Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Ninh Bình - 30 năm đổi mới và phát triển: Xây dựng thành tỉnh phát triển khá, trung tâm du lịch của cả nước
Quý Hưng - 27/03/2022 08:27
 
Sau 30 năm tái lập, Ninh Bình đã giành nhiều thành tựu quan trọng, tạo nền tảng vững chắc, hiện thực hóa những mục tiêu xa hơn, xây dựng tỉnh phát triển khá, trung tâm du lịch của cả nước.
Thủ tướng  Phạm Minh Chính, lãnh đạo Bộ Giao thông - Vận tải, lãnh đạo tỉnh Ninh Bình cùng doanh nghiệp Xuân Trường cắt băng khánh thành Dự án cao tốc Cao Bồ - Mai Sơn
Thủ tướng Phạm Minh Chính, lãnh đạo Bộ Giao thông - Vận tải, lãnh đạo tỉnh Ninh Bình cùng Doanh nghiệp Xuân Trường cắt băng khánh thành Dự án cao tốc Cao Bồ - Mai Sơn

Mục tiêu phát triển chiến lược

Trên nền tảng kết quả Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Ninh Bình đã đạt được trong 30 năm tái lập cùng tinh thần đoàn kết, sáng tạo, năng động, quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu mà Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII đã đề ra, trong giai đoạn tới, Ninh Bình xác định tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy dân chủ, sức mạnh đoàn kết của toàn dân, khơi dậy ý chí, khát vọng, giá trị lịch sử, văn hóa, con người cố đô Hoa Lư.

Cùng với đó, đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội với công nghiệp phụ trợ, công nghệ cao, công nghệ sạch, nông nghiệp hữu cơ, tiên tiến; tập trung phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng đồng bộ, xây dựng hệ thống đô thị hiện đại; quy hoạch và phát triển kinh tế vùng ven biển. Phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội; bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, mở rộng đối ngoại, hội nhập quốc tế. Xây dựng Ninh Bình thành trung tâm du lịch của cả nước; phấn đấu đến năm 2025 là tỉnh phát triển trung bình khá, đến năm 2030 trở thành tỉnh khá trong khu vực Đồng bằng sông Hồng.

3 đột phá, 6 chương trình trọng tâm

Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh Ninh Bình mong đợi HĐND tỉnh tiếp tục có những đổi mới và những đóng góp thiết thực nhằm phát huy vai trò cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đi sâu, nắm chắc tình hình, thảo luận và quyết định những chủ trương, giải pháp đúng đắn, phát huy sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân và cử tri trong tỉnh, xây dựng Ninh Bình thành tỉnh nông thôn mới vào năm 2024, sớm tự cân đối ngân sách, Ninh Bình trở thành trung tâm du lịch quốc gia; đến năm 2025 thành tỉnh trung bình khá và đến năm 2030 thành tỉnh phát triển khá trong khu vực Đồng bằng sông Hồng.

(Trích phát biểu của Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình Nguyễn Thị Thu Hà tại kỳ họp thứ nhất của HĐND tỉnh Ninh Bình nhiệm kỳ 2021 - 2026)

Để thực hiện thành công mục tiêu trên, Ninh Bình tập trung thực hiện 3 khâu đột phá chiến lược: xây dựng chính quyền điện tử, thực hiện chuyển đổi số; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; tập trung đầu tư phát triển hạ tầng đồng bộ, hiệu quả, chất lượng, nhất là du lịch.

Cùng với đó, xây dựng 6 chương trình trọng tâm: tạo chuyển biến mạnh mẽ, rõ nét trong xây dựng Đảng, phát huy vai trò tiên phong gương mẫu của đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ, nhiệm vụ, nhất là người đứng đầu; tập trung cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính; nâng cao năng lực cạnh tranh; thu hút các dự án công nghệ cao, công nghệ sạch, phát triển bền vững, có số thu ngân sách lớn, các nhà đầu tư chiến lược phát triển du lịch; hoàn thiện kết cấu hạ tầng đồng bộ, đô thị hiện đại; phát triển kinh tế vùng ven biển Kim Sơn, bảo vệ môi trường sinh thái.

Ngoài ra, đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao năng suất lao động; phát huy giá trị lịch sử, văn hóa Cố đô Hoa Lư, phát triển toàn diện văn hóa - xã hội; coi trọng văn hóa cơ sở, xây dựng nếp sống văn minh, bảo tồn, phát huy giá trị di sản; tăng cường quốc phòng, an ninh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biển, biên giới biển của tỉnh.

Giải pháp số 1 phát triển kinh tế

Để hiện thực hóa mục tiêu chiến lược, Đại hội Đảng bộ tỉnh Ninh Bình lần thứ XXII đã đề ra 6 nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu bao quát toàn bộ tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của Ninh Bình trong thập kỷ tới. Trong đó, giải pháp số 1 là phát triển kinh tế. Trước hết, Ninh Bình tập trung cải thiện môi trường đầu tư, tạo chuyển biến rõ nét, nhất là các nhóm, chỉ tiêu thành phần xếp hạng thấp trong Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Tiếp tục  sửa đổi, hoàn thiện và triển khai hiệu quả các giải pháp, cơ chế, chính sách phù hợp với tình hình mới; kịp thời tháo gỡ khó khăn trong phát triển sản xuất - kinh doanh.

Phát triển các thành phần kinh tế, phát triển kinh tế tư nhân thực sự trở thành động lực quan trọng. Triển khai các cơ chế, chính sách phù hợp, khơi thông các nguồn lực phát triển. Tạo điều kiện cho các tập đoàn kinh tế có năng lực, đầu tư sản xuất - kinh doanh, nâng cao tiềm lực, hiệu quả và sức cạnh tranh.

Phát huy lợi thế trung điểm tứ giác tăng trưởng vùng kinh tế Bắc bộ, hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông. Tăng cường hợp tác liên vùng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, khai thác hiệu quả, bền vững tài nguyên thiên nhiên và tài nguyên du lịch; gắn xây dựng nông thôn mới với đô thị văn minh, hiện đại.

Sớm hoàn thành xây dựng quy hoạch Ninh Bình 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; bổ sung quy hoạch đô thị Ninh Bình. Huy động nguồn lực đầu tư, hoàn thiện kết cấu hạ tầng đồng bộ, nhất là hạ tầng du lịch, đô thị, giao thông.

Phát huy hiệu quả các khu, cụm công nghiệp. Đẩy mạnh phát triển công nghiệp liên kết ngành, nhóm sản phẩm chuyên môn hóa gắn với trình độ công nghệ, đổi mới sáng tạo, cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, lợi thế thương mại tự do và sự chuyển dịch đầu tư nước ngoài.

Khuyến khích thu hút các dự án đầu tư công nghệ cao, công nghệ sạch, thân thiện với môi trường, các dự án công nghiệp hỗ trợ phục vụ nông nghiệp nông thôn, tạo nguồn thu lớn cho ngân sách, ưu tiên công nghiệp điện tử, sản xuất, lắp ráp ô tô, phụ trợ, chế biến, chế tạo. Duy trì các sản phẩm công nghiệp chủ lực truyền thống.

Phát triển mạnh ngành dịch vụ theo hướng có trọng tâm, trọng điểm; đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, trở thành trung tâm du lịch của cả nước. Tập trung đầu tư và thu hút đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư chiến lược cho phát triển du lịch, đa dạng hóa các sản phẩm, hoàn thiện các dự án hạ tầng du lịch trọng điểm. Phát triển thương hiệu du lịch Ninh Bình gắn với hình ảnh, giá trị Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An, Cố đô Hoa Lư. Mở rộng hợp tác, tạo chuỗi liên kết, liên vùng và quốc tế; ưu tiên phát triển các trung tâm thương mại, siêu thị, liên hợp vui chơi, tổ hợp khách sạn, giải trí cao cấp. Phát triển bền vững  dịch vụ bưu chính, viễn thông, vận tải kho bãi; nâng cao hiệu quả phục vụ của ngân hàng...

Thực hiện cơ cấu lại nông nghiệp, xây dựng  nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu; phát triển nông nghiệp hàng hóa,  ứng dụng công nghệ cao, phục vụ du lịch. Thực hiện các dự án liên kết chuỗi giá trị, tạo đột phá về năng suất, chất lượng. Đẩy mạnh cơ giới hóa và công nghiệp chế biến.

Quy hoạch phát triển kinh tế, du lịch, dịch vụ ven biển, nuôi trồng khai thác hải sản; xây dựng khu công nghiệp, đô thị, trung tâm du lịch ven biển Kim Sơn.

Tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả về thu, chi ngân sách, hiện thực hóa mục tiêu tự cân đối ngân sách.

Đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, phát triển đô thị hiện đại; xây dựng TP. Ninh Bình là đô thị “văn hóa, sinh thái, thân thiện với môi trường”. Huy động tối đa các nguồn lực, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng hiện đại; tập trung vào hệ thống giao thông đối ngoại, giao thông kết nối các đô thị, các huyện, thành phố.

Đầu tư hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, hạ tầng du lịch và hạ tầng nông thôn. Nâng cao chất lượng các công trình thủy lợi, đê điều.

Điều tra đánh giá tiềm năng, trữ lượng, hoàn thiện quy hoạch gắn với tăng cường quản lý và sử dụng hợp lý, hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên. Bảo vệ và khai thác tiết kiệm, hiệu quả nguồn tài nguyên khoáng sản, tài nguyên nước. Bảo vệ, phát triển rừng bền vững. Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai.

Kỷ niệm 200 năm danh xưng Ninh Bình, 30 năm tái lập tỉnh là một dấu mốc vẻ vang để Ninh Bình lan tỏa thông điệp về một “Ninh Bình- Đoàn kết, sáng tạo, đầy ý chí và khát vọng vươn lên”. Đây là cơ hội vàng để quảng bá, giới thiệu thành tựu, tiềm năng, thế mạnh triển vọng và hình ảnh mảnh đất và con người Ninh Bình; thu hút các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước, tạo nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, tạo thế và lực mới đưa Ninh Bình trở thành trung tâm du lịch, điểm đến hấp dẫn của quốc tế, thành tỉnh phát triển khá khu vực Đồng bằng sông Hồng.

Đề xuất đầu tư công cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng
UBND tỉnh Nam Định muốn chuyển hình thức đầu tư cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng từ PPP sang đầu tư công dùng nguồn Chương trình...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư