Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 13 tháng 05 năm 2024,
Nhựa Thiếu niên Tiền Phong đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhì
Thu Lê - 18/05/2015 14:28
 
Công ty cổ phần Nhựa Thiếu niên Tiền Phong (NTP) hiện có tổng giá trị tài sản trên 2.580 tỷ đồng, với 4 nhà máy sản xuất ở cả 3 miền Bắc (tại Hải Phòng), Trung (Nghệ An), Nam (Bình Dương) và nước bạn Lào. Thật bất ngờ khi sự ra đời của Công ty lại xuất phát từ phong trào “kế hoạch nhỏ” của các em thiếu niên, nhi đồng tại thập kỷ 60 của thế kỷ trước.

Nhà máy sản xuất đồ nhựa đầu tiên của miền Bắc

Kể về sự ra đời của NTP, ông Trần Bá Phúc, Chủ tịch HĐQT của Công ty tự hào: “NTP ra đời nhờ thiếu nhi và vì thiếu nhi”. Những ngày cuối năm 1958, theo quyết định của Bộ Công nghiệp nhẹ, những nhát cuốc đầu tiên đã được thực hiện để xây dựng nhà máy nhựa, với 4 phân xưởng chính, gồm: cơ khí, nhựa đúc (phenol), nhựa trong (polystyrol), cuối cùng là phân xưởng bóng bàn và đồ chơi.

Nửa năm sau, đúng ngày Quốc tế thiếu nhi (1/6/1959), phân xưởng bóng bàn, đồ chơi (phân xưởng đầu tiên đi vào hoạt động) đã cho ra đời hơn 18.000 sản phẩm đồ chơi phục vụ các em thiếu nhi. Để phân xưởng này có thể đi vào hoạt động sớm như thế,  có sự đóng góp rất lớn của các em thiếu niên, nhi đồng. Nói thế là bởi, vào thời điểm xây dựng nhà máy, cả miền Bắc khi ấy đang dấy lên phong trào thi đua “Kế hoạch nhỏ”. Các em thiếu niên, nhi đồng đã quyên góp các phế liệu như sách, báo, giấy vụn…, tạo được một nguồn tài chính không nhỏ, đóng góp vào việc xây dựng nhà máy sản xuất đồ chơi.

Công ty cổ phần Nhựa Thiếu niên Tiền Phong ra đời từ năm 1960, là doanh nghiệp đầu tiên của miền Bắc hoạt động trong lĩnh vực sản xuất gia công nhựa
Công ty cổ phần Nhựa Thiếu niên Tiền Phong ra đời từ năm 1960, là doanh nghiệp đầu tiên của miền Bắc hoạt động trong lĩnh vực sản xuất gia công nhựa

 

Không lâu sau, vào đúng ngày 19/5/1960, nhân kỷ niệm 70 năm ngày sinh của Bác Hồ, Chính phủ đã chính thức có quyết định thành lập nhà máy nhựa. Tại Kỳ họp lần thứ 12, Quốc hội khóa II, Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã đặt tên “Nhà máy Nhựa Thiếu niên Tiền Phong” cho nhà máy này. Ngày 19/5 đã trở thành “ngày khai sinh” cho nhà máy sản xuất gia công nhựa đầu tiên của Việt Nam. Nhà máy Nhựa Thiếu niên Tiền Phong, tại số 2 An Đà, quận Ngô Quyền, TP. Hải Phòng hiện nay, được coi là hạt nhân của ngành công nghiệp sản xuất nhựa Việt Nam.

Bước vào cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ nhất của Đế quốc Mỹ (năm 1964, 1965), Nhà máy Nhựa Thiếu niên Tiền Phong chuyển sản xuất từ thời bình sang thời chiến. Khi đó, lãnh đạo Nhà máy đã đề ra nhiều chủ trương như: “Nếu địch đánh ngày, ta tranh thủ sản xuất ban đêm”, “Địch đánh phá liên tục, chúng ta phân tán sản xuất”… Với tinh thần “Mỗi người làm việc bằng hai, vì miền Nam ruột thịt”, hay “Làm thêm phần việc của anh Nguyễn Văn Trỗi, của chị Út Tịch” đã hối thúc tinh thần lao động hăng say, khắc phục khó khăn của cán bộ, công nhân viên Nhà máy. Ông Phúc cho biết, trong những năm này, dù 50% thời gian bị mất điện, thiếu nhân lực, nhưng Nhà máy vẫn giữ được nhịp độ sản xuất, tăng năng suất lao động và vẫn đảm bảo chất lượng sản phẩm. Cũng vì thế mà sự đoàn kết của cả tập thể đã trở thành truyền thống đáng tự hào và là tài sản quý giá, giúp công ty vượt qua nhiều “bão tố” của thương trường để tiếp tục phát triển.

Cũng chính trong những năm tháng ác liệt này, nhiều sản phẩm chất lượng mang thương hiệu Tiền Phong đã ra đời. Những đồ chơi cho trẻ em, quả bóng bàn, rổ nhựa, thắt lưng, áo mưa... của Nhà máy đã gắn chặt với cuộc sống của người dân miền Bắc.  Có những  sản phẩm đã thành “biểu tượng thời trang” như dép nhựa trắng Tiền Phong, là niềm ao ước của biết bao người.

Vững vàng vượt qua thử thách

Năm 1986, nước ta bước vào thời kỳ đổi mới, chuyển từ nền kinh tế tập trung quan liêu bao cấp sang vận hành theo cơ chế thị trường. Nhu cầu của xã hội cũng thay đổi, đòi hỏi sự đa dạng, phong phú chủng loại và khắt khe về chất lượng sản phẩm. Vì thế, những sản phẩm truyền thống của NTP đã trở nên không còn phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng.

Để tồn tại và phát triển, Ban lãnh đạo Nhà máy khi đó đề ra phương châm “Bán cái thị trường cần, chứ không bán cái mình có”. Lãnh đạo Nhà máy đã đưa ra một quyết định mang tính lịch sử, đó là thay đổi sản phẩm truyền thống. Năm 1990, Nhà máy đã quyết định “chia tay” với những sản phẩm truyền thống đã làm nên tên tuổi của mình và bắt tay vào sản xuất ống nhựa uPVC, HDPE, PPR để phục vụ cho các công trình xây dựng. Kể từ đó, nhắc đến Nhựa Tiền Phong là nhắc đến sản phẩm ống nhựa. Quyết định ấy đã thay đổi “số phận” của NTP, để giờ đây, NTP đã là một tên tuổi lớn của ngành nhựa Việt Nam.

Năm 1992, Nhà máy chính thức được vận hành theo mô hình Công ty. Rồi năm 2004, NTP tiến hành cổ phần hóa. Đến năm 2006, cổ phiếu của NTP được niêm yết trên Trung tâm Giao dịch chứng khoán Hà Nội với mã chứng khoán NTP. Cùng với uy tín và thương hiệu đã tạo dựng được trước đó, cổ phiếu của NTP luôn “hot” trên sàn giao dịch chứng khoán. Từ kênh huy động vốn này, NTP đã có được nguồn lực tài chính mạnh mẽ và vững chắc để đầu tư mở rộng, nâng cao sức cạnh tranh. Đến năm 2014, lần đầu tiên, NTP đạt mốc sản lượng vượt qua con số 58.000 tấn sản phẩm.

Thành công không đến từ sự dễ dãi và luôn có cái giá phải trả. Những bài học kinh nghiệm qua từng giai đoạn phát triển đã được Ban lãnh đạo Công ty đúc rút trở thành tài sản vô giá của NTP. Đó là phải liên tục đầu tư, chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, cải thiện chất lượng sản phẩm, giảm giá thành, tăng năng suất. “Nếu không nhờ việc chế tạo thành công 3 máy cưa cắt ống tự động, nhập khẩu máy từ nước ngoài, thì có lẽ từ năm 1994 đến năm 1995, NTP đã không thể tăng sản lượng từ 3.200 tấn lên 5.000 tấn”, ông Phúc nói. Cũng nhờ thành công này và sau khi đầu tư dây chuyền sản xuất tự động của Đài Loan, Hàn Quốc, Phần Lan, đã giúp NTP tạo được lợi thế cạnh tranh rõ rệt về sản lượng, chủng loại và chất lượng sản phẩm.

Bên cạnh đó, việc khéo léo, linh hoạt và quyết đoán trong việc xử lý biến động của tỷ giá do cuộc khủng hoảng tài chính thế giới hồi năm 1997 cũng là những dấu ấn cho sự trưởng thành của NTP. Khi đó, tỷ giá đồng ngoại tệ luôn biến động đã gây ra những thiệt hại không nhỏ về lợi nhuận của Công ty. NTP đã quyết định phải luôn dự trữ ngoại hối và nguyên liệu, phải lựa chọn thời điểm mua nguyên liệu để có giá thấp nhất, giảm tối đa sự tác động của tỷ giá. Nhờ vậy mà năm 2010, khi  không ít doanh nghiệp lao đao vì tỷ lệ trượt giá của của VNĐ so với USD lên đến 3,3%, thì NTP vẫn vững vàng, doanh thu của Công ty vẫn tăng gần 24% so với năm 2009.

Hay những tác động của khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008, 2009 cũng là một thử thách dữ dội mà NTP đã vượt qua. Nhờ có đường lối đúng đắn, biết tận dụng cơ hội mà trong hai năm đó, doanh thu của NTP lại có mức tăng trưởng cao nhất, từ 30 - 36,19%, với giá trị lần lượt là 1.097 tỷ và 1.494 tỷ đồng. Hai chỉ tiêu quan trọng khác là nộp ngân sách và lợi nhuận thì nộp ngân sách vượt trên 200%, lợi nhuận vượt trên 198%.

Thương hiệu đã được khẳng định

Sau 55 năm xây dựng và phát triển, các sản phẩm của NTP đã được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa tại 5 nước: Trung Quốc, Lào, Thái Lan, Campuchia và Myanmar. Thị trường tiêu thụ cũng được mở rộng sang New Zealand từ năm 2013. Các sản phẩm của Công ty có mặt ở hầu hết các tỉnh, thành trên cả nước, với 4 trung tâm phân phối, hơn 300 đại lý và trên 3.000 điểm bán hàng. “Các sản phẩm của NTP từ lâu đã được sử dụng rộng rãi trong các công trình cấp thoát nước, công nghiệp xây dựng, giếng nước ngầm cho dân dụng và công nghiệp, cầu đường, hoá chất, địa chất, dầu khí, hệ thống thoát nước thải các đô thị, khu công nghiệp, nước tưới tiêu trong nông, lâm nghiệp... Công ty có đủ năng lực để sản xuất các sản phẩm đạt tiêu chuẩn cao, theo các yêu cầu đặc biệt của khách hàng”, ông Phúc cho biết.

Nhiều năm liền sản phẩm của NTP được người tiêu dùng bình chọn là “Hàng Việt Nam chất lượng cao”. Trong các kỳ hội chợ hàng công nghiệp trong nước và quốc tế, NTP cũng đạt được nhiều huy chương vàng. Đặc biệt năm 2010, NTP đã nằm trong top 10 thương hiệu nổi tiếng của Giải thưởng Sao Vàng Đất Việt.  Không những thế, 3 năm liên tiếp, NTP nằm trong top 50 công ty kinh doanh hiệu quả nhất Việt Nam (2011-2013); 7 năm liên tiếp nằm trong top 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam và là công ty nằm trong top 30 doanh nghiệp minh bạch nhất trên sàn giao dịch chứng khoán Hà Nội 2 năm liền.

Hàng sản xuất ra được người tiêu dùng tin tưởng và đón nhận. Trong giai đoạn gần đây, từ năm 2010 - 2014, dù tập trung vốn cho đầu tư mới về nhà xưởng và dây chuyền sản xuất công nghệ mới, nhưng sản lượng tiêu thụ của Công ty vẫn tiếp tục tăng từ 54.400 tấn lên 58.988 tấn, tổng doanh thu thuần tăng mạnh từ 1.954 tỷ đồng lên 2.997 tỷ đồng. “Trong năm 2015 này, dù thị trường ngày càng có sự cạnh tranh khốc liệt, nhưng với tiềm lực sẵn có, sự đầu tư bài bản, cùng chiến lược kinh doanh dựa trên sự nghiên cứu, dự báo thị trường và dự phòng rủi ro, NTP tiếp tục đặt ra chỉ tiêu cao hơn hẳn năm trước. Trong đó, mục tiêu về sản lượng và doanh thu lần lượt là 64.800 tấn và 3.210 tỷ đồng”, ông Phúc cho biết.

Những phần thưởng cao quý, như Huân chương độc lập hạng Ba (2010); danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới (1994 - 2005); Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì…, chính là sự ghi nhận những đóng góp, thành quả mà NTP đã đạt được trong suốt 55 năm xây dựng và phát triển.

Ngày mai (19/5), trong Lễ kỷ niệm 55 năm ngày thành lập, NTP vinh dự được đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhì. Các ông Trần Bá Phúc, Chủ tịch HĐQT của Công ty được phong tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua Toàn quốc; ông Nguyễn Quốc Trường, Tổng giám đốc được tặng thưởng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Sự ghi nhận đó là nguồn động viên to lớn với cán bộ, công nhân viên của NTP phấn đấu vươn lên, không ngừng đổi mới sáng tạo, làm ra những sản phẩm phục vụ xã hội, góp phần giảm tỷ lệ nhập siêu.

Hướng tới tương lai

Ông Phúc nhớ lại, khi Công ty bước qua tuổi 50, dù vẫn đang trên đà ổn định, phát triển, nhưng lãnh đạo Công ty đã kịp thời nhận thấy khả năng đột phá về mặt doanh thu cũng như lợi nhuận sẽ sớm đến điểm giới hạn. Vì thế, NTP đã quyết định phải tập trung tạo ra những nguồn lực mới, tạo đà cho chu kỳ kinh doanh phát triển mới. Thực tế thì, ngay từ năm 2009, NTP đã bắt đầu việc xây dựng nhà máy mới rộng 17,3 ha tại quận Dương Kinh (Hải Phòng) và di chuyển dần các phân xưởng cũ sang địa điểm mới này. Theo lộ trình, dự án sẽ hoàn tất vào năm 2017.

Từ năm 2010, NTP cũng đã tiến hành đầu tư sang Lào khoảng 1,8 triệu USD để thành lập Công ty Liên doanh Nhựa Tiền Phong - SMP. Hiện nhà máy sản xuất nhựa của công ty liên doanh này có quy mô lớn nhất ở Lào. Năm 2012, Công ty cũng tiếp tục đầu tư hơn 120 tỷ đồng để xây dựng nhà máy mới rộng 4,5 ha, có công suất thiết kế 20.000 tấn sản phẩm/năm, tại Khu công nghiệp Nam Cấm, tỉnh Nghệ An. Nhà máy này đã chính thức được đưa vào hoạt động từ tháng 9/2013, đảm bảo việc làm, tạo thu nhập ổn định cho hàng trăm lao động địa phương.

Song song với đó, NTP còn tập trung đầu tư vào các dây chuyền công nghệ hiện đại để cung cấp các sản phẩm chuyên dụng. Ông Nguyễn Quốc Trường, Tổng giám đốc Công ty cho biết: Từ năm 2013, NTP đã có kế hoạch đầu tư vào những sản phẩm mà hiện nay thị trường đang rất cần. Đó là ống HDPE 2 vách và ống HDPE đường kính tới 2.000 mm, sử dụng cho hoạt động cấp nước.

Theo ông Trường, hiện các dự án hạ tầng lớn mà các nhà thầu Việt Nam tham gia đấu thầu đều phải dùng ống nhựa HDPE cỡ lớn của Anh, Đức, Hàn Quốc để chào hàng, giá các loại ống này cao gấp 2-3 lần giá gốc.

Do đó, để đón đầu phân khúc thị trường này, NTP đã quyết định đầu tư 100 tỷ đồng cho dây chuyền sản xuất ống HDPE DN1.400 - DN2.000 và 50 tỷ đồng cho dây chuyền sản xuất ống HDPE 2 vách DN200-DN800. “Như vậy, hiện nay NTP đã có những dây chuyền sản xuất ống uPVC với đường kính lớn nhất là 800 mm, ống HDPE với đường kính tối đa 1.200mm của dây chuyền cũ và 2.000 mm của dây chuyền vừa mới lắp đặt xong. Đây là những dây chuyền sản xuất sản phẩm có đường kính lớn nhất Việt Nam và của Đông Nam Á hiện nay”,  ông Trường cho hay. Được biết, ngày hôm nay, dây chuyền sản xuất ống HDPE đường kính 2.000 mm sẽ cho ra những sản phẩm đầu tiên.

Đến thời điểm hiện tại, việc đầu tư của Công ty đang trong giai đoạn cuối, Ban lãnh đạo Công ty tin tưởng, khi việc đầu tư hoàn tất, NTP sẽ tạo dựng được dấu ấn mới cho mình.

Ngoài các sản phẩm nhựa, NTP cũng đang triển khai dự án Bất động sản - Khu tổ hợp thương mại, văn phòng cho thuê và chung cư cao cấp. Rồi một số dự án hợp tác với đối tác Nhật Bản (Tập đoàn Sekisui Chemical), Australia, New Zealand, hứa hẹn sẽ mở ra một chương mới, tạo bước đột phá trong phát triển của NTP.

Nhựa Thiếu niên Tiền Phong bắt tay đối tác Nhật Bản
Sáng 22/7, tại trụ sở của Công ty cổ phần Nhựa Thiếu Niên Tiền Phong (NTP) đã diễn ra lễ ký kết hợp đồng hợp tác kinh tế giữa NTP với Tập...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư