Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 22 tháng 01 năm 2025,
Nhức nhối vấn nạn lạm thu trong trường phổ thông
Mộc An - 04/11/2022 11:22
 
Ngoài khoản thu theo quy định, một số trường học còn đưa ra nhiều khoản thu dưới hình thức tự nguyện, xã hội hóa theo kiểu cào bằng khiến phụ huynh học sinh bức xúc.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Điệp khúc "thu”

Mỗi dịp đầu năm học mới, học sinh sẽ có các khoản phải chi như sách giáo khoa, đồng phục, tiền bảo hiểm y tế, ăn bán trú (nếu có nhu cầu); sinh hoạt các câu lạc bộ như cờ vua, cờ tướng, múa, võ, mỹ thuật, tiền điều hòa, nước uống, vệ sinh, chăm sóc bán trú, bảo hiểm...

Nhiều trong số đó là các khoản thu chính đáng, song cũng có không ít khoản "trời ơi" gây bức xúc cho phụ huynh. Vừa qua, một số phụ huynh phàn nàn về việc sau khi con nhập học lớp 6 một trường THCS tại Hà Nội đã phải đóng tiền mua cả ghế ngồi sinh hoạt dưới cờ.

Hay mới đây, một phụ huynh chia sẻ bảng dự trù kinh phí hoạt động của Ban đại diện Hội phụ huynh học sinh lớp 1/3, Trường tiểu học Võ Thị Sáu (quận 7, TP.HCM). Theo đó, quỹ hội dự chi hơn 130 triệu đồng cho cả năm học. Với 41 học sinh, tính trung bình mỗi em đóng hơn 3 triệu đồng. Đáng lưu ý, trong bảng dự chi này, phần lớn kinh phí phụ huynh đóng chỉ để “chăm cô”.

Hồi cuối tháng 9, nhiều phụ huynh có con đang học ở Trường THPT Tây Thạnh (TP.HCM) phản ánh nhà trường đưa ra nhiều khoản thu bất hợp lý, dẫn đến số tiền đầu năm phải đóng lên đến gần 6,4 triệu đồng. Nếu vận động thành công và tất cả phụ huynh đều đóng thì riêng quỹ phụ huynh của trường sẽ vào khoảng 1,3 tỷ đồng.

Chưa kể, trong buổi họp phụ huynh đầu tiên, giáo viên chủ nhiệm của nhiều lớp tại một huyện của tỉnh Hà Tĩnh thông báo nhà trường có kế hoạch mua 45 bộ bàn ghế, ba chiếc bảng, những vật dụng này đều vận động đóng góp từ phụ huynh.

Nhà trường yêu cầu mỗi học sinh lớp 1 phải đóng 550.000 đồng tiền bàn ghế, 173.000 đồng tiền bảng, ngoài ra còn tiền mua rèm cửa, tiền quỹ cha mẹ học sinh. Tổng cộng gần 1 triệu đồng. Giáo viên còn lưu ý áp đặt nếu phụ huynh không đóng tiền mua bàn ghế, con không có chỗ ngồi học, nên gây bức xúc cho phụ huynh. Họ cho rằng, con em học trường công, đáng ra những cơ sở vật chất thiết yếu như bàn ghế, bảng phải có trước, không thể áp đặt bắt học sinh phải đóng góp để mua sắm.

Nâng vai trò của hội cha mẹ học sinh

Nói về vấn nạn lạm thu, PGS-TS. Trần Thị Minh Hằng, Khoa Tâm lý giáo dục (Học viện Quản lý giáo dục) cho rằng, tình trạng lạm thu thời gian vừa qua còn do Ban đại diện Hội phụ huynh học sinh chưa làm tốt vai trò, để xảy ra tiêu cực trong hoạt động. Điều đó xuất phát từ hai phía, đầu tiên là do năng lực của Ban đại diện Hội phụ huynh học sinh chưa đủ (nhiều thành viên do nhiệt tình được mời vào Ban đại diện).

Về phía nhà trường, một số hiệu trưởng đã lợi dụng chức năng nhiệm vụ của Ban đại diện để triển khai các việc không đúng quy định (thu - chi; ủng hộ; núp bóng Ban đại diện để thu tiền).

Do đó, theo bà Hằng, để Ban đại diện Hội phụ huynh học sinh làm tốt, đúng vai trò, thực sự là cầu nối gia đình và nhà trường, cần chọn đúng người có hiểu biết, nhiệt tình; có năng lực tuyên truyền giúp phụ huynh hiểu và thực hiện chủ trương đúng, dám lên tiếng phản đối cái sai.

Đặc biệt, cần loại bỏ người cơ hội, tham gia Ban đại điện nhằm mong muốn con em được nâng đỡ không trong sáng. Thậm chí, trước khi có quyết định thành lập Ban đại diện Hội phụ huynh học sinh, nên thẩm định chuyên môn, năng lực thành viên tham gia Ban đại diện. Không để việc bầu Ban đại diện Hội phụ huynh học sinh theo cảm tính, hoặc chỉ định.

Mặt khác, bà Hằng cũng cho rằng, để không xảy ra tiêu cực, mượn tay Ban đại diện Hội phụ huynh học sinh trong việc thu chi; các trường, lớp cần có quy định rõ ràng mức chi, khoản được chi theo từng trường hợp cụ thể. Ban đại diện Hội phụ huynh học sinh cũng cần có quy chế phát ngôn, tránh tình trạng mượn vai làm việc sai mục đích; tăng cường sự giám sát Ban đại diện từ nhà trường và phụ huynh các lớp.

Theo GS-TS. Phạm Tất Dong, nguyên Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, ngành giáo dục nên có quy định rõ ràng về các khoản thu nhằm giảm áp lực cho phụ huynh học sinh.

Về phía cơ quan quản lý, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, ông Trần Thế Cương cho biết, Sở đã yêu cầu các trường không được bắt buộc học sinh phải mua đồng phục mới, thay vào đó, các em chỉ cần ăn mặc sạch sẽ, gọn gàng, khuyến khích tiết kiệm.

Ông Cương cũng chỉ đạo, đồng phục nhà trường phải thiết kế giản dị, kiểu dáng phù hợp với lứa tuổi học sinh. Nhà trường có thể cung cấp mẫu, kiểu dáng, màu sắc để cha mẹ chủ động mua sắm.

Tương tự, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Bà Rịa - Vũng Tàu, bà Trần Thị Ngọc Châu yêu cầu các trường trong tỉnh tuyệt đối không bắt buộc học sinh mua đồng phục mới đầu năm học.

Còn tại Quảng Trị, bà Lê Thị Hương, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh này cũng yêu cầu các trường thực hiện thu đúng, thu đủ, chi đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả.

“Không được sử dụng kinh phí hoạt động của Hội phụ huynh để chi cho bảo vệ, vệ sinh, mua sắm máy móc, đồ dùng dạy học. Nghiêm cấm việc lợi dụng danh nghĩa của Ban đại diện Hội phụ huynh học sinh để thu các khoản ngoài quy định”, bà Hương chỉ đạo.

Dự án Trường phổ thông iSchool Ninh Thuận “dính” nhiều sai phạm
Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển học đường Quốc tế không thực hiện thủ tục điều chỉnh dự án đầu tư theo nội dung Giấy Chứng nhận...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư