Con số này không phải hoàn toàn chính xác, vì thời gian qua Việt Nam không nhập vàng. Nếu có một lượng vàng lớn chảy vào Việt Nam thì không loại trừ việc vàng lậu được đưa vào thị trường nội địa từ Campuchia và được một số doanh nghiệp trong nước mua để sản xuất, chế biến thành nữ trang.
Ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam |
Trên thực tế, mãi lực và doanh thu nữ trang của thị trường nội địa thời gian qua có tăng, nhưng qua thăm dò các doanh nghiệp lớn, thì tổng mức tiêu thụ vàng cũng chỉ vài chục tấn trong một năm, chứ không thể lên đến 60 -70 tấn.
Nhận định của ông về xu hướng giá vàng trong năm nay khi đồng USD hồi phục?
Từ đầu năm đến nay, giá vàng chỉ tăng khoảng 200.000 đồng/lượng. Các chuyên gia cho rằng, giá vàng thế giới sẽ tiếp tục xu hướng giảm, nhưng khó rút ngắn khoảng cách chênh lệch với giá trong nước. Đồng thời, nhu cầu vàng vẫn tăng khi giá giảm.
Người dân vẫn chuộng vàng miếng, nhưng việc kinh doanh vàng SJC bị hạn chế. Liệu cung vàng có bị hạn chế hay vẫn đáp ứng tốt lực cầu, thưa ông?
Thị trường vàng thời gian qua đã bị thu hẹp, khi nhiều doanh nghiệp không được kinh doanh vàng miếng. SJC muốn sản xuất vàng miếng cũng phải có giấy phép của Ngân hàng Nhà nước. Giá vàng thế giới tăng cao và giảm mạnh khiến nhiều người muốn chuyển sang VND để hưởng lãi suất phù hợp. Tuy nhiên, không phải vì thế nhu cầu vàng giảm, mà vẫn được xem là nơi trú ẩn an toàn khi kinh tế khó khăn, lạm phát cao.
Khi vàng miếng bị hạn chế, liệu có nên mở rộng thị trường nữ trang vàng?
Điều đó là cần thiết để đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng. Chẳng hạn, nên cho xuất, nhập vàng nguyên liệu và xuất hàng nữ trang có kiểm soát, bởi các doanh nghiệp sản xuất nữ trang hiện không có nguyên liệu để sản xuất, chủ yếu là thu gom nguyên liệu trên thị trường. Vì thế, cần thiết mở cửa thị trường vàng, ít nhất cũng là việc nhập vàng nguyên liệu sản xuất nữ trang.
Vậy theo ông, có cần thiết nghiên cứu huy động trở lại nguồn lực vàng trong dân?
Quan điểm của tôi cũng như Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam là nên nghiên cứu phương thức để huy động vàng, vì đây là một nguồn lực của nền kinh tế. Nếu vì lý do nào đó mà nguồn lực này phải nằm bất động thì rất đáng tiếc. Đương nhiên, để huy động vàng cũng có cái khó và nhiều vấn đề phải cân nhắc.
Sau khi ổn định trạng thái vàng của ngân hàng thương mại, Ngân hàng Nhà nước cần nghiên cứu thực hiện chủ trương tiếp tục huy động vàng trong dân. Số vàng huy động được sẽ dùng làm tài sản thế chấp các ngân hàng hoặc tổ chức tài chính nước ngoài để vay ngoại tệ với lãi suất thấp phục vụ các dự án phát triển kinh tế - xã hội trọng điểm.