân hàng này không còn nhiều.

Nguyên nhân thứ hai dẫn đến phải thay đổi một số chỉ tiêu kinh doanh, theo ông Thắng, là do giai đoạn 2018 – 2019, LienVietPostBank xác định chiến lược đây là giai đoạn tập trung đầu tư cho cơ sở hạ tầng, nhất là mở rộng mạng lưới và hạ tầng công nghệ thông tin. Việc đầu tư mở rộng mạng lưới đã "ngốn" khá nhiều chi phí và lợi nhuận của LienVietPostbank.

Cụ thể, chỉ tính riêng số lượng điểm giao dịch của LienVietPostBank được mở mới trong 6 tháng đầu năm 2018 là 95 Phòng Giao dịch Bưu điện nâng cấp, 2 Chi nhánh và 1 Phòng Giao dịch trực thuộc, tức là gần bằng một nửa trong tổng số hơn 200 Chi nhánh, Phòng Giao dịch của Ngân hàng đã được mở trong suốt 9 năm hoạt động từ 2008 đến tháng 2017. Số điểm giao dịch trực thuộc ngân hàng cho tới thời điểm kết thúc Quý II năm 2018 là 327 điểm. Việc mở rộng mạng lưới làm tăng chi phí đầu tư cộng thêm thực tế các là Chi nhánh, Phòng Giao dịch mới đi vào hoạt động chưa thể đạt ngay mức doanh thu và lợi nhuận cao, đó là nhân tố chính làm giảm mức lợi nhuận trong nửa đầu năm 2018 và sẽ giảm trong 6 tháng cuối năm của LienVietPostBank.

Mặc dù vậy, ông Thắng khẳng định, việc mở rộng mạng lưới là yêu cầu cần thiết, tạo tiền đề cho ngân hàng phát triển mạnh sau này, nhất là về lĩnh vực bán lẻ. 

Cùng với việc giảm mục tiêu lợi nhuận, LienVietPostBank cũng phải điều chỉnh tỷ lệ chi trả cổ tức giảm từ 12% xuống 10% tương ứng với chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế là 1.200 tỷ đồng. Mặc dù vậy, mức chi trả cổ tức 10% năm 2018, tức gấp khoảng 2 lần so với huy động tiền gửi của các NHTM (dao động từ 4,1%/năm đến 6,7%/năm tùy theo kỳ hạn) vẫn đảm bảo có lợi cho các cổ đông.

Liên quan đến việc giảm mục tiêu huy động vốn, bà Nguyễn Thị Thanh Sơn, Phó Tổng Giám đốc LienVietPostBank cho biết, mục đích là cơ cấu lại vốn huy động giữa thị trường 2 và thị trường 1. Được biết, công tác huy động vốn của LienVietPostBank tăng trưởng rất tốt theo định hướng bán lẻ trong nửa đầu năm 2018 so với cùng kỳ 2017, với tỷ trọng bán lẻ tăng từ 48 lên 56%. Về mặt tích cực, nguồn vốn trung dài hạn của LienVietPostBank ổn định hơn. Nhưng trong ngắn hạn, chi phí giá vốn tăng cũng là nguyên nhân làm giảm lợi nhuận Ngân hàng trong giai đoạn hiện tại.

Trong 6 tháng đầu năm 2018, LienVietPostBank đã đạt hơn 600 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, giảm khá mạnh so với cùng kỳ năm ngoái.

Ban Lãnh đạo Ngân hàng tin tưởng, chỉ tiêu lợi nhuận có thể giảm trong năm 2018, nhưng với mạng lưới rộng lớn và hạ tầng công nghệ hiện đại, ứng dụng ngân hàng số sẽ là nền tảng để tăng trưởng đột phá từ năm 2020 và về lâu dài sẽ đạt mục tiêu phát triển bền vững. 

LienVietPostBank ra mắt tính năng Ví Việt trên Internet banking
Nhằm nâng tầm trải nghiệm các ứng dụng trên Ví Việt, mới đây LienVietPostBank đã cho ra mắt tính năng Ví Việt trên Internet Banking.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư