Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Nhớ cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên: Quốc hội hết lòng vì dân, vì nước
Mạnh Bôn - 03/01/2016 08:57
 
Trong những ngày này, 70 năm về trước, tất cả công dân Việt Nam từ 18 tuổi trở lên không phân biệt giàu nghèo, nam nữ, dân tộc, chính kiến trên cả nước nô nức chuẩn bị đi bầu cử Quốc hội.

Cuộc tổng tuyển cử đầu tiên của nước ta được thực hiện vào ngày 6/1/1946 là ngày hội lớn của dân tộc chứng minh sức mạnh của dân tộc Việt, đã trở thành biểu tượng lớn lao, là mốc son chói lọi và quan trọng hơn, mở ra một kỷ nguyên mới về thể chế chính trị ở Việt Nam. Nhân dịp Kỷ niệm 70 năm Quốc hội, Báo Đầu tư ghi lại tâm tư, tình cảm, mong muốn của một số lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Quốc hội.

Bài học từ cuộc Tổng tuyển cử còn nguyên giá trị

- Ông Nguyễn Đức Kiên, nguyên Phó chủ tịch Quốc hội

Tại sao chỉ sau vài tháng sau khi giành được chính quyền với bộn bề khó khăn chồng chất, giặc trong, thù ngoài chưa từ bỏ mục tiêu nắm quyền thống trị, tiêu diệt nhà nươc dân chủ đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á mà Đảng và Bác Hồ vẫn quyết định và tổ chức cuộc Tổng tuyển cử? Đây là sự kiện vô cùng hiếm hoi trong lịch sử của các dân tộc thuộc địa.

.
.

Tổ chức Tổng tuyển cử chỉ trong một thời gian rất ngắn sau khi giành được độc lập chính là tầm nhìn xa, trông rộng của Đảng, của Bác do thấu hiểu được sự khát khao của cả dân tộc về độc lập, tự do, vì dân tộc ta đã hàng ngàn năm chìm đắm trong “đêm trường nô lệ” và 95% người dân là nông dân luôn khát khao cháy bỏng “dân cày có ruộng”. Chính vì vậy, quyết định bầu cử để thành lập Nhà nước dân chủ cộng hòa trở thành mối quan tâm đặc biệt của toàn dân tộc. Cuộc Tổng tuyển cử diễn ra thực sự dân chủ và an toàn tuyệt đối. Không ai khác, chính người dân là nhân tố quyết định thành công của cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên của dân tộc.

Bài học từ cuộc Tổng tuyển cử thành công vẫn còn nguyên giá trị trong thời đại hội nhập ngày nay. Đó là, Đảng và Nhà nước phải gắn bó máu thịt với nhân dân, phải tin dân, hiểu thấu hiểu nguyện vọng thiết thực, căn bản của nhân dân, không được xa rời nhân dân kể cả trong quá trình xây dựng hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách lẫn trong thực thi nhiệm vụ, quyền hạn của mình.

Khẳng định vững chắc vị trí trong lòng dân

.
.

- Ông Uông Chu Lưu, Phó chủ tịch Quốc hội

Thắng lợi của Tổng tuyển cử ngày 6/1/1946 đã đánh dấu bước trưởng thành của Nhà nước Cách mạng Việt Nam, là căn cứ khẳng định Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là Nhà nước thực sự của dân, do dân và vì dân. 70 năm qua, Quốc hội Việt Nam đã trải qua chặng đường vẻ vang, xây dựng được chỗ đứng vững chắc trong lòng dân, không ngừng lớn mạnh và phát triển, ngày càng khẳng định vững chắc vị trí, vai trò trong lòng dân. Trong mỗi giai đoạn thăng trầm của Cách mạng, Quốc hội đã khơi dậy ý trí và tình đoàn kết trong toàn dân, góp phần quan trọng trong công cuộc giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.

70 năm Quốc hội cùng với Đảng và các thiết chế khác của hệ thống chính trị đã quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước ngày càng hiệu quả và thực chất hơn, đáp ứng kịp thời của thực tiễn đổi mới và hội nhập quốc tế. Các nghị quyết của Quốc hội được ban hành trong những thời khắc quan trọng của đất nước như nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 1986-1990 đã mở đường cho đường lối phát triển kinh tế thị trường trong thời kỳ đổi mới. Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội năm 1991 đã làm yên lòng dân trong bối cảnh đất nước và quốc tế có nhiều xáo trộn phức tạp, duy trì đường lối đổi mới, chuyển nền kinh tế sang cơ chế thị trường, phát huy sức mạnh của các thành phần kinh tế.

Bên cạnh những thành quả mà Quốc hội đã làm được trong 70 năm qua vẫn còn không ít tồn tại, bất cập đòi hỏi phải tiếp tục đổi mới cách thức tổ chức, phương thức hoạt động nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển mới của đất nước trong bối cảnh hội nhập toàn cầu.

Quốc hội khóa XIV đưa nước ta bước vào giai đoạn phát triển mới

.
.

- Ông Nguyễn Hạnh Phúc, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, kiêm Tổng thư ký Quốc hội

Quốc hội khóa XIII kế thừa sâu sắc những bài học về dân chủ trong tổ chức và hoạt động của Quốc hội khóa I. 70 năm là quãng thời gian đủ dài để lịch sử đánh giá hoạt động của Quốc hội trong nhiệm kỳ đầu tiên là những bài học vô cùng giá trị trong việc đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội ngày nay.

Hoạt động đầu tiên của Quốc hội khóa I thể hiện tinh thần dân chủ vô cùng sâu sắc. Đó chính là những gì diễn ra tại phiên chất vấn đầu tiên trong lịch sử được tổ chức tại Kỳ họp thứ 2. Tại phiên chất vấn này, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng với toàn bộ thành viên nội các đã trả lời 58 câu hỏi của các vị đại biểu Quốc hội. Phiên chất vấn dân chủ đầu tiên kéo dài tới tận nửa đêm, tập trung vào rất nhiều nhiệm vụ vô cùng cấp thiết để giải quyết hàng loạt vấn đề đặt ra trong những ngày đầu độc lập.

Khai mạc Kỳ họp Quốc hội khóa I, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định, Quốc hội nước ta hết lòng vì dân, vì nước, phải làm trọn vẻ vang nhiệm vụ của những người đại biểu nhân dân. Tinh thần dân chủ, trách nhiệm, thẳng thắn của hoạt động Quốc hội khóa I là tấm gương, bài học để các kỳ họp Quốc hội sau này soi rọi. Quốc hội nhiệm kỳ XIII sắp hoàn thành sứ mệnh lịch sử. Quốc hội khóa XIV - một nhiệm kỳ chịu trách nhiệm đưa nước ta bước vào giai đoạn phát triển mới cần phải đổi mới toàn diện hơn nữa, hội nhập quốc tế sâu rộng hơn nữa. Tiếp tục kế thừa xứng đáng những bài học của Quốc hội nhiệm kỳ đầu tiên của dân tộc, hy vọng, việc đổi mới tổ chức hoạt động của Quốc hội tới đây tiếp tục dựa trên kinh nghiệm quý báu, đồng thời với cơ sở khoa học, tổng kết thực tiễn lịch sử hoạt động của Quốc hội nước ta từ khóa I đến nay.

Nhiệm vụ của đại biểu Quốc hội suy đến cùng là phát biểu

.
.

- GS-TSKH Nguyễn Ngọc Trân, Nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội

Ngày 6/1/2016 tới đây, Quốc hội tròn 70 năm thành lập. “Ôn cố tri tân” như người xưa vẫn nói là việc làm cần thiết, đặc biệt trong bối cảnh bộ máy nhà nước từ Trung ương tới địa phương sẽ được bầu lại vào ngày 22/5/2016.

Nhiệm vụ của đại biểu Quốc hội suy đến cùng là phát biểu. Làm sao phản ánh được nguyện vọng và bức xúc của cử tri nếu không phát biểu? Làm sao có thảo luận, chất vấn, giám sát nếu không phát biểu? Từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa IX đến nay, không khí thảo luận ở nghị trường đã có nhiều tiến bộ. Số đại biểu phát biểu tăng dần qua từng kỳ họp sau những bỡ ngỡ ban đầu của một số đại biểu lần đầu tiên trở thành người đại diện cho cử tri tại cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất.

Từ cuối nhiệm kỳ khóa VII đến nay, Quốc hội đã từng bước đổi mới và có nhiều tiến bộ trong phát biểu, thảo luận, giám sát và chất vấn. Và đặc biệt không còn tình trạng đại biểu nào muốn phát biểu phải viết thành văn bản, xin ý kiến trưởng đoàn và nộp cho đoàn thư ký kỳ họp như trước đây.

Tuy nhiên, qua theo dõi hoạt động của nghị trường trong nhiều năm gần đây, tôi nhận thấy, số đại biểu ít phát biểu còn rất nhiều, nếu có thì cũng chỉ đọc lại những gì đã chuẩn bị sẵn. Phần lớn đại biểu “có chức sắc” ít phát biểu vì cho rằng đã phát biểu ở nơi khác rồi. Nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII sắp kết thúc để bắt đầu nhiệm kỳ mới, cũng như tất cả cử tri trong cả nước, tôi hy vọng, đại biểu Quốc hội các khóa tới đây tự nâng cao kỹ năng hoạt động nghị viện, cụ thể là kỹ năng phát biểu, thảo luận, giám sát, chất vấn, thu thập và xử lý thông tin và luôn nhớ rằng, cử tri luôn luôn đặt câu hỏi: “Các vị vào Quốc hội để làm gì, nếu  không tham gia phát biểu, chất vấn?”.

Chốt lịch bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV vào ngày 22/5/2016
Sáng 24/11, các đại biểu Quốc hội làm việc tại hội trường nghe Tờ trình của Ủy ban thường vụ Quốc hội về Ngày bầu cử đại biểu Quốc...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư