Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Nhu cầu rút tiền giảm mạnh, ngân hàng không lo nghẽn ATM
Hà Tâm - 23/01/2022 09:29
 
Lãnh đạo nhiều ngân hàng thương mại cho hay, thay vì tăng gấp 3-4 lần vào dịp Tết như những năm trước, năm nay, nhu cầu rút tiền mặt vào dịp Tết giảm mạnh, có nơi giảm tới 90%.
Nhu cầu rút tiền từ máy ATM dịp Tết năm nay tăng không đáng kể so với ngày thường. Ảnh: Dức Thanh

Không còn phải vất vả tiếp quỹ ATM dịp Tết

Mặc dù chỉ còn hơn 2 tuần nữa là đến Tết Nguyên đán, song tại các trung tâm thương mại, siêu thị, khu công nghiệp, lượng khách hàng rút tiền tại các máy ATM khá thưa thớt.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Hoàng Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Tiền mặt của Vietcombank cho hay, tần suất tiếp quỹ trung bình của Vietcombank hiện là 2 ngày/lần/máy.

“Nhu cầu rút tiền của khách hàng năm nay không nhiều như các năm trước, hoạt động tiếp quỹ của Vietcombank vẫn diễn ra bình thường. Ngay tại cả các khu công nghiệp, nhu cầu cũng chỉ tăng nhẹ, thay vì tăng gấp 3 - 4 lần như những năm chưa xảy ra dịch bệnh”, ông Tuấn cho hay.

Cũng giống như Vietcombank, nhiều ngân hàng thương mại khác cho biết, dịp Tết năm nay, tần suất tiếp quỹ ATM giảm mạnh. Có những năm ngân hàng phải tăng tốc độ tiếp quỹ lên 2-3 lần/ATM/ngày, thì hiện nay, cách ngày mới phải tiếp quỹ một lần, lượng tiếp quỹ cũng không nhiều như trước.

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), năm 2021, giao dịch rút tiền mặt qua ATM giảm 5% so với năm trước. Covid-19 cùng giãn cách xã hội trên diện rộng trong năm 2021 đã khiến người dân thay đổi mạnh mẽ thói quen chi tiêu tiền mặt.

Bên cạnh sự thay đổi thói quen của người dân, có nhiều yếu tố khiến giao dịch rút tiền qua ATM giảm, như thu nhập người dân sụt giảm, việc đi lại hạn chế, sức cầu trong nước cũng thấp hơn nhiều năm trước...

Ông Lê Anh Dũng, Phó vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN) cho hay, ngành ngân hàng đã chuẩn bị sẵn sàng để đáp ứng mọi nhu cầu tiền mặt cuối năm của người dân. Tuy nhiên, ông Dũng dự đoán, nhu cầu rút tiền mặt tại cây ATM vào dịp cuối năm nay sẽ không lớn như mọi năm, do người dân có xu hướng thanh toán bằng thẻ và thanh toán điện tử.

Thanh toán không tiền mặt phát triển đang giảm tải rất lớn cho hệ thống ngân hàng về lưu thông, bảo quản tiền mặt cũng như duy tu, bảo dưỡng hệ thống máy ATM.

Bà Nguyễn Thị Phượng, Phó tổng giám đốc Agribank - ngân hàng thương mại đảm trách khoảng 1/3 lượng tiền mặt trong lưu thông của cả nước - cho hay, chi phí để vận hành tiền mặt cũng như số lượng lao động để phục vụ các giao dịch về lưu thông tiền mặt chiếm một chi phí tương đối lớn với Agribank. Vì vậy, thanh toán không dùng tiền mặt phát triển sẽ giúp Ngân hàng tiết kiệm rất nhiều chi phí.

Trong khi đó, đại diện Vietcombank cho biết, dù nhu cầu rút tiền đã giảm bớt, song cán bộ ngân hàng này vẫn phải chia ca để chạy đua tiếp quỹ cho hệ thống ATM trên cả nước. Riêng tại Hà Nội, Vietcombank có tới 280 máy ATM.

Sẽ bùng nổ nhiều phương thức thanh toán mới

Theo phản ánh của một số ngân hàng thương mại, hiện nay, cơ cấu một số mệnh giá nhỏ có ít hơn so với loại tiền lớn. Tuy nhiên, với lượng tiền mặt dồi dào như hiện nay, các ngân hàng đảm bảo dư thừa lượng tiền mặt đáp ứng mọi nhu cầu tiền mặt cho khách hàng trước và sau Tết. Hiện tại, các ngân hàng đều có hệ thống giám sát việc tiếp, nạp quỹ ở các máy ATM, theo dõi thường xuyên tình trạng tồn quỹ, nên sẽ không để xảy ra hiện tượng khan hiếm, thiếu tiền tại ATM.

Tuy vậy, bên cạnh đảm bảo nhu cầu tiền mặt, các ngân hàng cũng đang chạy đua phát triển các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt. Ngay đầu năm 2022, NHNN đã ban hành Chỉ thị 02/CT-NHNN về đẩy mạnh chuyển đổi số và bảo đảm an ninh, an toàn thông tin trong hoạt động ngân hàng.

Theo đó, Thống đốc NHNN yêu cầu các đơn vị trực thuộc khẩn trương hoàn thiện một loạt văn bản pháp lý để tiếp tục thúc đẩy ngân hàng số, thanh toán số phát triển. Đáng lưu ý nhất là việc trình Chính phủ ban hành nghị định thay thế Nghị định số 101/2012/NĐ-CP của Chính phủ về thanh toán không dùng tiền mặt và các văn bản hướng dẫn nhằm tạo thuận lợi cho cung ứng đa dạng các sản phẩm, dịch vụ thanh toán hiện đại, an toàn, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của khách hàng. Nghị định này ra đời được cho là sẽ tác động rất lớn đến thị trường thanh toán không dùng tiền mặt.

Bên cạnh đó, NHNN cũng đang chuẩn bị trình Chính phủ Nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính (Fintech) trong lĩnh vực ngân hàng (Regulatory Sandbox); bổ sung quy định về tự động hóa quy trình cho vay của tổ chức tín dụng đối với các khoản vay nhỏ lẻ; phối hợp với các bộ, ngành triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile Money)…

Bà Nguyễn Thị Hồng Quyên, Phó tổng giám đốc phụ trách Ban Điều hành Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS) cho hay, năm 2021, số lượng giao dịch thực hiện qua hệ thống NAPAS tăng 94% về số lượng giao dịch và tăng 131% về giá trị giao dịch so với năm 2020.

Dịp Tết năm nay, nhu cầu rút tiền tại ATM của Vietcombank giảm tới 90% so với những năm chưa dịch bệnh. Tính cả năm, giao dịch rút tiền mặt tại ATM của Vietcombank giảm tới 10%. Đến thời điểm này, các ATM của Vietcombank chưa ghi nhận nhu cầu rút tiền tăng đột biến. Tại các khu công nghiệp, nhu cầu rút tiền có tăng nhẹ, nhưng cũng chỉ cao gấp 1,5 lần bình thường.

Thu nhập của người dân giảm sút, nhu cầu đi lại giữa các địa phương, nhu cầu du lịch trong nước và quốc tế giảm… là nguyên nhân dẫn tới tới tình trạng trên.

- Ông Hoàng Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Tiền mặt của Vietcombank

Mở “nút thắt” trong phát triển thanh toán không tiền mặt
Sau 5 năm triển khai Đề án thúc đẩy thanh toán không tiền mặt tại Việt Nam, tỷ trọng tiền mặt lưu thông trên tổng phương tiện thanh toán tuy có...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư