Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 08 tháng 09 năm 2024,
Nhu cầu thị trường Âu, Mỹ giảm sâu, ngành gỗ càng thêm khó
Hồng Phúc - 22/03/2020 23:02
 
Dù dịch Covid-19 được khống chế tại Trung Quốc, dòng nguyên liệu dễ thở hơn, nhưng doanh nghiệp ngành gỗ cũng không mấy mặn mà trong việc nhập nguyên liệu gỗ, bởi thị trường xuất khẩu chính là châu Âu, Mỹ,.. đang bị chững lại và giảm sâu do dịch bệnh.

Ngày 20/03, đại diện Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công thương) đã khẳng định, Châu Âu và Mỹ đóng cửa biên giới là để kiểm soát dịch bệnh lây lan do sự di chuyển của các cá nhân, chứ không phải đóng cửa giao thương hàng hóa, ngừng nhập khẩu hàng từ các nước, trong đó có Việt Nam.

Dù vậy, khi nhà bán hàng nhận định sức tiêu thụ trong thị trường giảm do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, họ sẽ chủ động đề nghị ngừng đơn hàng với nhà sản xuất. 

Điều này dễ hiểu, bởi tâm lý về sự an toàn, sức khoẻ đang không ổn định nên nhu cầu mua sắm các sản phẩm nội thất cũng bị ảnh hưởng. 

Ông Trần Việt Tiến, Uỷ viên ban thường trực Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM (HAWA) chia sẻ, một số doanh nghiệp cho biết, họ và đối tác phải thoả thuận tạm ngưng giao hàng cũng như dự đoán, nhu cầu tiêu thụ mặt hàng này tại các thị trường chính kể trên sẽ giảm sâu. 

“Đơn hàng giảm từ từ thì doanh nghiệp có thể xoay sở, còn khi dừng đột ngột, dòng tiền không được lưu thông sẽ gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt với doanh nghiệp quy mô nhỏ. Khách mua hàng thì hoảng loạn, doanh nghiệp sản xuất ở Việt Nam thì lo lắng. Nhưng đây là vấn đề cần chấp nhận trước cuộc khủng hoảng trì trệ”, ông Trần Việt Tiến chia sẻ. 

Thêm vào đó, dù chuỗi giá trị ngành công nghiệp chế biến gỗ dần được nối lại, khi Trung Quốc đang khống chế Covid-19 nhưng các doanh nghiệp gỗ đang rất thận trọng trong quyết định nhập nguyên liệu. 

Khi doanh nghiệp ngành gỗ Trung Quốc dần hoạt động trở lại, các mặt hàng nguyên liệu sẽ được chú ý, nhập về sản xuất. Nhưng họ cũng không thể có thêm đơn hàng, hay sản xuất ngay để xuất vào châu Âu, Mỹ như doanh nghiệp Việt Nam hiện tại.  

.
Những công nhân lành nghề làm sản phẩm khảm hoa văn tại nhà máy AA Đức Hoà, Long An.

Trước đó, ngày 12/3, trong buổi họp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Vifores) bày tỏ lo lắng, có thể, lần đầu tiên trong hơn 10 năm qua, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm đồ gỗ của Việt Nam sẽ không có tăng trưởng do ảnh hưởng từ Covid-19.

Một số mặt hàng chịu ảnh hưởng mạnh như, kim ngạch xuất khẩu 2 tháng đầu năm 2020 dăm gỗ giảm 3%, giá giảm 2 - 3 USD/tấn; gỗ dán và các loại ván nhân tạo xuất khẩu giảm 15%; gỗ xẻ xuất khẩu giảm 32%.

Ông Hoài dự đoán, từ 3-4 tháng tới, giá tiếp tục giảm do dịch Covid-19 vẫn ảnh hưởng mạnh đến các thị trường nhập khẩu chính dăm gỗ Việt Nam gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc.

Cũng trong 2 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam sang thị trường Mỹ, Nhật, Trung Quốc tăng, nhưng lại giảm tại các thị trường: Anh (-13%), Hàn Quốc (-6%), Hàn Lan (-23%), Úc (-13%),… 

Ở chiều ngược lại, 2 tháng đầu năm 2020 nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam cũng giảm 11,1% so với năm 2019. 

“Có thể do các doanh nghiệp quan ngại về đơn hàng giảm nên thận trọng trong việc nhập nguyên liệu”, ông Ngô Sỹ Hoài nói và đề nghị, tất cả các tỉnh/thành cần rà soát lại tất cả các doanh nghiệp sản xuất, thương mại gỗ dán. 

Bởi, Cục Phòng vệ Thương mại (Bộ Công Thương) vừa có công văn hỏa tốc gửi các Hiệp hội gỗ về việc Liên minh thương mại công bằng gỗ dán cứng (nguyên đơn) gửi yêu cầu đề nghị Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) điều tra áp dụng chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với sản phẩm gỗ dán cứng (hardwood plywood) xuất khẩu từ Việt Nam.

“Nếu việc điều tra và đi đến kết luận vấn đề trên là thực tế thì ngành công nghiệp gỗ dán của Việt Nam xuất sang Hoa Kỳ, mang về 309 triệu USD năm 2019 sẽ trở về 0 trong năm 2020”, Phó Chủ tịch Vifores lo ngại.

Liên minh thương mại công bằng gỗ dán cứng cho rằng, sau khi áp dụng thuế với mặt hàng của Trung Quốc, các nhà sản xuất của Trung Quốc đã chuyển các phần của sản phẩm này sang Việt Nam để thực hiện việc lắp ráp và tiếp tục xuất khẩu sang Hoa Kỳ. 

Nguyên đơn cũng cáo buộc rằng, các nhà máy lắp ráp sản phẩm gỗ dán cứng tại Việt Nam và nhà máy sản xuất tại Trung Quốc là các công ty liên kết, thực hiện hành vi lẩn tránh biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp đang áp dụng với sản phẩm của Trung Quốc. 

Dựa trên cáo buộc này, nguyên đơn đề nghị DOC khởi xướng điều tra, xác định tồn tại hành vi lẩn tránh và áp dụng biện pháp trong vòng 45 ngày kể từ ngày nhận đơn kiện. Thêm vào đó, nguyên đơn cũng yêu cầu điều tra và áp dụng biện pháp với tất cả các nhà xuất khẩu sản phẩm bị cáo buộc của Việt Nam.

Ông Ngô Sỹ Hoài đưa ra 7 nhóm tác động từ Covid-19 với ngành công nghiệp gỗ Việt Nam:
  1.  Một số khách hàng đề nghị chậm giao đơn hàng đã ký, chậm thanh toán tiền hàng khiến nhân sự phải nghỉ, tác động đến dòng tiền và khả năng thanh khoản của doanh nghiệp.
  2. Các đơn hàng mới dù xuất hiện nhưng chậm từ 3-6 tháng. Như vậy, tình hình sản xuất sẽ rơi vào trạng thái trì trệ.
  3. Sự khó khăn trong logistics khiến giá nguyên liệu nhập khẩu tăng từ 3-5 USD/m3 gỗ.
  4. Một số doanh nghiệp thiếu nguồn cung về phần cứng, sơn, chất kết dính,…để có thể sản xuất sản phẩm xuất khẩu. 
  5. Dăm gỗ và viên nén là 2 mặt hàng quan trọng, chiếm đến 20% kim ngạch xuất khẩu ngành cũng bị ảnh hưởng, kéo theo tác động đến hơn 1 triệu nông dân trồng rừng. 
  6. Đặc tính ngành chế biến gỗ cần nhiều nhân công sản xuất. Trong trường hợp nhà máy phải đóng cửa do không may có nhân viên nghi nhiễm Covid-19 sẽ ảnh hưởng lớn đến toàn bộ hoạt động sản xuất trong doanh nghiệp.
Ứng phó với tình trạng thiếu nguồn cung nguyên liệu
Nguồn cung nguyên liệu từ Trung Quốc đang bị đình trệ do ảnh hưởng từ dịch Covid-19 khiến nhiều doanh nghiệp công nghệ cao, dệt may, sản xuất...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư