Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
Những nguy cơ phát sinh từ The Pride
Nguyên Minh (ĐTCK) - 07/03/2014 12:48
 
ĐTCK vừa có bài phản ánh về việc chủ dự án The Pride là CTCP Đầu tư Hải Phát bị một nhóm khách hàng ủy quyền qua Văn phòng Luật sư Bùi Quang Hưng khiếu nại lên Cục Quản lý cạnh tranh về hàng loạt sai phạm.

Cụ thể, nhóm khách hàng khiếu nại về việc chủ đầu tư Hải Phát chậm thực hiện nghĩa vụ bàn giao nhà theo cam kết hợp đồng và vi phạm Nghị định 71/2010 của Chính phủ khi thu tiền đến 90% giá trị hợp đồng, trong khi Dự án chưa đủ điều kiện bàn giao. Ngoài ra, chủ đầu tư còn tự ý thay đổi hệ thống cung cấp gas trung tâm sang hệ thống điện khi chưa có sự đồng ý của khách hàng và vi phạm Luật Nhà ở trong việc quy định đơn vị quản lý chung cư.

Trả lời ĐTCK về các nội dung khiếu nại của khách hàng, ông Nguyễn Hồng Thái, Tổng giám đốc CTCP Đầu tư Hải Phát thừa nhận, tiến độ thi công của Dự án The Pride đã bị chậm so với kế hoạch. Thay vì bàn giao nhà vào năm 2013, chủ đầu tư cam kết sẽ bàn giao nhà vào quý II/2014. Việc chủ đầu tư thu trên 70% giá trị hợp đồng, theo ông Thái, đây là thỏa thuận giữa các bên. Hơn nữa, nhiều hợp đồng được ký trước thời điểm Nghị định 71 hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở chưa có hiệu lực.

.
Dự án The Pride (quận Hà Đông, Hà Nội) bị khiếu kiện vì vi phạm tiến độ bàn giao, tiến độ thu tiền cũng như thay đổi thiết kế.

Liên quan đến việc thay đổi hệ thống cung cấp gas sang hệ thống điện, ông Thái lý giải, do chủ đầu tư nhận thấy việc sử dụng điện an toàn, tiết kiệm và văn minh hơn sử dụng gas. Đặc biệt, theo ông Thái, hiện đã có đến trên 90% khách hàng đồng ý với phương án sử dụng hệ thống điện thay thế hệ thống gas trung tâm.

Tuy nhiên, trao đổi với ĐTCK, ông Nguyễn Hồng Quân, đại diện nhóm khách hàng có khiếu nại cho biết, hầu hết khách hàng mua căn hộ tại Dự án The Pride đều ký hợp đồng từ năm 2011, nghĩa là sau khi Nghị định 71 có hiệu lực, chứ không phải trước khi nghị định này có hiệu lực như đại diện chủ đầu tư nói.

Cũng theo ông Quân, Hải Phát trước đó đã có văn bản cam kết sẽ không tiếp tục thu tiền với khách hàng đã nộp đến 80 - 90% giá trị hợp đồng. Thế nhưng, sau đó, vẫn nhắn tin, gửi thông báo yêu cầu khách hàng tiếp tục nộp tiền. Trong khi đó, với việc bàn giao nhà chậm so với cam kết, chủ đầu tư lại tránh đề cập đến trách nhiệm phải bồi thường cho khách hàng.

Đối với việc thay đổi hệ thống gas trung tâm sang sử dụng hệ thống điện, ông Quân cho biết, đến thời điểm này, ông mới nhận được thông báo của chủ dự án, chứ chưa hề được thỏa thuận về sự thay đổi này. Tuy nhiên, ông Quân cho biết, ông sẽ phản đối phương án thay đổi này, vì nó có thể dẫn tới hàng loạt thay đổi trong tòa nhà, đồng thời sẽ khiến tòa nhà giảm bớt tiện nghi và giá trị.

Một đại diện khác của nhóm khách hàng là ông Nguyễn Huy Hoàng lại bày tỏ một lo ngại khác, đó là dù chủ đầu tư thông báo chuyển hệ thống gas trung tâm sang sử dụng hệ thống điện, nhưng lại cho phép cư dân có thể vận chuyển và sử dụng hệ thống gas riêng lẻ là cực kỳ nguy hiểm.

“Nếu việc sử dụng hệ thống điện không ổn định, bất tiện trong sinh hoạt, nhiều khách hàng sẽ chuyển sang sử dụng bếp gas. Khi ấy, chủ đầu tư sẽ không kiểm soát được việc người dân đưa các bình gas lên tòa nhà, dẫn tới nguy cơ cháy nổ tại khu chung cư là rất cao”, ông Hoàng nói và cho biết thêm, nhóm khách hàng đã thông qua Văn phòng luật sư gửi khiếu nại lên Cục Quản lý cạnh tranh, đồng thời cũng gửi văn bản thông báo cho chủ đầu tư. Thế nhưng, đến nay, phía chủ đầu tư vẫn chưa có phản hồi gì.

“Trong trường hợp những khiếu nại của chúng tôi không được chủ đầu tư giải quyết, nhóm khách hàng sẽ xem xét việc khởi kiện ra tòa”, vị đại diện khách hàng này nói.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư