Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Những kênh đầu tư siêu lợi nhuận và… siêu rủi ro
Hà Tâm - 26/08/2013 07:48
 
Trong bối cảnh các kênh đầu tư như chứng khoán, bất động sản… đều gặp khó khăn, thì nhiều nhà đầu tư đang tìm đến những kênh đầu tư siêu lợi nhuận như sàn vàng, sàn ngoại hối (FOREX). Tuy nhiên, các kênh đầu tư này cũng như “sới bạc”, chứa đựng đầy rủi ro, thiếu sự bảo vệ của pháp luật.

Từ sàn trong nước tới sàn quốc tế

Đang chán chứng khoán, lại được bạn bè giới thiệu, chị Thủy Trang, một nhà đầu tư nhỏ đã đến Công ty VietnamGold (Hà Nội) để tìm hiểu việc kinh doanh vàng.

Các kênh đầu tư như sàn vàng, sàn ngoại hối cũng như “sới bạc”,
chứa đầy rủi ro, thiếu sự bảo vệ của pháp luật

Tại đây, chị được nhân viên Công ty cho biết, nhà đầu tư cá nhân có thể tham gia kinh doanh vàng SJC hoặc vàng thế giới.

Để giao dịch, trước hết, nhà đầu tư phải mở một tài khoản tại Công ty này và nộp tiền để tiến hành giao dịch.

“Ưu điểm của hình thức giao dịch tại công ty là nhà đầu tư được sử dụng đòn bẩy tài chính rất lớn, chỉ cần đóng số tiền giá trị tương đương 1 lượng vàng, nhà đầu tư có thể mua tới 10 lượng vàng và chốt thời điểm giao dịch. Nếu tới thời điểm giao dịch, giá vàng tăng, nhà đầu tư có thể bán lại hoặc đóng đầy đủ số tiền 10 lượng vàng để lấy vàng về”, nhân viên của VietnamGold cho biết.

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đầu tư điện tử - baodautu.vn, không chỉ Vietnam Gold, mà trên thị trường, một số doanh nghiệp (DN) kinh doanh vàng khác cũng giới thiệu dịch vụ này.

Tổng giám đốc một DN kinh doanh vàng có tên tuổi trong nước (xin không nêu tên) thừa nhận, DN này cũng cho phép người mua vàng chỉ cần đặt cọc 10% và chốt thời điểm giao dịch; 90% số tiền còn lại người mua chỉ phải đóng khi đến lấy vàng. Tuy nhiên, trong thời gian đó, nếu giá vàng lên, người dân muốn bán, chốt lời thì Công ty cũng đồng ý.

“Ranh giới giữa vàng tài khoản và vàng vật chất rất mong manh. Về hình thức, cách giao dịch, sử dụng đòn bẩy tài chính này gần giống với mô hình sàn vàng trước đây. Tuy nhiên, nếu kết luận chúng tôi đang kinh doanh sàn vàng “chui” là không đúng, bởi người dân muốn lấy vàng vật chất vẫn phải đóng 100% tiền”, vị tổng giám đốc này nói.

Trên thực tế, kinh doanh vàng tài khoản là nhu cầu có thật của một bộ phận nhà đầu tư. Chính vì vậy, sau khi Ngân hàng Nhà nước ban hành quy định cấm sàn vàng hoạt động, nhiều sàn vàng chui đã tái xuất.

Bên cạnh đó, các công ty tư vấn đầu tư vàng cũng xuất hiện như “nấm sau mưa”, kêu gọi, lôi kéo nhà đầu tư tham gia các sàn vàng quốc tế.

Nhân viên tư vấn của một công ty vàng khẳng định, chỉ với 10 triệu đồng, nhà đầu tư có thể kiếm lợi nhuận 3-10%/tháng, khi tham gia sàn vàng. Chính lời quảng cáo hấp dẫn, lợi nhuận “trong mơ” này đang thu hút một lượng lớn nhà đầu tư trẻ tham gia vào các sàn vàng, cả trong nước lẫn thế giới.

Nhà đầu tư gánh chịu rủi ro

Chủ trương của Ngân hàng Nhà nước hiện nay là vẫn không cho phép kinh doanh vàng tài khoản. Tức là, nếu tham gia kinh doanh sàn vàng, nhà đầu tư sẽ chịu rủi ro vì không được bảo vệ về mặt pháp lý.

Năm 2012, nhiều nhà đầu tư vàng qua CTCP Tư vấn đầu tư Đỉnh Phong đã khốn đốn vì trang web của Công ty bỗng dưng bị sập, toàn bộ dữ liệu giao dịch bị xóa sạch, khách hàng không rút được tiền.

Nếu tham gia kinh doanh vàng tài khoản ở nước ngoài, tốc độ “đốt tiền” của nhà đầu tư càng nhanh hơn. Do hầu hết các sàn vàng nước ngoài cho phép tỷ lệ đòn bẩy tài chính rất lớn (bỏ 1 đồng, được mua 500 đồng), nên chỉ cần vàng biến động nhẹ, tài khoản nhà đầu tư sẽ “cháy” ngay lập tức.

Tuy vậy, việc cấm người dân giao dịch vàng là rất khó. Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư điện tử - baodautu.vn, một lãnh đạo của Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam nhận định: “Thị trường có cầu thì tất yếu doanh nghiệp sẽ lách luật, biến tấu để triển khai. Chúng ta đừng vì thiếu hiểu biết về vàng tài khoản, về sàn vàng, mà coi nó như bệnh dịch. Thay vào đó, cần phải học hỏi, rút kinh nghiệm các nước để quản lý đưa vào khuôn khổ. Sàn vàng trước đây sập là vì DN chỉ có trong tay chưa đến 10 tỷ đồng, nhưng lại giao dịch hàng ngàn tỷ đồng. Nếu chỉ cho phép những DN, ngân hàng lớn, vốn nhiều mới được phép mở sàn vàng thì sẽ không có vấn đề gì”.

Ông Nguyễn Thanh Trúc, Tổng giám đốc Công ty vàng Agribank cho rằng, sàn giao dịch vàng là mô hình kinh doanh hiện đại mà phần lớn các nước trên thế giới đều triển khai, do đó, việc cấm mô hình này sẽ gây thiệt thòi cho người dân và DN.

“Tuy nhiên, ở nhiều nước, trước khi giao dịch, người chơi phải trải qua một lớp học bắt buộc. Chỉ khi hiểu hết sự rủi ro, nguy hiểm của thị trường vàng họ mới được tham gia kinh doanh”, ông Trúc nhấn mạnh.

Trong khi chưa có quy định nào liên quan đến vàng tài khoản, Nhà nước thất thu thuế vì một lượng tiền không nhỏ chảy ra các sàn vàng nước ngoài. Mặt khác, các nhà đầu tư tham gia hình thức này cũng đang “đi trên dây” khi hoàn toàn không được pháp luật bảo vệ.

Tìm hướng đi cho kinh doanh vàng vật chất
(baodautu.v) Trong khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chưa cho phép kinh doanh vàng tài khoản, hay chưa lập sàn giao dịch vàng quốc gia, thì một số ngân hàng đã...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư