Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Lần đầu tiên, giao dịch rút tiền mặt qua ATM giảm 5%
T.L - 06/01/2022 17:32
 
Giao dịch không tiền mặt tăng mạnh trong khi giao dịch rút tiền mặt qua ATM lần đầu tiên giảm cho thấy xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt đang gia tăng.
f
Người tiêu dùng ngày càng chuyển dịch sang thanh toán không dùng tiền mặt

Tại Hội nghị tổng kết năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022 diễn ra hôm nay, bà Nguyễn Thị Hồng Quyên - Phó Tổng giám đốc phụ trách Ban điều hành Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) cho hay, năm 2021, tổng số lượng giao dịch thực hiện qua hệ thống NAPAS tăng trưởng 94% về số lượng giao dịch và 131% về giá trị giao dịch so với năm 2020.

Đặc biệt, giao dịch rút tiền mặt ATM xử lý qua hệ thống NAPAS trong năm 2021 lần đầu tiên giảm -5% so với 2020, phản ánh sự chuyển dịch và phát triển mạnh mẽ của thanh toán không dùng tiền mặt.

Theo NHNN, hiện nay, hệ sinh thái số và thanh toán số của hệ thống ngân hàng đã được thiết lập và kết nối với các dịch vụ ở các lĩnh vực khác trong nền kinh tế, mang lại nhiều dịch vụ tiện ích cho người dân. Năm 2021, Việt Nam được Công ty tư vấn và quản lý toàn cầu (McKinsey) đánh giá có mức độ ứng dụng ngân hàng số nhanh nhất trong khu vực.

NHNN cũng tích cực nghiên cứu, đề xuất triển khai các giải pháp thí điểm các mô hình, công nghệ mới, ứng dụng rộng rãi và mạnh mẽ vào các dịch vụ ngân hàng cốt lõi như thanh toán, nhận tiền gửi, cấp tín dụng,...Thanh toán không dùng tiền mặt tăng trưởng mạnh; bên cạnh các phương thức thanh toán qua POS, ATM, chuyển khoản, Internet, mã QR, NHNN tiếp tục cho phép các ngân hàng mở tài khoản trực tuyến bằng công nghệ eKYC, triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile Money). Việc TTKDTM đối với dịch vụ công, thanh toán trực tuyến các thủ tục hành chính, thanh toán tiền điện, nước, viện phí,... cũng đạt kết quả tích cực.

 “Số lượng thanh toán qua các kênh truyền thông như POS, ATM cũng tăng trưởng chậm lại, đặc biệt là ATM có dấu hiệu là giảm sút. Chuyển đổi sang thẻ chip là phù hợp với xu hướng quốc tế”, ông Lê Anh Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán, NHNN nhận định.  

Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng yêu cầu, năm 2022, Napas cần tập trung nguồn lực  vận hành hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử liên tục, ổn định, xuyên suốt trong mọi điều kiện, xây dựng và triển khai hệ thống, phương án dự phòng trước sự tăng trưởng mạnh mẽ về giao dịch thanh toán điện tử hiện nay.

Bên cạnh đó, triển khai tích hợp, kết nối với Cổng dịch vụ Công quốc gia phát huy tốt hơn nữa việc cung cấp dịch vụ thanh toán dịch vụ công trên Cổng dịch vụ công quốc gia; tiếp tục chuyển đổi thẻ chip; triển khai hệ thống thanh toán bù trừ tự động các giao dịch bán lẻ AC; triển khai kết nối chuyển mạch thẻ quốc tế…

Ngoài ra, Phó Thống đốc cũng đề nghị NAPAS tiếp tục chủ động tăng cường hoạt động truyền thông, tích cực phối hợp các đơn vị xây dựng, triển khai các chương trình truyền thông về các phương thức thanh toán mới, góp phần phổ cập kiến thức và thúc đẩy thói quen thanh toán không dùng tiền mặt của người dân trong thời gian tới.

Siết an toàn ATM dịp Tết, thúc nhà mạng nhanh chóng triển khai Mobile Money tại nông thôn
NHNN vừa có văn bản đề nghị các tổ chức tín dụng, các nhà mạng thực hiện tốt công tác thanh toán dịp cuối năm 2021 và Tết Nguyên đán 2022.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư