Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Ninh Thuận: Tan giấc mộng Thép Cà Ná, phá giấc mơ khu công nghiệp
Nguyên Đức - 26/05/2016 14:44
 
Đại dự án thép không thành, kế hoạch xây dựng hạ tầng khu công nghiệp cũng vỡ. Giấc mộng Cà Ná của Ninh Thuận cuối cùng đã tan vỡ.

Quyết định cuối cùng đã được đưa ra. Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, trong một văn bản được ký vào ngày 19/5/2016, đã chính thức thông báo việc đồng ý hủy bỏ chủ trương cho liên doanh giữa Công ty cổ phần Tập đoàn Phát triển năng lượng Đại Dương và Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng vật liệu nghiên cứu, lập dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật Khu công nghiệp Cà Ná.

Quyết định này được đưa ra dựa trên đề xuất của Sở Kế hoạch và Đầu tư Ninh Thuận và lý do là vì nhà đầu tư không hoàn chỉnh hồ sơ đăng ký theo đúng thời hạn yêu cầu.

.
Biển Cà Ná (Ninh Thuận)

Như vậy, “giấc mộng Cà Ná” của Ninh Thuận đã chính thức tan vỡ.

Giấc mộng này trên thực tế được “nuôi” từ cách đây 8 năm, khi Dự án Liên hợp Thép Cà Ná được cấp chứng nhận đầu tư vào tháng 9/2008 và khởi công xây dựng 2 tháng sau đó. Dự án do liên doanh Lion Group (Malaysia) và Vinashin làm chủ đầu tư, với tổng vốn đăng ký 9,8 tỷ USD.

Vào thời điểm được cấp chứng nhận đầu tư, Liên hợp Thép Cà Ná là dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn nhất tại Việt Nam. Dự án này, cũng vào thời điểm đó, đã được đặt rất nhiều kỳ vọng, với mục tiêu xây dựng và vận hành khu liên hợp thép với công nghệ lò cao, lò chuyển ôxy, lò tinh luyện, cán nóng và cán nguội. Trong kế hoạch đặt ra, giai đoạn I (2008 - 2011), Dự án sẽ hoàn thành tổ hợp nhà máy thép có công suất 4,5 triệu tấn thép cuộn cán nóng/năm.

Tuy nhiên, do khó khăn về tài chính do tác động của khủng hoảng tài chính toàn cầu, Dự án chậm triển khai và cuối cùng, Lion Group đã tuyên bố rút khỏi Dự án. Đầu năm 2011, Ninh Thuận đã rút chứng nhận đầu tư dự án này.

Sau khi Dự án Liên hợp Thép Cà Ná “phá sản”, Thủ tướng Chính phủ vào tháng 5/2011 đã chấp thuận về chủ trương để chuyển đổi Dự án thành Khu công nghiệp Cà Ná với quy mô 1.000 ha. Tới tháng 8/2011, UBND tỉnh Ninh Thuận cũng đã đồng ý chủ trương cho Công ty cổ phần Phát triển năng lượng Đại Dương là đại diện tổ hợp các nhà đầu tư lập Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/2000 Khu công nghiệp Cà Ná.

Đầu tháng 12/2011, Ninh Thuận chính thức đồng ý về chủ trương để Công ty cổ phần Tập đoàn Phát triển năng lượng Đại Dương và Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng vật liệu nghiên cứu, lập dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật Khu công nghiệp Cà Ná.

Theo kế hoạch, Khu công nghiệp Cà Ná được định hướng xây dựng thành một khu công nghiệp tập trung, phát triển các nhóm ngành năng lượng mới và năng lượng tái tạo để tận dụng nguồn tài nguyên gió và nắng của khu vực. Ngoài ra, Khu công nghiệp Cà Ná cũng định hướng thu hút một số nhóm ngành khác như điện phân nhôm và các sản phẩm sau điện phân nhôm, nhóm ngành cơ khí chế tạo máy và một số ngành công nghệ cao...

Việc phát triển Khu công nghiệp Cà Ná dự kiến được chia làm 2 giai đoạn, giai đoạn I có diện tích 500 ha; giai đoạn II 483,9 ha.

Tuy nhiên, cho tới thời điểm này, chưa có bất cứ thông tin tích cực nào về việc dự án này được khởi động. Tỉnh Ninh Thuận chính thức thu hồi chủ trương đầu tư Dự án.

Giấc mơ Cà Ná đã tan. Trách nhiệm của Ninh Thuận tới đây sẽ là phải làm sao tìm kiếm chủ đầu tư để “thế chân” vào mảnh đất gần 1.000 ha đó.

Nhà đầu tư Canada đề xuất đầu tư 150 triệu USD cho dự án điện mặt trời tại Ninh Thuận
Tập đoàn năng lượng tái tạo CMX (Canada) đề xuất đầu tư nhà máy điện mặt trời với công suất 150 MW, tổng vốn đầu tư dự kiến 150 triệu...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư