Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 15 tháng 01 năm 2025,
NHNN siết hoạt động bàn đổi ngoại tệ cá nhân ở biên giới
H.T - 27/05/2017 07:47
 
Các bàn đổi ngoại tệ cá nhân, đặc biệt là bàn đổi tiền Nhân dân tệ thành lập tràn lan, gây khó khăn cho hoạt động quản lý và điều hành chính sách tiền tệ, ngoại hối.

Tại Hội nghị Quản lý hoạt động ngoại hối về thương mại biên giới Việt Nam - Trung Quốc vừa được tổ chức, ông Nguyễn Ngọc Cảnh - Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối cho biết, giai đoạn trước đây, mạng lưới hoạt động của các ngân hàng tại khu vực biên giới còn chưa phát triển.

Chính vì vậy, hoạt động của bàn đổi tiền cá nhân tại khu vực biên giới, cửa khẩu đã tạo thuận lợi cho hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa nhỏ lẻ của cư dân biên giới, khách du lịch và nhu cầu thanh toán xuất nhập khẩu tiểu ngạch, từ đó thúc đẩy hoạt động thương mại biên giới.

Tuy nhiên, những năm gần đây, hoạt động của các bàn đổi ngoại tệ cá nhân đặc biệt là bàn đổi tiền Nhân dân tệ đã bộc lộ nhiều hạn chế. Thủ tục cấp phép thành lập bàn đổi ngoại tệ cá nhân còn đơn giản dẫn đến tình trạng các bàn đổi ngoại tệ cá nhân thành lập tràn lan, gây khó khăn cho cơ quan quản lý, ảnh hưởng đến công tác điều hành chính sách tiền tệ, ngoại hối.

Ông Nguyễn Ngọc Cảnh, Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối
Ông Nguyễn Ngọc Cảnh, Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối

Hiện tại, nội dung về hoạt động đại lý đổi ngoại tệ của tổ chức kinh tế được quy định tại Nghị định số 89/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định điều kiện đối với hoạt động đại lý đổi ngoại tệ, hoạt động cung ứng dịch vụ nhận và chi, trả ngoại tệ của tổ chức kinh tế.

Quy định tại Điều 4 Nghị định 89/2016/NĐ-CP không phân biệt điều kiện đối với hoạt động đại lý đổi tiền của nước có chung biên giới với hoạt động đại lý đổi ngoại tệ khác.

Tuy nhiên, do khu vực biên giới và khu kinh tế cửa khẩu có những đặc thù riêng biệt, đồng thời hoạt động sử dụng đồng tiền của nước có chung biên giới với Việt Nam ngoài việc thực hiện theo các quy định chung về quản lý ngoại hối còn thực hiện theo quy định tại các Hiệp định giữa Việt Nam và các nước có chung biên giới.

Vì vậy, hoạt động đại lý đổi tiền của nước có chung biên giới cũng cần có những điều kiện, quy định riêng nhằm vừa đảm bảo kiểm soát chặt chẽ đồng thời vẫn phát huy hiệu quả sử dụng tiền của nước có chung biên giới và thúc đẩy hoạt động thương mại qua biên giới phát triển mạnh mẽ.

Do đó, NHNN đang sửa đổi, bổ sung các văn bản quản lý (sử đổi, bổ sung Nghị định và ban hành Thông tư thay thế Quyết định  689/2004/QĐ-NHNN) theo hướng quy định tách biệt đối tượng tổ chức kinh tế thực hiện hoạt động đại lý đổi ngoại tệ (không bao gồm tiền của nước có chung biên giới) với đối tượng tổ chức kinh tế thực hiện hoạt động đại lý đổi tiền của nước có chung biên giới. 

Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết,  mục đích của việc xây dựng các văn bản này nhằm tạo hành lang pháp lý đầy đủ để cho phép tổ chức kinh tế làm đại lý đổi tiền của nước có chung biên giới cho tổ chức tín dụng được phép nhằm đáp ứng nhu cầu thực tiễn và yêu cầu quản lý tiền của nước có chung biên giới hiện nay.

Đồng thời, tăng cường sự quản lý, giám sát của Nhà nước đối với hoạt động đổi tiền của nước có chung biên giới theo hướng thu về một đầu mối kiểm soát qua các tổ chức tín dụng.

 Cùng với đó, khuyến khích việc sử dụng đồng bản tệ trong thanh toán tại khu vực biên giới, khu kinh tế cửa khẩu, từ đó tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại biên giới ngày càng phát triển.

Thanh toán biên mậu: Agribank giành thị phần áp đảo
Tiên phong đi đầu, cộng với mạng lưới sâu rộng, thanh toán biên mậu vẫn luôn là lợi thế cạnh tranh của Agribank so với các ngân hàng thương mại...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư