Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 03 tháng 05 năm 2024,
Nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp vẫn rất lớn, dù chi phí lãi vay cao
T.V - 14/02/2023 14:43
 
Nhu cầu vay vốn của các doanh nghiệp vẫn còn rất lớn, nhưng yếu tố lãi suất đang tác động đáng kể lên hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

"Các dự báo hiện nay đều cho thấy, trong năm 2023 mục tiêu kiềm chế lạm phát vẫn là ưu tiên hàng đầu của các ngân hàng Trung ương trên thế giới. Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cũng đề ra tín hiệu sẽ chỉ giảm cường độ giữa các lần tăng lãi suất, trong khi kịch bản hạ lãi suất ngay trong năm nay là không chắc chắn. Tôi cho rằng, đây vẫn sẽ là yếu tố gây sức ép lớn nhất tới xu hướng điều hành chính sách tiền tệ của Việt Nam", ông Nguyễn Hữu Trung, quyền Tổng giám đốc Vietbank chia sẻ về về các yếu tố sẽ tác động tới hoạt động của ngân hàng trong năm 2023.

Tuy nhiên, theo ông Trung, Ngân hàng Nhà nước luôn kiên định với mục tiêu duy trì ổn định kinh tế vĩ mô và kiềm chế lạm phát nên điều hành lãi suất nhiều khả năng sẽ tiếp tục theo hướng linh hoạt. Động thái đó là tất yếu và cũng sẽ ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh của các ngân hàng, trong đó có Vietbank.

Đây là thời điểm mà các ngân hàng sẽ đi chậm lại để đồng hành hiệu quả hơn cùng với khách hàng. Nếu nhìn vào sự tăng trưởng của toàn ngành nói chung và Vietbank nói riêng trong năm 2022, có thể thấy dù trong bối cảnh kinh tế khó khăn thì ngân hàng vẫn là kênh an toàn và duy trì được tốc độ tăng trưởng dương, bởi Việt Nam được đánh giá là nền kinh tế ổn định, tăng trưởng còn đang ở dưới mức tiềm năng.

Kết thúc năm 2022, tổng tài sản của Vietbank đạt 111.937 tỷ đồng; cấu trúc danh mục tài sản tiếp tục được cơ cấu theo hướng gia tăng tỷ trọng tài sản có sinh lời. Tổng huy động của Vietbank đạt gần 100.000 tỷ đồng; trong đó, tiền gửi của khách hàng đạt gần 76.000 tỷ đồng.

Cho vay khách hàng của Vietbank đến ngày 31/12/2022 đạt 63.633 tỷ đồng, lợi nhuận tăng trưởng so với năm 2021. Tại thời điểm 31/12/2022, tỷ lệ nợ xấu của Vietbank là 2,48% trên tổng nợ áp dụng theo Thông tư 11 của Ngân hàng Nhà nước.

"Ở thời điểm hiện tại, tôi khẳng định tiền gửi tiết kiệm vẫn sẽ được nhiều người quan tâm vì đây là kênh đầu tư an toàn nhất trong bối cảnh kinh tế còn nhiều vấn đề khó dự đoán. Hiện lãi suất huy động cũng ở mức khá cao, phần lớn các ngân hàng đều có lãi suất trên 9%/năm", ông Trung cho biết thêm.

Bên cạnh đó, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp đang gặp vấn đề do đơn đặt hàng giảm rõ rệt vì cầu của thế giới giảm, trong khi chi phí đầu vào chưa giảm tương ứng. Xu hướng này dự báo còn kéo dài tới hết nửa đầu năm 2023. Trong năm nay, các điều kiện hoạt động kinh doanh suy giảm cũng sẽ ảnh hưởng đến khả năng sinh lời của ngành ngân hàng.

Cuối cùng, những nút thắt chưa được tháo gỡ của thị trường vốn trong nước cũng sẽ tác động đáng kể tới diễn biến của lãi suất và tình hình hoạt động ngân hàng trong năm 2023. Nhìn lại năm 2022, thanh khoản của hệ thống ngân hàng gặp khó khăn khi chênh lệch giữa tăng trưởng tín dụng và huy động ở mức cao.

Có thể nói tình hình thanh khoản căng thẳng do các biến động mạnh trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản, trong khi thị trường chứng khoán chưa hoàn toàn hồi phục.

Các vấn đề này chưa được giải quyết dứt điểm trong năm 2022 và sẽ tiếp tục trở thành điểm nghẽn đối với thị trường vốn trong năm 2023. Khi các trụ cột khác trên thị trường vốn trở nên yếu ớt, nhu cầu vay vốn sẽ tiếp tục dồn lên các ngân hàng.

Vì thế, quyền Tổng giám đốc VietBank cho hay, năm 2023, Ngân hàng này tiếp tục hoạt động theo hướng an toàn bền vững và đảm bảo các chỉ số an toàn theo quy định. Vietbank sẽ tập trung vào việc nâng cao chuẩn mực hoạt động và hiệu quả quản trị điều hành.

Cùng với đó, Ngân hàng sẽ chú trọng phát triển hệ khách hàng truyền thống theo định hướng bán lẻ; đồng thời ưu tiên cung ứng vốn cho các lĩnh vực sản xuất, dịch vụ mà Chính phủ ưu tiên và sẵn sàng đón đầu sự phục hồi của nền kinh tế.

Doanh nghiệp gặp khó vì lãi suất cho vay neo cao
Lãi suất cho vay đang neo ở mức cao khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn, các doanh nghiệp phải “liệu cơm gắp mắm” để duy...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư