Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 22 tháng 01 năm 2025,
Những điểm đến thú vị dịp 30/4 trong lòng Hà Nội
- 24/04/2013 07:32
 
Có thể bạn đã ở Hà Nội khá lâu, nhưng vẫn còn khá nhiều điều thú vị về Hà Nội bạn chưa từng khám phá. Vậy còn chần chừ gi nữa, dịp nghỉ lễ 30/4 sắp tới chính là thời gian thích hợp cho những chuyến đi đầy hấp dẫn này.
TIN LIÊN QUAN

1. Công viên Nước Hồ Tây

Từ ngày Giỗ tổ Hùng Vương (19/4 dương lịch), Công viên Nước Hồ Tây đã chính thức mở cửa đón khách trở lại.
Đây được xem là khu vui chơi giải trí hiện đại và hấp dẫn nhất của Hà Nội. Công viên có diện tích 35.560m², được chia thành 5 khu vui chơi, gồm các hạng mục hấp dẫn như: Đường ống trượt với độ cao trung bình là 12m; bể tạo sóng; bể mát xa (bể sủi); bể lặn…



Không chỉ có vậy, ngồi trên đu quay ở độ cao 60m tại công viên Vầng Trăng, nằm liền kề khu công viên nước,
bạn còn có thể thư giãn và ngắm nhìn toàn cảnh thành phố.

Ngoài ra, ở đây còn có phòng chiếu phim không gian ba chiều, các trò chơi điện tử thế hệ mới, siêu thị, khu thể thao liên hoàn với các sân tennis, cầu lông, bóng bàn, phòng bi-a, hồ câu cá, sân golf mini cùng các cụm trò chơi đĩa quay, ô tô, tàu cao tốc để phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí của du khách.

Đặc biệt, để bảo vệ môi trường của công viên xanh-sạch-đẹp, năm nay công viên Hồ Tây đã ban hành bổ sung quy định mới. Tất cả du khách khi đến vui chơi tại công viên sẽ không được mang theo đồ ăn, đồ uống. Công viên đã chuẩn bị phương án phục vụ ẩm thực cho du khách, với nguồn thực phẩm được kiểm định theo quy định của Bộ Y tế và hợp lý về giá cả.

2. Làng gốm Bát Tràng

Nằm bên bờ tả ngạn sông Hồng, làng gốm Bát Tràng thuộc huyện Gia Lâm, cách trung tâm thủ đô Hà Nội hơn 10km về phía đông – nam.

Tên Bát Tràng được hình thành từ thời Lê, đó là sự hội nhập giữa 5 dòng họ gốm nổi tiếng của làng Bồ Bát xứ Thanh với dòng họ Nguyễn ở đất Minh Tràng.

Gốm Bát Tràng từ xưa đến nay đã lưu hành trên khắp mọi miền đất nước, thậm chí ra cả nước ngoài. Sản phẩm gốm Bát Tràng như lọ độc bình, song bình, bát vẽ chuồn, bát vẽ các tích cổ... đã được các lái thương Bồ Ðào Nha, Nhật Bản, Hà Lan, Pháp... mua với số lượng lớn. Nhiều nghệ nhân Nhật Bản đã bắt chước phong cách tạo hình, nét vẽ phóng khoáng, màu men đa dạng, giản dị, mộc mạc mà sâu lắng của gốm Bát Tràng.

Từ những thế kỷ trước, đồ gốm Bát Tràng đã thuộc loại cao cấp, quý hiếm nhưng phần nhiều là đồ thờ: chân đèn, lư hương, bình hoa. Về sau, do thị hiếu phát triển, cộng với nhu cầu thị trường, gốm Bát Tràng đã có nhiều đồ gia dụng, phổ biến nhất là bát, đĩa, bình, lọ. Ngày nay, cái khéo cái tài của người làng gốm Bát Tràng được phát huy cao độ trong cơ chế thị trường. Nhiều mặt hàng phong phú về chủng loại và kiểu dáng đã được sản xuất. Các loại gốm mỹ thuật, gốm sứ công nghiệp, đồ giả cổ, gốm xây dựng cao cấp đã dần được sản xuất nhiều hơn đồ gốm gia dụng.


Đến Bát Tràng bạn có thể tham gia vào nhiều công đoạn của quá trình sản xuất gốm.

Từ tháng 10/2004 chợ gốm Bát Tràng bao gồm các gian hàng của gần 1.000 hộ dân chuyên sản xuất đồ gốm tiêu dùng đã được khai trương trên khuôn viên rộng hơn 5.000m². Không chỉ là nơi trưng bày và tổ chức các cuộc giao thương, người dân Bát Tràng hy vọng chợ gốm sẽ thu hút đông đảo khách du lịch và trở thành một địa điểm du lịch nổi tiếng của thủ đô Hà Nội.

3. Làng lụa Vạn Phúc

Làng lụa Hà Đông hay làng lụa Vạn Phúc thuộc phường Vạn Phúc, thuộc quận Hà Đông, cách trung tâm Hà Nội khoảng 10 km, là một làng nghề dệt lụa tơ tằm đẹp nổi tiếng có từ ngàn năm trước.

Nằm bên bờ sông Nhuệ, ngày nay làng lụa Vạn Phúc vẫn còn giữ được ít nhiều nét cổ kính quê ngày xưa như hình ảnh cây đa cổ thụ, giếng nước, sân đình, buổi chiều vẫn họp chợ dưới gốc đa trước đình.

Lụa Vạn Phúc nói chung có đặc điểm ấm áp vào mùa đông và mát mẻ vào mùa hè. Hoa văn trang trí trên vải lụa rất đa dạng như mẫu Song hạc, mẫu Thọ Đỉnh, mẫu Tứ Quý... Đến đây, bạn có thể vào các hộ gia đình để xem quy trình dệt vải và mua các sản phẩm làm từ lụa làm quà tặng cho bạn bè và người thân.

4. Thiên đường Bảo Sơn

Nằm cách trung tâm thành phố 12 km, thuộc xã An Khánh, huyện Hoài Đức, khu giải trí Thiên đường Bảo Sơn có tổng vốn đầu tư 50 triệu USD.

Được xây dựng trên diện tích 34ha, đây là tổ hợp vui chơi giải trí và du lịch văn hóa tiêu chuẩn quốc tế đầu tiên tại miền Bắc. Đến Thiên đường Bảo Sơn, ngay lập tức, du khách sẽ bị hút vào Khu du lịch văn hóa- nơi quy tụ và tái hiện những nét đặc sắc của văn hóa Việt Nam gồm khu phố cổ, khu làng nghề, khu ẩm thực…


Khu phố cổ Hà Nội được tái hiện trong Thiên đường Bảo Sơn.

Đặc biệt, du khách còn được khám phá thế giới đại dương ở khu thủy cung lần đầu tiên có mặt tại Hà Nội. Du khách sẽ được tận mắt nhìn cá mao tiên với màu sắc nâu đỏ, vàng, hai vây trước xòe rộng như hai cánh chim, vây lưng tua tủa 13 chiếc gai độc, thân hình mềm mại như nàng tiên. Ngoài ra, còn có rất nhiều giống cá lạ có xuất xứ trên khắp hành tinh được đưa về đây như cá hồng vĩ mỏ vịt, một loài cá dữ có nguồn gốc từ vùng Amazon, hay như cá chép đỏ từ Nhật Bản, cá tượng từ đại dương bao la… Thêm nữa, du khách còn được tham quan và xem những màn nhào lộn nghệ thuật đầy thú vị của những chú hải cẩu.

Sức hấp dẫn của khu thủy cung này không chỉ ở sự bài trí khoa học mà còn ở lối thiết kế độc đáo. Trong lòng thủy cung, lối lên các tầng được thiết kế theo hình xoáy trôn ốc. Sát tường ngoài là những ô cửa sổ ngụy trang dưới hốc đá. Lối xuống đưa du khách đi qua những bể cá lớn của những loài cá nước ngọt. Cửa ra vào của thủy cung mô phỏng hình một con cá mập với hàm răng nhọn sắc mở rộng.

Thu Hoài

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư